Thanh toán qua thẻ - Xu hướng mới trong hoạt động bán lẻ
Nhằm gia tăng tiện ích cho người tiêu dùng cũng như góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong dân, nhiều nhà bán lẻ và ngân hàng đã phối hợp với nhau cho ra đời những dịch vụ thanh toán qua thẻ rất hữu dụng. Và đó được coi là xu hướng mới trong giao dịch thanh toán hiện nay.
Xu hướng mới
Giữa tháng 8, Saigon Co.op – chủ sở hữu các thương hiệu bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile kết hợp với VietinBank, Visa ra mắt thẻ đồng thương hiệu Visa Paywave. Khi sử dụng thẻ này, khách hàng sẽ được hưởng các dịch vụ thanh toán hiện đại của Vietinbank, như thanh toán phí cầu đường, cước taxi, viện phí, hóa đơn điện, nước, viễn thông, nộp thuế, vé tàu, trả lương, học phí, gửi tiết kiệm tại ATM…
Bên cạnh đó, khách hàng còn có các quyền lợi từ chương trình khách hàng thân thiết Co.opmart như tích điểm, nhận chiết khấu thương mại, khuyến mãi, nhận quà sinh nhật, quà Tết, và các chương trình khuyến mãi dành riêng cho thẻ đồng thương hiệu do Vietinbank – Saigon Co.op và Visa phối hợp thực hiện. Trước đó, năm 2013, Saigon Co.op cũng đã kết hợp ĐongA Bank, BIDV, Vietcombank ra mắt thẻ đồng thương hiệu.
Trong xu hướng cạnh tranh dịch vụ, cuối năm 2016, hai nhà bán lẻ nước ngoài là Lotte Mart và Takashimaya cũng đã ra mắt thẻ đồng thương hiệu.
Cụ thể, Takashimaya kết hợp với đối tác giới thiệu thẻ Saigon Centre – Takashimaya – Vietcombank trong khi Lotte Mart kết hợp với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam phát hành thẻ Lotte – Maritime Bank. Trước đó, vào giữa năm, Aeon liên kết với Vietcombank đưa vào sử dụng thẻ Aeon Vietcombank.
Cùng với các nhà bán lẻ tổng hợp, các nhà phân phối điện máy Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Viễn Thông A cũng kết hợp với các tổ chức thẻ thanh toán quốc tế khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ. Và dĩ nhiên, đi kèm với việc khuyến khích là các chính sách ưu đãi dành cho chủ thẻ. Đó là những nỗ lực của các nhà bán lẻ và ngân hàng nhằm gia tăng tiện ích cho người tiêu dùng cũng như góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong dân.
Ông Nguyễn Anh Đức – Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, đây là xu hướng tất yếu trong mua sắm hiện đại. Hiện Saigon Co.op có 302 điểm bán và trong vòng ba năm tới sẽ tăng lên 3.000 điểm. Là hệ thống bán lẻ có số lượng người tiêu dùng lớn nhất Việt Nam với 304.000 khách hàng mua sắm mỗi ngày và dự kiến sẽ tăng 750.000 khách hàng trong ba năm tới cùng lượng khách online sẽ đạt 1 triệu giao dịch/ngày, việc đưa vào sử dụng thẻ Visa Paywave sẽ giúp hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op tiết kiệm nhiều thời gian cho khâu thanh toán và hạn chế tối đa những rủi ro trong khâu kiểm đếm tiền. Quan trọng không kém là việc thanh toán bằng thẻ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, kiểm soát và cân đối các khoản chi tiêu.
Tiêu dùng thông minh
Với các thẻ đồng thương hiệu hay thẻ Visa, Master, lợi ích lớn nhất là giúp khách hàng xoay xở trong những lúc không có tiền trong người vì được “chi tiêu trước, trả tiền sau”, được miễn lãi suất trong một thời gian. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của thẻ tín dụng lại nằm trong ưu điểm của nó so với tiền mặt.
Thanh toán bằng thẻ có thể tiềm ẩn các rủi ro về thông tin vì dù được tích hợp chip EMV có độ bảo mật rất cao nhưng thông tin của thẻ lại có thể bị mất cắp theo những cách không ngờ tới.
Một bất lợi nữa là khi khách hàng vượt hạn thanh toán sẽ bị tính lãi suất khá cao, trong đó có phí chậm trả, tính lãi suất trên số dư. Mặc dù mỗi tháng, các ngân hàng đều có sao kê, tin nhắn trên điện thoại báo cho khách hàng biết còn hạn mức bao nhiêu, thanh toán bao nhiêu, nhưng với những “người tiêu dùng không thông minh” thì vẫn vướng vào tình trạng “vung tay quá trán”, xài không có kiểm soát.
Thêm nữa, khách hàng thường chỉ thanh toán số tiền ban đầu ở mức tối thiểu nên món hàng đôi khi mua lại cao hơn gấp vài lần vì lãi suất sẽ được tính khá cao trong phần dư nợ còn lại.
Đó là chưa kể khi hệ thống bị lỗi thì việc hoàn tiền rất lâu. Ông Phạm Ngọc Định, nhà ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh kể đã từng dùng thẻ Visa để mua vé máy bay nhưng vì hệ thống trục trặc nên nhà cung cấp vé máy bay không giao vé trong khi tiền trong thẻ vẫn bị trừ. Ông báo với nhà cung cấp thẻ về việc này nhưng phải 2 tháng sau mới được giải quyết.
Công bố của Visa hồi tháng 3/2017 cho thấy, thị trường Việt Nam có hơn 67,4 triệu tài khoản ngân hàng nhưng thanh toán thẻ chỉ chiếm 3% tổng chi tiêu tiêu dùng cá nhân hằng năm ở 6 khu vực trọng điểm. Điều này cũng trùng với phân tích của một nhà đầu tư siêu thị khá lớn tại Việt Nam: có một nghịch lý là hằng ngày các ngân hàng đem tiền bỏ vào máy ATM, khách hàng rút tiền từ máy để thanh toán tiền mua hàng.
Người thu ngân nhận, đếm tiền, kiểm tra từng tờ tiền rồi cuối ngày siêu thị phải kiểm đếm và số tiền đó lại quay trở về thành tiền gửi ngân hàng. “Chi phí, thời gian của các doanh nghiệp, ngân hàng bỏ vào việc quản lý tiền mặt là không nhỏ. Vì vậy, việc các đơn vị bán lẻ kết hợp với ngân hàng, tổ chức thẻ quốc tế đưa thẻ đồng thương hiệu vào sử dụng là việc cần nhân rộng”, vị này nói.