Thanh tra chứng khoán: Nhân tố góp phần làm lành mạnh thị trường

PV.

Từ năm 2008 - 2014, Thanh tra chứng khoán đã tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 900 trường hợp vi phạm pháp luật với tổng số tiền xử phạt hơn 50 tỷ đồng. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Thanh tra chứng khoán đóng góp ngày càng lớn vào sự hình thành và phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong giai đoạn đầu hình thành thị trường chứng khoán (TTCK) với quy mô và số lượng tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chưa nhiều, Thanh tra chứng khoán đã triển khai xây dựng các văn bản pháp lý, quy định về thanh tra, xử lý vi phạm, thực hiện xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Kể từ khi Luật Chứng khoán 2006 có hiệu lực, TTCK đã phát triển nhanh chóng về quy mô, số lượng các nhà đầu tư, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Thanh tra chứng khoán đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong UBCKNN thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, nhất là vi phạm về chào bán chứng khoán ra công chúng, góp phần giảm thiểu các vi phạm chào bán, phát hành chứng khoán không đăng ký.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, theo đó, xác định mục tiêu phát triển TTCK ổn định, vững chắc, cấu trúc hoàn chỉnh, nhiều cấp độ, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, nghiệp vụ, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

Thực hiện Đề án, Thanh tra chứng khoán đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, chủ động và linh hoạt trong triển khai kế hoạch công tác, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của TTCK, nâng cao năng lực thanh tra xử lý vi phạm trên thị trường, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và uy tín của thị trường.

Với nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo UBCKNN trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu tố, phòng chống tham nhũng và gần đây là phòng chống rửa tiền, Thanh tra chứng khoán là đơn vị tuyến đầu trong phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật trên thị trường, đảm bảo tính công khai, công bằng, minh bạch và hoạt động ổn định của TTCK, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, nâng cao tính tuân thủ pháp luật, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần quan trọng trong thực thi định hướng, chính sách, pháp luật về TTCK trong từng giai đoạn phát triển.

Không ngừng hoàn thiện, bổ sung chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm mới cũng như tăng cường răn đe vi phạm trên TTCK, Thanh tra chứng khoán đã chủ trì xây dựng nhiều văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK như Nghị định số 36/2007/NĐ-CP; Nghị định số 85/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định số 36/2007/NĐ-CP; Nghị định số 108/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP cùng các Thông tư hướng dẫn như: Thông tư số 97/2007/TT-BTC, Thông tư số 37/2011/TT-BTC, Thông tư số 217/2013/TT-BTC.

Nhằm tăng cường công tác phối hợp với cơ quan công an trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, Thanh tra chứng khoán đã chủ trì xây dựng Thông tư liên tịch số 46/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 11/3/2009 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Bên cạnh đó, Thanh tra chứng khoán đã tham gia xây dựng Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ Luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán.

Đối với hành vi thao túng thị trường, Thanh tra chứng khoán đã học tập kinh nghiệm các nước, nghiên cứu xây dựng cách tính khoản thu trái pháp luật đối với hành vi thao túng thị trường phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam và điều kiện thị trường.

Trong bối cảnh các hành vi lạm dụng thị trường như giao dịch thao túng, giao dịch nội gián diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, Thanh tra chứng khoán đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết và đề xuất với Lãnh đạo UBCKNN, Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan hữu quan xem xét bổ sung thẩm quyền điều tra ban đầu cho cơ quan quản lý TTCK để kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý đối với các hành vi nói trên.

Để tăng cường tính thống nhất, đồng bộ, chuyên nghiệp trong triển khai công tác thanh tra, giải quyết khiếu tố, Thanh tra chứng khoán đã xây dựng các quy trình thanh tra đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, xây dựng quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo theo tiêu chuẩn ISO và tiếp tục hoàn thiện xây dựng quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu tố trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Về thanh tra, kiểm tra, chỉ tính trong các năm 2008-2014, Thanh tra chứng khoán đã chủ trì triển khai 43 đoàn thanh tra và 23 đoàn kiểm tra, tham gia phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành thanh tra 01 công ty chứng khoán, 01 công ty đại chúng.

Thanh tra chứng khoán phối hợp với các Vụ chuyên môn trong UBCKNN thực hiện 54 đoàn kiểm tra công ty đại chúng, 91đoàn kiểm tra công ty chứng khoán, 50 đoàn kiểm tra công ty quản lý quỹ và nhiều đoàn kiểm tra giao dịch thao túng, giao dịch nội bộ. Hoạt động thanh tra, kiểm tra góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tuân thủ pháp luật, phát hiện kịp thời vi phạm trên TTCK, xử phạt nghiêm các vi phạm được phát hiện.

Công tác thanh tra, kiểm tra giúp UBCKNN đánh giá việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, các tồn tại của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, các bất cập về quy định pháp luật, trên cơ sở đó Thanh tra chứng khoán đưa ra đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, hoạt động giao dịch, hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ UBCKNN thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán.

Về xử lý vi phạm, trong các năm 2008-2014, Thanh tra chứng khoán đã tham mưu cho Lãnh đạo UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính hơn 900 trường hợp đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và người có liên quan, nhà đầu tư vi phạm pháp luật với tổng số tiền xử phạt hơn 50 tỷ đồng.

Thanh tra chứng khoán đã chủ động tổ chức thu thập thông tin trên TTCK để nắm bắt, phát hiện dấu hiệu vi phạm, tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ vi phạm, kịp thời kiến nghị xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm nổi cộm trên thị trường, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, răn đe phòng ngừa vi phạm. Trong đó nổi bật là việc phát hiện, xử phạt các vi phạm về cho vay chứng khoán để bán, xử lý chấn chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính của một số công ty chứng khoán. Trong năm 2012, Thanh tra được Chủ tịch UBCKN khen thưởng đột xuất do có thành tích xuất sắc trong thanh tra, xử lý vi phạm.

Về xử lý tội phạm, Thanh tra chứng khoán đã phối hợp tốt với cơ quan công an trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, điều tra làm rõ và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Bộ Công an (cơ quan điều tra, Cục An ninh tài chính tiền tệ, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế, quản lý và chức vụ…), Công an TP. Hà Nội, Công an các tỉnh/thành... Điển hình là phối hợp trong điều tra, làm rõ vụ án thao túng giá cổ phiếu Công ty cổ phần dược phẩm Viễn Đông (DVD) - Công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây (DHT).

Trong công tác phòng chống rửa tiền, với vai trò bộ phận giúp việc cho Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng của UBCKNN, Thanh tra chứng khoán đã tham mưu cho Chủ tịch - Trưởng ban Chỉ đạo - ban hành các văn bản nội bộ về Kế hoạch phòng chống tham nhũng giai đoạn 2012-2015, kế hoạch phòng chống tham nhũng hàng năm, kiện toàn bộ máy tổ chức của Ban Chỉ đạo.

Việc tổ chức triển khai công tác phòng chống tham nhũng của UBCKNN đã đạt được nhiều kết quả tốt. UBCKNN đã thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý, đưa ra các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho TTCK phát triển mà vẫn đảm bảo hoạt động ổn định; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, hoạt động của UBCKNN, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Trong hợp tác quốc tế, không chỉ chú trọng công tác thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết đơn thư trên TTCK, Thanh tra chứng khoán cũng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế như đàm phán MMoU của IOSCO, hợp tác cung cấp thông tin theo đề nghị của SEC, đàm phán TPP phần nội dung liên quan đến cơ chế ISDS, làm việc với UBCK Lào, với các chuyên gia của WB, IMF về báo cáo đánh giá FSAP.

Trong giai đoạn TTCK có sự phát triển mạnh mẽ về cả chiều rộng và chiều sâu, số lượng tổ chức cá nhân tham gia thị trường rất lớn, với hơn một triệu nhà đầu tư, gần 2.000 công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, trên một trăm tổ chức kinh doanh chứng khoán, đòi hỏi sự đổi mới, nâng cao năng lực toàn diện về thanh tra xử lý vi phạm nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn, ổn định, tính công khai, công bằng minh bạch của các hoạt động TTCK.

Lãnh đạo Thanh tra chứng khoán luôn đặt ra yêu cầu rất cao trong chỉ đạo, điều hành, quản lý cán bộ công chức, định hướng tầm nhìn dài hạn cho hoạt động của đơn vị, đáp ứng không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà cả dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Là đơn vị có nhiều cán bộ công chức trẻ, kể cả cán bộ lãnh đạo, Lãnh đạo Thanh tra chứng khoán luôn coi trọng công tác trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, đưa ra sáng kiến tổ chức tự đào tạo tại chỗ, mạnh dạn cử cán bộ trẻ tham gia các đoàn thanh tra để rèn luyện, trưởng thành, khuyến khích trao đổi kinh nghiệm trong công việc để xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên sâu, chuyên nghiệp.

Trong khi khối lượng công việc lớn, phức tạp và nhạy cảm, đội ngũ cán bộ lại tương đối mỏng, Lãnh đạo đơn vị đã phân công công việc phù hợp với năng lực của mỗi cán bộ, đề cao tính phối hợp xử lý công việc giữa các cán bộ công chức trong đơn vị, giữa Thanh tra chứng khoán với các đơn vị khác trong UBCKNN, với các đơn vị của Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành nhằm mục tiêu cao nhất là hoàn thành công việc, nhiệm vụ chung.