Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có sự thu hẹp đáng kể

Theo Ngô Hải/thitruongtaichinhtiente.vn

So với cuối năm 2020, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có sự thu hẹp đáng kể. Diễn biến này nhiều khả năng đã góp phần vào việc lãi suất liên ngân hàng tăng liên tục trong các tuần gần đây.

Vì sao thanh khoản bớt dư thừa?

Sau khi liên tục điều chỉnh tăng từ cuối tháng 4/2021, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có diễn biến giảm nhẹ trong tuần đầu tháng 6/2021.

Cụ thể, thống kê trong tuần từ ngày 28/5-4/6 cho thấy, lãi suất liên ngân hàng có diễn biến giảm trở lại ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, với mức giảm lần lượt là 0,03% và 0,16%, xuống mức 1,39% và 1,51%/năm. Ngược lại, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần tiếp tục tăng 0,13% lên mức 1,82%/năm.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có sự thu hẹp đáng kể - Ảnh 1

So với cuối tháng 5/2021, lãi suất huy động trên thị trường 1 (huy động khu vực tổ chức kinh tế và dân cư) tăng nhẹ tại một số ngân hàng, với mức tăng từ 0,1 – 0,5% tùy theo kỳ hạn.

Ví như: SHB điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn 12, 24, 36 tháng, với mức tăng từ 0,1 - 0,3%/năm; Sacombank điều chỉnh tăng nhẹ 0,1% đối với kỳ hạn 6 tháng…

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có sự thu hẹp đáng kể - Ảnh 2

Số liệu về tăng trưởng tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến ngày 21/5/2021, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,67%. Mức tăng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020, khi tính tới ngày 29/5/2020, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2%.

Với tăng trưởng tín dụng như trên, trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, sau 1 năm, tổng dư nợ tín dụng đã tăng 15,07% YoY, với trên 400.000 tỷ đồng vốn được vay từ hệ thống ngân hàng, tính từ đầu năm tới nay.

Ngược lại, tăng trưởng huy động vốn tính tới ngày 21/5/2021 mới chỉ đạt 2,68%, tương đương mức tăng vào cuối tháng 5/2020, tăng 13,27% YoY và hơn 260.000 tỷ đồng được hút vào hệ thống qua kênh huy động vốn từ đầu năm tới nay.

“Như vậy, so với cuối năm 2020, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có sự thu hẹp đáng kể. Diễn biến này nhiều khả năng đã góp phần vào việc lãi suất liên ngân hàng tăng liên tục trong các tuần gần đây”, BVSC nhận định.

Còn theo phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng tín dụng cao, trong khi tăng trưởng huy động vốn đến ngày 21/5/2021 chỉ là 2,68% so với đầu năm. “Chênh lệch tiền gửi - tín dụng thu hẹp khoảng 160.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020, khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa, đẩy lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng”, các chuyên gia phân tích của SSI nhận định.

Tuy nhiên, cung cầu VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định, Ngân hàng Nhà nước vẫn tạm ngừng giao dịch trên thị trường mở trong 3 tháng qua, đặc biệt sẽ có một lượng tiền đồng lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7&8/2021 sẽ giúp giảm căng thẳng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Trợ lực đến từ nguồn tiền "nhàn rỗi" 

Trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước tổ chức gọi thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) tại 4 loại kỳ hạn: 7 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm. Khối lượng gọi thầu cho 4 loại kỳ hạn trên lần lượt ở mức 1.000 tỷ đồng, 9.000 tỷ đồng, 4.500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.

Kết quả: Lượng đặt thầu cho kỳ hạn 7 năm gấp 3,25 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 50% tại mức lãi suất 1,36% - giảm 0,09% so với lần trúng thầu gần nhất; lượng đặt thầu cho kỳ hạn 10 năm gấp đôi giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 100% tại mức lãi suất 2,2% - giảm 0,07% so với lần trúng thầu gần nhất; lượng đặt thầu cho kỳ hạn 15 năm bằng 2,5 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 87% tại mức lãi suất 2,45% - giảm 0,09% so với lần trúng thầu gần nhất; lượng đặt thầu cho kỳ hạn 20 năm bằng 2,07 lần giá trị gọi thầu và tỷ lệ trúng thầu đạt 37% tại mức lãi suất 2,91% - tăng 0,01% so với lần trúng thầu gần nhất.

Tổng lượng phát hành TPCP trong tuần vừa qua đạt 13.790 tỷ đồng, cao hơn 25% so với khối lượng dự kiến. Như vậy, kết thúc tuần đầu tiên của tháng 6, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành 84% kế hoạch phát hành quý và 35% kế hoạch phát hành cả năm.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có sự thu hẹp đáng kể - Ảnh 3

Luỹ kế từ đầu năm 2021 tới nay, tổng lượng phát hành TPCP đạt trên 123 nghìn tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu có diễn biến giảm, trong khoảng 0,07 - 0,09% ở các kỳ hạn dưới 20 năm và tăng nhẹ 0,01% ở kỳ hạn 20 năm. “Kho bạc Nhà nước nhiều khả năng đã tận dụng việc lãi suất thấp như hiện tại để đẩy mạnh phát hành TPCP, hỗ trợ mục tiêu giải ngân đầu tư công của Chính phủ trong thời gian tới”, các chuyên gia phân tích của BVSC nhận định.

Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch Outright đạt 37.365 tỷ đồng, giảm 21,95% so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch Repos đạt mức 15.457 tỷ đồng, giảm 14,72%.

Lợi suất trên thị trường thứ cấp trong tuần qua có diễn biến giảm ở tất cả các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm, với mức giảm lần lượt là 0,02%; 0,01%; 0,04%; 0,06% và 0,07% xuống 1,13%; 1,36%; 2,24%; 2,49%; và 3,05%/năm.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, BVSC cho biết, tính tới cuối tháng 5/2021, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở hệ thống ngân hàng thương mại đã tăng lên mức 63.000 tỷ đồng so với trước đây.

Theo BVSC, lượng tiền mới đổ vào từ Kho bạc Nhà nước phần nào đã hỗ trợ cho thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó, giúp lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 1 tuần giảm nhẹ trong tuần qua.

“Số tiền gửi hiện tại của Kho bạc Nhà nước là khoản tiền gửi ngắn hạn và sẽ đáo hạn trong vòng 6 tháng. Đây sẽ là yếu tố giúp giảm căng thẳng hệ thống ngân hàng trong ngắn hạn, khi lãi suất liên ngân hàng có diễn biến tăng liên tiếp”, các chuyên gia của BVSC nhận định.