Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu

Xuân Trường

Biến đổi khí hậu là “vấn đề mang tính quyết định của thời đại”. Thực tế, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn các hành động ứng phó của nhân loại, đây là cuộc đua bắt buộc con người phải chiến thắng. Để làm được điều này, tất cả quốc gia, bao gồm Việt Nam, cần đề ra những mục tiêu nhằm thúc đẩy toàn xã hội, đặc biệt là thanh niên, cùng hành động để hiện thực hoá.

Thanh niên Việt Nam sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: UNDP Việt Nam/Youth4Climate.
Thanh niên Việt Nam sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: UNDP Việt Nam/Youth4Climate.

Thanh niên dưới 25 tuổi tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 23% dân số và là lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy những thay đổi tích cực trong xã hội. Thanh niên là nguồn cung năng lượng cho sự sáng tạo và nhiệt huyết hành động, và là một trong những lực lượng quan trong nhất để giành chiến thắng trong cuộc đua với khí hậu.

Từ năm 2020, Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khởi động Sáng kiến Youth4Climate với mục đích nâng cao năng lực của đại diện thanh niên và các mạng lưới thanh niên hiện có, đẩy mạnh các hành động khí hậu ở nhiều chủ đề, nhằm thúc đẩy thực hiện “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) của Việt Nam. Sáng kiến này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của UNDP trong huy động và làm việc với thanh niên và học sinh/sinh viên ở Việt Nam.

Với hỗ trợ từ chuyên gia của Bộ TN&MT, UNDP, sáng kiến Youth4Climate đã tổ chức nhiều hoạt động cho thanh niên ở khắp các vùng miền trên cả nước, trong đó có 4 chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu như: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu; giải pháp dựa vào thiên nhiên và chính sách biến đổi khí hậu.

Bằng tinh thần nhiệt huyết, tính sáng tạo và sự năng động, thanh niên Việt Nam đã và đang tiên phong tham gia vào các giải pháp hiện có, cũng như xây dựng những giải pháp mới nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cùng với nhiều dự án dựa vào thiên nhiên.

Sau đây là một số dự án tiêu biểu với sự thực hiện của các nhóm thanh niên trong 3 năm gần đây:

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

Dự án Vert Xanh là một dự án được thành lập bởi 3 bạn trẻ trường THPT trên địa bàn Hà Nội, hướng tới mục tiêu xây dựng không gian học tập xanh, văn minh, hiện đại cũng như thay đổi nhận thức, phát triển tư duy của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường. Từ năm 2019, nhóm đã triển khai những dự án nhỏ ở trường THCS Nghĩa Tân như thu gom pin cũ, làm gạch Ecobrick, thường xuyên phát thanh truyền thông về những vấn đề môi trường trước loa trường... Cuối năm 2019, căng tin trường THCS Nghĩa Tân đã thay thế toàn bộ cốc, bát nhựa sử dụng một lần dưới sự đề xuất của Vert Xanh. Từ năm 2020, Vert Xanh đã triển khai Vert Tour - chuỗi sự kiện điểm nhấn nhằm lắp đặt mô hình thu gom và phân loại rác thải tại nguồn tại các trường THCS và THPT trên địa bàn Hà Nội. Sự kiện chính Vert Tour - Chim báo bão đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của 1.800 bạn học sinh đến từ các trường THCS, THPT như THCS Nghĩa Tân, THPT Chu Văn An...

Dự án Green Beli là dự án giảm rác thải nhựa tại Việt Nam, hoạt động bởi khoảng 15 bạn trẻ (chủ yếu là sinh viên). Hoạt động được triển khai gồm có các buổi dọn rác biển sau bão, hơn 300m bờ biển được thu dọn và làm sạch; gần 1 tấn rác nằm trên bãi biển Sơn Trà, Đà Nẵng được thu gom và đem đi xử lý, chủ yếu gồm lưới đánh cá và các loại bao bì nilon, bao cát dùng để chắn gió bão. Ngoài ra, bộ ảnh truyền thông về nhựa do dự án thực hiện đã nhận được sự quan tâm lớn của người dùng facebook. Bài viết đã đạt gần 80.000 lượt tiếp cận, 13.500 lượt tương tác, 900 lượt thích, 250 bình luận và gần 700 lượt chia sẻ. Những con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Thanh niên thuộc dự án Green Beli đã tạo ra ứng dụng Green Beli, một bàn đồ Xanh với hơn 1.000 địa điểm xanh trong cả nước, được sự hỗ trợ của sở Khoa học - Công nghệ Đà Nẵng.

Green River là một dự án được khởi xướng bởi 7 thanh niên miền Nam Việt Nam trong độ tuổi từ 18-30. Dự án hướng đến việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên các con sông ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc thiết lập hệ thống thùng rác thông minh trên ghe du lịch, ghe hàng, bến phà chở khách; dùng robot thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên sông và truyền thông nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng lối sống xanh cho các tiểu thương và các hộ dân sống trên hoặc ven sông. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 1/2020 tại chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã làm được tổ chức 1 hoạt động vẽ thùng rác, 1 lần chạy thử máy thu gom, 1 sự kiện ra mắt và các hoạt động truyền thông online, tiếp cận 150.000 lượt người và thu hút 15.000 lượt tương tác. Dự án vừa đạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” của UNESCO và đang mở rộng địa bàn sang Cù Lao Chàm, Quảng Nam.

Năng lượng

Tắt đèn - Bật ý tưởng (BOOVironment): Kể từ khi tham gia Chiến dịch Giờ Trái đất đầu tiên năm 2009, Việt Nam đã hưởng ứng thành công 10 chiến dịch lớn từ sự kiện toàn cầu này, thu hút đông đảo sự ủng hộ của các bạn trẻ trên cả nước. Số lượng thành viên tham gia chiến dịch tăng nhanh qua từng năm. Để chào mừng sự kiện Giờ Trái đất, Chiến dịch Tắt đèn - Bật ý tưởng, một sáng kiến do BOOVi- ronment dẫn đầu, đã có sức lan tỏa rộng rãi, lôi cuốn các nhóm thanh niên trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến các bạn trẻ cả nước. 10 chủ đề trong 10 năm, chiến dịch đã thu hút hơn 5.000.000 lượt người ủng hộ, 800 bài báo đưa tin, hơn 20 tỉnh, thành phố có hoạt động ủng hộ, hơn 50 nhóm/CLB/Tổ chức đồng hành cùng chiến dịch và 18.000 cây đã được trồng tại rừng ngập mặn Huế.

Thanh niên đóng vai trò tích cực của trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đẩy mạnh các nỗ lực thích ứng tại Việt Nam.
Thanh niên đóng vai trò tích cực của trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu,
giảm phát thải khí nhà kính và đẩy mạnh các nỗ lực thích ứng tại Việt Nam.

SG Solutions là một dự án mang đến giải pháp giám sát năng lượng trực quan được thực hiện bởi IoTeamVN, mang đến sự minh bạch trong giám sát lượng điện tiêu thụ cũng như lợi ích kinh tế của việc sử dụng điện tiết kiệm. Dự án đã triển khai lắp 10 bộ giám sát năng lượng tại các hộ gia đình trên địa bàn nội thành Hà Nội giúp người dân có thể nhanh chóng thấy được hiệu quả của việc tiết kiệm điện và tiết kiệm chi phí thông qua các hành vi như chọn bóng đèn LED thay các loại đèn truyền thống, chọn mức nhiệt độ điều hòa hợp lý, dùng rèm che nắng... Bộ giám sát năng lượng SG Solutions xuất phát từ nghiên cứu khoa học được thiết kế, lập trình bởi đội ngũ kỹ thuật IoTeamVN và được Bộ Xây dựng nghiệm thu và đánh giá cao. Dự án được hỗ trợ bởi Quỹ sáng kiến “Vì không khí sạch - Thành phố xanh” triển khai bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng. Dự án cũng được thúc đẩy thông qua chương trình VIETNAM ENERGY ACCELERATOR PROGRAM được tổ chức bởi New Energy Nexus.

New Energy Nexus Việt Nam là một tổ chức phi lợi nhuận do 3 thanh niên Việt Nam trong độ tuổi từ 22 đến 35 vận hành. Tổ chức hướng đến việc hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp về năng lượng sạch thông qua việc cấp quỹ, nâng cao năng lực và kết nối mạng lưới. New Energy Nexus Việt Nam cùng New Energy Nexus Đông Nam Á triển khai dự án BUILDING ENERGY CHALLENGE 2020, hướng đến việc ứng dụng thí điểm các dự án về tiết kiệm năng lượng đến khối tòa nhà, nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng tại Đông Nam Á. Dự án kết nối 10 tập toàn và 1.800 start-up về tiết kiệm năng lượng. Tại Việt Nam, ở vòng chung kết, dự án kết nối thành công tập đoàn Viettel với 1 start-up nước ngoài.

Ô nhiễm không khí

Dự án AirSENSE dành cho học sinh, sinh viên phát triển các kỹ năng STEM với tư duy bảo vệ môi trường, hướng tới các hoạt động khoa học công dân và ứng dụng thực tế. AirSENSE bắt nguồn từ dự án nghiên cứu sinh viên phòng thí nghiệm SPARC Lab, Đại học Bách khoa Hà Nội. Lợi thế với nhân lực chất lượng, chuyên sâu, Air- SENSE đã hình thành hệ thống đo chất lượng không khí phục vụ giáo dục STEM và giáo dục môi trường. Từ Bách khoa, dự án được triển khai trong một số trường học dưới các hình thức đa dạng như hội thảo, trao đổi nhóm, hỗ trợ thành lập câu lạc bộ học tập, triển lãm, ngày hội STEM, cuộc thi khoa học. Để tạo sân chơi lan tỏa, AirSENSE tổ chức Cuộc thi thiết kế kỹ thuật chủ đề Môi trường không khí  và Cuộc thi thiết kế kỹ thuật chủ đề giải pháp thông minh trong khoa học môi trường. Với mục tiêu “học hỏi, sáng tạo và phát triển”, cuộc thi tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, trí tuệ, cơ hội giao lưu học hỏi cho tất cả các bạn học sinh, sinh viên từ 13- 25 tuổi, có niềm đam mê khoa học và kỹ thuật, thỏa sức sáng tạo, biến những ý tưởng của mình thành sản phẩm hữu ích trong cuộc sống.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Dự án Rễ (thuộc Đội thanh niên Tình nguyện Sông Mã) bắt đầu mang cỏ Vetiver đến xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải vào tháng 6/2018 để giải quyết tình hình sạt lở vô cùng nghiêm trọng tại địa phương. Bằng việc trồng cỏ Vetiver, dự án mong muốn xây dựng một giải pháp tiết kiệm, bền vững và dễ thực hiện, giúp giảm thiểu sạt lở do mưa lũ gây ra cho đồng bào dân tộc miền núi. Đồng thời, Vetiver sẽ là bước đầu trong việc cải tạo đất rừng, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, canh tác bền vững của người dân địa phương. Đến thời điểm hiện tại, nhóm đã mang 33.000 tép cỏ Vetiver đến La Pán Tẩn. Ngoài ra, nhóm cũng triển khai các hoạt động khác cho cộng đồng như tổ chức các buổi gặp tuyên truyền cho người dân về tác dụng của Vetiver, xây dựng vườn ươm Vetiver tại địa phương và xây dựng bản đồ sạt lở tại La Pán Tẩn. Nhóm hiện bao gồm 10 thành viên là thanh niên trong độ tuổi đi làm và sinh viên năm 3, năm 4 tại các trường đại học ở Hà Nội.

BRIMOFOT (Bring more than food to the table) được khởi xướng bởi nhóm sinh viên, giảng viên 3 trường đại học Kiên Giang, An Giang và Hoàng gia Campuchia thực hiện, hướng đến mục tiêu tăng cường bình đẳng giới và sự tham gia của các nhóm yếu thế trong việc hoạch định chính sách và quản lý đất ngập nước, nhằm đảm bảo phát triển bền vững và hài hoà giữa sinh kế người dân và đa dạng sinh học, nước khu vực hạ lưu sông Mê Kông. Dự án thực hiện ở huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang và huyện Tà Keo thuộc Campuchia. Dự án sẽ thực hiện trong 18 tháng (có lùi lại do COVID). Các công việc chính của dự án bao gồm nghiên cứu thực trạng, đưa ra giải pháp, tập huấn cán bộ địa phương và truyền thông đến cộng đồng, đánh giá cuối kỳ và cuối cùng là đưa ra bản kiến nghị và đề xuất chính sách cho các bên liên quan như Chính phủ, phụ nữ, cộng đồng thiểu số v.v...

Giải pháp dựa vào thiên nhiên

Các dự án dựa vào thiên nhiên của thanh niên Việt Nam hiện nay rơi vào ba nhóm chính: xanh hoá đô thị (trồng cây), bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và phát triển các sản phẩm dựa vào thiên nhiên (chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp).

Xanh Hà Nội được thành lập bởi bốn bạn trẻ vào tháng 8/2017 với mục tiêu trồng mới 1.000.000 cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội; và phổ biến, lan tỏa mô hình dự án trong nước và quốc tế. Từ năm 2017 đến nay, dự án đã trồng được hơn 3.000 cây tại Hà Nội với một số công trình nổi bật như Đường Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì; cao đẳng Công nghệ và Thương mại; xã Xuân Lôi, Đông Anh; và xã Hoàng Diệu, Chương Mỹ. Hiện tại, nhóm thành viên chủ chốt của Xanh Hà Nội là 11 người, số lượng tình nguyện viên tham gia vào các sự kiện mà Xanh Hà Nội tổ chức thì đã lên tới hơn 100 người.

Green for Future Club là một câu lạc bộ của trường Đại Học Lâm Nghiệp Việt Nam được thành lập vào năm 2013 bởi các cựu sinh viên năm ba của trường với mục tiêu cung cấp những kiến thức lý thú và bổ ích về thiên nhiên, môi trường, bảo vệ động thực vật, đồng thời thúc đẩy niềm đam mê với ngành nghề theo đuổi cho học sinh, sinh viên trong và ngoài trường. Đến nay, Dự án được thực hiện bởi 36 bạn tình nguyện viên, được hỗ trợ từ chính quyền bản Thung Mài, xã Hang Kia; 48 hộ dân tại bản Thung Mài; và khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò đã hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây, vận chuyển cây giống. Dự án được tài trợ bởi Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững CSDS và Cơ quan Viện trợ Ireland (Irish Aid).

Sasa Marine Rescue Team: Nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã SASA (SST) được thành lập vào tháng 7 năm 2018 sau sự kiện một chú cá heo có tên là Sasa bị trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng vào cuối tháng 6 năm 2018. Hiện nay, hơn 20 thành viên là tình nguyện viên tự trang bị về kiến thức, trang thiết bị và dành thời gian 4 - 5 ngày/tuần để ngụp lặn dọc bãi biển của bán đảo Sơn Trà nhằm nhắc nhở du khách không phá hủy rạn san hô, cắt lưới ma và nhặt rác, đồng thời trồng và khôi phục những rạn san đã bị phá huỷ. Ngoài ra, SST còn thực hiện những cuộc cứu hộ sinh vật biển như rùa biển, cá heo...

Vietherb - Thuốc nam của người Việt tập trung vào việc thúc đẩy các giải pháp tự nhiên thông qua khai thác cây thuốc cho các sản phẩm như dầu gội đầu, sữa tắm, nước súc miệng... Ngay từ đầu, các giá trị của Vietherb là tôn trọng các cây thuốc được trồng trong tự nhiên, không được trồng thuần túy; tránh dùng hóa chất hoặc công nghệ nuôi cấy mô trong nhân giống; và tránh phân bón hóa học và hóa chất trong sản phẩm. Ngoài ra, Vietherb tìm kiếm xây dựng cộng đồng kết nối miền núi và miền xuôi để các thầy thuốc và mọi người có thể cùng nhau bảo tồn và chia sẻ giá trị của thảo dược Việt Nam, sử dụng thực vật tự nhiên để chăm sóc sức khỏe, sản xuất và tiêu dùng. Hiện tại VietHerb đã phát triển gần 100 sản phẩm, VietHerb cam kết tối thiểu 51% lợi nhuận sẽ được quay vòng sử dụng cho các hoạt động bảo tồn và phát triển cây thuốc, bài thuốc, thầy thuốc.

An Nhiên Farm: Là một nông trại được xây dựng trên ba hecta đất giữa vùng thung lũng đồi cằn cỗi. Sau khi được cải tạo, hiện nay An Nhiên farm đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng gồm xưởng sáng tác, vườn rau tự cung cung cấp, nhà lưu trú, xưởng gia công đồ nội thất. Toàn bộ sản phẩm tại An Nhiên farm từ bàn ghế, đồ dùng trang trí đều được làm một cách dựa vào thiên nhiên. Hiện nay, An Nhiên farm đã phát triển thành một khu du lịch sinh thái, được coi là lá phổi xanh của thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, ngoài việc khôi phục thành công một không gian xanh, An Nhiên farm tạo cơ hội việc làm cho nhiều bạn trẻ tại địa phương.

Vải thân thiện do Giàng Thị Minh, một bạn trẻ dân tộc H’mong khởi xướng và thực hiện. Dự án ra đời nhằm góp phần hạn chế lượng rác thải thời trang công nghiệp và truyền cảm hứng sử dụng các sản phẩm từ nguyên liệu xanh, an toàn và bảo vệ môi trường đến cộng động, đặc biệt là giới trẻ. Dự án sử dụng các nguyên vật liệu xanh là vải lanh dệt thủ công và nhuộm màu tự nhiên để tạo ra các sản phẩm, phụ kiện, thời trang thân thiện với môi trường. Bắt đầu từ tháng 4/2020 tại Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, dự án đến nay đã kết nối với các nghệ nhân làm nghề dệt thủ công ở Tây Bắc để có nguồn vải thân thiện, sau đó thực hiện sáng tạo, thiết kế ra các sản phẩm như: túi đeo, găng tay, trang phục...

Các mục tiêu hành động của Youth4Climate Việt Nam giai đoạn 2022-2025.
Các mục tiêu hành động của Youth4Climate Việt Nam giai đoạn 2022-2025.

Các chương trình, dự án trên cho thấy vai trò tích cực của thanh niên Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đẩy mạnh các nỗ lực thích ứng tại Việt Nam, đóng góp vào các nỗ lực chung của quốc gia và quốc tế trong cuộc đua ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, qua đó kêu gọi tất cả mọi người và đối tác phát triển cùng chung tay đẩy mạnh các chương trình, tạo điều kiện cho thanh niên vươn lên và hoàn thành vai trò của mình. Thanh niên Việt Nam sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách huy động sự tham gia của gia đình, trường học và cộng đồng.