Thanh toán bất động sản phải thông qua ngân hàng
(Tài chính) Quy định này được cho là phù hợp với xu thế hạn chế giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt và góp phần hạn chế hành vi rửa tiền.
Qua 7 năm thực hiện, Luật kinh doanh BĐS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng phát sinh những hạn chế, bất cập như: thị trường BĐS phát triển thiếu lành mạnh; tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường làm biến động giá tác động đến tính ổn định vĩ mô và nền kinh tế.
"Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết ban hành Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường BĐS; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh BĐS, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nói.
Về các loại BĐS đưa vào kinh doanh, đa số ý kiến tán thành quy định cụ thể các loại BĐS đưa vào kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật (Điều 5) và đề nghị các loại BĐS là nhà ở, các loại nhà, công trình xây dựng khác, quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai là những BĐS được giao dịch phổ biến trên thị trường thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đề nghị khái niệm BĐS là đất đai (khoản 1 Điều 3) hay quyền sử dụng đất (Điều 5) phải thống nhất với Luật đất đai.
Một vấn đề cũng còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định tại khoản 2 Điều 8: "Các trường hợp bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS không nhằm mục đích kinh doanh hoặc có quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp (DN) và đăng ký kinh doanh BĐS nhưng phải đăng ký kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế".
Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ tiêu chí để xác định mức độ kinh doanh BĐS có quy mô nhỏ, trên cơ sở đó phân biệt rõ những trường hợp phải thành lập DN hoặc không phải thành lập DN. Bởi nhiều trường hợp kinh doanh quy mô nhỏ nhưng hệ số quay vòng nhanh, kinh doanh chuyên nghiệp tác động nhiều đến thị trường thì cũng cần điều chỉnh trong Luật.
Thanh toán trong giao dịch BĐS phải qua ngân hàng
Liên quan đến Điều 18 của dự thảo Luật quy định việc thanh toán trong giao dịch BĐS, nhiều ý kiến đề nghị quy định theo hướng bắt buộc việc thanh toán trong giao dịch BĐS phải thông qua ngân hàng thương mại (NHTM).
Bởi dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện để tổ chức, cá nhân được kinh doanh BĐS là phải thành lập DN hoặc hợp tác xã. Như vậy, dự thảo Luật chủ yếu điều chỉnh các giao dịch kinh doanh BĐS có quy mô lớn, trong đó có ít nhất một bên là DN. Do vậy, nên bắt buộc việc thanh toán trong giao dịch BĐS phải thông qua NHTM. Quy định này cũng phù hợp với xu thế hạn chế giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt và góp phần hạn chế hành vi rửa tiền.
Về Điều 14 của dự án Luật bổ sung quy định cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, hầu hết ý kiến tán thành với quy định này nhằm tạo điều kiện cho bên thuê BĐS chủ động tham gia với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thiết kế, tránh tình trạng phải cải tạo, sửa chữa lại cho phù hợp với mục đích thuê gây tốn kém, lãng phí.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai rất dễ nảy sinh tranh chấp. Do vậy, đề nghị cần có các quy định chặt chẽ trong dự án Luật, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua BĐS.
Về bảo lãnh trong bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (Điều 16) và bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (Điều 21), đa số ý kiến tán thành với quy định trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải ký hợp đồng bảo lãnh với một NHTM. Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng sử dụng không đúng mục đích tiền ứng trước của bên mua; góp phần bảo vệ khách hàng...