Tháng 11, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng

Hoa Sơn

Trong tháng 11, giá trị phát hành thành công đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,1% tổng giá trị đăng ký phát hành, tăng 11,6% so với giá trị phát hành trong tháng 10. Các tổ chức tín dụng vẫn là nhóm doanh nghiệp có quy mô phát hành lớn nhất trong tháng 11, chiếm 49,75% tổng giá trị phát hành thành công.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu công bố qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 11/2020, có 16 doanh nghiệp đăng ký 43 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị đăng ký phát hành 17,9 nghìn tỷ đồng.

Giá trị phát hành thành công trong tháng 11 đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,1% tổng giá trị đăng ký phát hành, tăng 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với giá trị phát hành trong tháng 10.

Về cơ cấu phát hành, số liệu của HNX cũng cho thấy nhóm doanh nghiệp có quy mô phát hành lớn nhất trong tháng 11 là các tổ chức tín dụng, chiếm 49,75% tổng giá trị phát hành thành công, với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,51 năm.

Trong khi đó, giá trị phát hành của các công ty bất động sản chiếm 32,8%  tổng giá trị phát hành với kỳ hạn bình quân là 4,89 năm; các doanh nghiệp chứng khoán chiếm 1,45% với kỳ hạn bình quân là 1 năm; còn lại là các doanh nghiệp khác chiếm 16% với kỳ hạn bình quân là 5,47 năm.

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp quốc tế, trong tháng 11/2020, có 1 doanh nghiệp đã phát hành thành công 30 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế với kỳ hạn phát hành bình quân đạt 5 năm.

Như vậy, tính đến hết tháng 11/2020, đã có 2.311 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó có 1.970 đợt phát hành thành công với tổng giá trị phát hành thành công đạt 348,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 68,5% tổng giá trị đăng ký.

Số doanh nghiệp phát hành thành công là 237 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp đã phát hành thành công 185 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng khá nhanh, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN nếu xét về quy mô trên tổng GDP khi đạt 13% GDP. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đã tạo ra kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh nhưng cũng phát sinh những vấn đề cần khuyến nghị để giảm thiểu rủi ro cho thị trường.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phát đi nhiều khuyến nghị về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính khuyến nghị khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần thận trọng, đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp, đánh giá rủi ro trái phiếu trước khi có quyết định đầu tư không phải chỉ nhìn vào mức lãi suất cao hay thấp. Việc chỉ quan tâm tới lãi suất cao dẫn tới có thể sẽ bị mất khoản đầu tư khi doanh nghiệp, dự án đó gặp khó khăn.

Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP với những quy định bổ sung điều kiện, theo hướng chặt chẽ, thận trọng để đảm bảo doanh nghiệp phát hành không chia nhỏ lô phát hành để bán cho nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giới hạn khối lượng, khoảng cách giữa các đợt phát hành trái phiếu.