Thành phố thông minh - Từ ý tưởng đến hiện thực
Mặt trái của việc trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới, chính là gánh nặng quá tải về hạ tầng, y tế, giáo dục, và hệ lụy ô nhiễm môi trường… Việt Nam hiện có khoảng 30 tỉnh, thành phố hướng đến việc phát triển đô thị thông minh, như một giải pháp cho các vấn đề nói trên. Tuy nhiên, nếu thiếu đi những thiết chế cần thiết, quá trình chuyển đổi này có nguy cơ chỉ mang tính phong trào và gây lãng phí.
Lập đầu mối chuyên trách mới?
Theo Tổng cục Thống kê, dân số đô thị của Việt Nam sẽ đạt gần 36 triệu người vào năm 2020, tăng 35% so với năm 2010. Từ khá sớm, Việt Nam đã tính đến việc phát triển các đô thị thông minh theo xu thế tất yếu của thế giới để hóa giải áp lực gia tăng dân số cho các đô thị. Tuy nhiên, từ những bàn thảo cho đến hành động còn khá xa, bởi cho tới nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về thành phố thông minh trên thế giới.
Trong bối cảnh ấy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, là một cơ sở đặc biệt quan trọng, giúp xác định các quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu theo từng giai đoạn cụ thể, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đồng thời phát huy tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương, cũng như cộng đồng DN và xã hội đối với vấn đề mới mẻ này.
Theo bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, QĐ 950 đã xác định rõ, một đô thị thông minh bền vững là một đô thị sáng tạo sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả vận hành và các dịch vụ cũng như khả năng cạnh tranh của đô thị, đồng thời bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, Đề án xác định ba giai đoạn phát triển gồm: Hiện đại hóa đô thị áp dụng các gói giải pháp ICT; Phát triển đô thị thông minh phục vụ các tầm nhìn, mục tiêu của Nhà nước và không chỉ giới hạn ở các phương tiện ICT; Bổ sung và chú trọng sự tham gia của người dân, hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, minh bạch trong quản lý đô thị và các mục tiêu bền vững.
Theo đại diện của Vụ Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), để phát triển đô thị thông minh trên bình diện quốc gia, trước hết, Chính phủ cần thành lập một cơ quan đầu mối chuyên trách để chỉ đạo việc phát triển đô thị thông minh theo mô hình Ủy ban hoặc Ban chỉ đạo quốc gia, hoặc cơ quan thường trực có nhiệm vụ liên kết các bộ, ngành liên quan.
Cùng với đó, cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư, khuyến khích phát triển đô thị thông minh. Cần đưa ra các tiêu chí đánh giá đo lường trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế để theo dõi, giám sát việc phát triển đô thị thông minh. Ngoài ra cần xây dựng những lĩnh vực trọng tâm có thể thông minh hóa trong phát triển đô thị và hướng dẫn thực hiện. Trên cơ sở đó, các đô thị có quyền chủ động lựa chọn phương hướng đầu tư phù hợp, tránh được kiểu đô thị thông minh rập khuôn không khả thi. Cũng cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu không gian đô thị và các cơ chế liên quan như mức độ cập nhật, duy trì, chia sẻ, bảo mật, ứng dụng, những yếu tố quyết định mức độ thông minh của thành phố…
Để thông minh mà không lãng phí
Có thể thấy, hiện trạng phát triển của hệ thống đô thị Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết để đáp ứng khả năng hoạt động ổn định trong điều kiện cơ bản trước khi tính đến chuyện áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào quá trình quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển các ứng dụng tiện ích đô thị.
Tại các đô thị lớn, vẫn còn phổ biến tình trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí logistic, tình trạng ô nhiễm môi trường còn cao. Còn các đô thị vừa và nhỏ, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững phụ thuộc vào khai thác tài nguyên cũng như thiếu nguồn lực để phát triển, ít hỗ trợ lan tỏa đô thị hóa, dẫn tới mất cân đối về lao động và định cư trong không gian phát triển quốc gia. Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị còn phân tán ở nhiều ngành, thiếu tính nhất quán dẫn đến khó khăn trong định hướng, dự báo và điều hành quản lý đô thị…
Thời gian qua, có một số địa phương đã mạnh dạn, chủ động xây dựng đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, để tránh việc đầu tư theo phong trào, hoặc lãng phí không hiệu quả, các địa phương cần phải rà soát điều chỉnh các nhiệm vụ đã đề ra theo quan điểm và mục tiêu của Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để bảo đảm tính thống nhất với định hướng chung trong tổng thể của quốc gia.
Để giải bài toán nguồn lực cho phát triển, nhiều thành phố đang kêu gọi đầu tư của khu vực tư nhân thông qua hình thức đối tác công-tư (PPP) thông qua việc tạo ra khuôn khổ ưu đãi để nhà đầu tư cam kết tài chính cho dự án. Tuy nhiên, cần phải có những bước đi thận trọng như ưu tiên triển khai trước các giải pháp dễ làm, với chi phí thấp tại một số lĩnh vực như xây dựng chính phủ điện tử và giao thông thông minh, trước khi bắt đầu các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, đòi hỏi chi phí cao. Chẳng hạn như cách mà TP. Hồ Chí Minh đang làm, giới thiệu các dự án thí điểm để thử nghiệm công nghệ mới nhằm nâng cao việc quản lý các dịch vụ công. Từ đó, các dự án thí điểm với mô hình công nghệ và tài chính đã được chứng minh có thể được mở rộng và triển khai sau đó. Chúng ta đã có nhiều đơn vị sản xuất sản phẩm kết nối internet có thể ứng dụng trong việc phát triển thành phố thông minh, đây cũng là nguồn lực không nhỏ, cần được phát huy.
Với mục tiêu sẽ có ít nhất ba thành phố thông minh vào năm 2020, Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách ưu tiên phát triển công nghiệp số, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, hạ tầng công nghệ viễn thông. Cơ hội nắm bắt xu thế tất yếu trong tầm tay, vấn đề còn lại vẫn là năng lực thực thi. Cần phải nhắc lại, điểm yếu của chúng ta vẫn là nguồn lực tài chính và nhân lực. Tài chính có thể huy động được, nhưng tài lực thì cần phải có chính sách riêng, chỉ có như vậy, con người mới trở thành trung tâm của đô thị thông minh.