Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường

T. Huyền

Nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường sống. Đảng ta nhiều lần khẳng định, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao. Do vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường.

Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, cụ thể là các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân
Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, cụ thể là các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân

 

 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra phổ biến, nhận thức, ý thức trách nhiệm và triển khai thực hiện vẫn còn những bất cập.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Mục 5 về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ, phải xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Đây là mô hình kinh tế lần đầu tiên được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII. 

Một số khái niệm, vấn đề mới như tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn chưa được nhận thức đầy đủ và rộng rãi. Một số cấp ủy, chính quyền vẫn chưa đánh giá đúng tầm mức tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Bên cạnh đó, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu tuy đã được sớm quan tâm định hướng, chỉ đạo triển khai nhưng nhận thức của hệ thống chính trị cũng như cộng đồng cũng chưa đầy đủ, toàn diện, thiếu chủ động trong triển khai hành động.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững. Để Nghị quyết Đại hội XIII đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực sinh động, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cần lưu ý một số vấn đề sau như sau: 

Đảng ta nhiều lần khẳng định, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân.

Do vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, cụ thể là các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của môi trường sinh thái, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần có chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để khắc  phục khó khăn, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới. Coi trọng đổi mới công nghệ theo quan điểm của Đảng, phát triển khoa học công nghệ gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Về mặt quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống; khắc phục những bất cập, chồng chéo trong hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Muốn nâng cao nhận thức, ý thức, biến thành hành động hiệu quả, cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, huy động sự tham gia của toàn dân vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần cụ thể hóa các quy định trong Luật BVMT năm 2020, như quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ. Quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Có thể lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình. Phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn.

Bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước
Bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước

Cùng với đó, huy động và ưu tiên các nguồn đầu tư cho công tác BVMT. Tăng dần ngân sách cho BVMT phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tăng cường sử dụng hiệu quả nguồn lực trong BVMT. Xây dựng cơ chế đột phá nhằm huy động nguồn đầu tư từ xã hội cho công tác BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường.

Hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường; xây dựng các cơ chế tài chính dựa trên các nguyên lý của kinh tế thị trường để thúc đẩy điều chỉnh, thay đổi hoạt động sản xuất, hành vi tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp môi trường, xử lý ô nhiễm, quản lý chất thải, cung cấp dịch vụ BVMT

Song hành cùng các giải pháp trên, để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân đối với vấn đề BVMT thì công tác tuyên truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng.  Thông qua tuyên truyền sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội trong việc thúc đẩy BVMT.