Thanh toán bằng tiền mặt đối với mía nhập khẩu: Vướng mắc được tháo gỡ…

Theo mof.gov.vn

Ngay sau khi nhận được những vướng mắc của Cục Hải quan Tây Ninh về việc thanh toán bằng tiền mặt đối với khối lượng mía nhập khẩu từ việc đầu tư trồng từ Campuchia đối với trường hợp của Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Tổng cục Hải quan đã có văn bản giải đáp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ nội dung, thực tế phát sinh tại Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh vướng mắc trong thanh toán bằng tiền mặt đối với khối lượng mía nhập khẩu từ việc đầu tư trồng từ Campuchia với số mía này dư ra sau khi cấn trừ nợ ứng vốn theo hợp đồng ứng vốn giữa Công ty với Công ty TNHH MTV Mía đường Svayrieng. 

Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư số 201/2012/TT-BTC ngày 01/03/2017 của Bộ Tài chính thì các hình thức như bỏ vốn hoặc đầu tư bằng tiền, hiện vật là hỗ trợ đầu tư.

Vì vậy, trường hợp Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh bỏ vốn (ứng vốn) và nhận lại nông sản (cây mía) để hỗ trợ đầu tư tại tỉnh Svay Riêng thuộc đối tượng áp dụng Thông tư số 201/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Do vậy, Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh căn cứ điểm a khoản 2 Điều 9 Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia ban hành kèm Quyết định số 17/2004/QĐ-NHNN ngày 05/01/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thanh toán bằng VND và KHR tiền mặt trên lãnh thổ Campuchia, hướng dẫn cho Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh thực hiện thủ tục hải quan khi mang tiền xuất cảnh để thanh toán tiền mặt cho Công ty TNHH MTV Mía đường Svayrieng (Công ty của Campuchia) đối với lượng mía thu được sau khi cấn trừ theo Hợp đồng ứng vốn đã ký giữa Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và Công ty của Campuchia.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng nêu rõ, để thực hiện việc kiểm tra, xác định số tiền mặt mang sang Campuchia để thanh toán lượng mía thu được sau khi cấn trừ thì Hợp đồng ứng vốn ký kết với Công ty của Campuchia về việc hỗ trợ đầu tư trồng và nhận lại nông sản phải có thể hiện cụ thể sản lượng mía thu hoạch, trị giá, số vốn ứng bằng tiền mặt (Việt Nam đồng) hoặc máy móc, giống, phân bón, thuốc trừ sâu... quy đổi thành tiền, tỷ lệ lượng mía còn lại sau cấn trừ với sản lượng mía thu hoạch, phương thức thanh toán... làm cơ sở để cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục đối với lượng tiền phù hợp với trị giá lượng mía còn lại sau cấn trừ.

Mặt khác, lượng tiền mặt mang sang Campuchia để thanh toán tiền hàng phải được nhận từ ngân hàng và có niêm phong của ngân hàng. Chi cục Hải quan cửa khẩu căn cứ vào chứng từ rút tiền và niêm phong của ngân hàng để xác nhận trên tờ khai nhập cảnh, xuất cảnh đối với lượng tiền mặt khi đại diện doanh nghiệp mang theo khi xuất cảnh.