Thanh tra ngành Nông nghiệp: Xử phạt, rút giấy phép hàng loạt DN
Trong 8 tháng đầu năm 2016, hoạt động thanh tra chuyên ngành của Bộ NN&PTNT đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) đối với 50 công ty, xử phạt số tiền là trên 3,8 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cho biết như vậy về kết quả công tác thanh tra chuyên ngành 8 tháng đầu năm 2016 tại cuộc họp báo thường kỳ về nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2016, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1/9/2016.
Tổng số cuộc thanh tra đã được thực hiện trong 8 tháng qua là 17 đoàn, trong đó 7 đoàn thanh tra đột xuất, 10 đoàn kiểm tra chuyên ngành, đối tượng chủ yếu là các công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) đối với 50 công ty, xử phạt số tiền là trên 3,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, đã đề nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y rút giấy phép, đình chỉ hoạt động nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu kháng sinh đối với 7 công ty, đóng cửa 2 công ty sản xuất phân bón.
Theo ông Việt, nội dung thanh tra tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể. Trước tiên là tập trung kiểm soát chất cấm trong sản xuất nông nghiệp.
Thanh tra bộ cũng thành lập một bộ phận phản ứng nhanh, chuyên quản về các vấn đề chất cấm và thường trực tại Tp. Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ của bộ phận này sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về công tác kiểm soát chất cấm trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam, phối hợp kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ heo trên địa bàn, các trại chăn nuôi, các công ty sản xuất kinh doanh có dấu hiệu vi phạm và phối hợp xử lý, tiêu hủy động vật nếu phát hiện tồn dư chất cấm.
Trong thời gian vừa qua, việc phát hiện các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn xuất hiện tại một số tỉnh: Tp. HCM, Đồng Nai và Tiền Giang, Bình Định, Bình Dương, Hưng Yên.
Những vụ việc này, Thanh tra bộ trực tiếp phối hợp với địa phương tiến hành xử lý, xử phạt và tiêu hủy như: Tp. Hồ Chí Minh tiêu hủy 2 lô heo với 83 con; tỉnh Tiền Giang tiêu hủy lô heo 14 con. Đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình xử lý, tiêu hủy theo đúng quy định như: Vĩnh Long tiêu hủy 2 lô heo với 27 heo; Hải Phòng tiêu hủy 5 lô heo có chất cấm đưa vào giết mổ, nguồn heo từ Hưng Yên; Hà Nội tiêu hủy 7 lô heo có chất cấm đưa vào giết mổ, nguồn heo từ Hưng Yên. Hưng Yên phát hiện đàn heo 30 con tại một trang trại có sử dụng chất cấm Salbutamol….Hành vi sử dụng chất cấm là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mua trực tiếp chất cấm Salbutamol về trộn vào thức ăn chăn nuôi (TACN) hoặc hòa vào nước uống cho vật nuôi.
Ngoài ra đối với thanh tra hóa chất công nghiệp sử dụng trong sản xuất TACN, vật tư thủy sản, đoàn công tác thanh tra bộ hoạt động tập trung tại khu vực phía Nam tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai nơi có nhiều công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 2 công ty nhập khẩu hóa chất và có bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; kiểm tra đột xuất đối với 16 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Kết quả đã phát hiện 10 công ty có hành vi vi phạm liên quan tới việc sử dụng các hóa chất công nghiệp trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các hóa chất công nghiệp được phát hiện chủ yếu là NaHCO3, MgSO4, MnSO4, ZnSO4, CuSO4. Các hành vi này được nhận định là đang khá phổ biến, điều này thực sự đang trở thành vấn đề nổi cộm, gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng và gây hoang mang dư luận xã hội.
Qua kiểm tra, Thanh tra bộ đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 công ty vi phạm, tổng số tiền xử phạt VPHC là 456 triệu đồng; đình chỉ việc bán các hóa chất công nghiệp cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với hai công ty hóa chất; buộc thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm vi phạm có chứa các hóa chất công nghiệp.
Tiếp đó, thanh tra hoạt chất mới nhằm mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi. Qua thanh tra phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi Maxsure và Synergrow có chứa chất Cysteamine với hàm lượng đậm đặc 3% và một số hành vi vi phạm khác. Thanh tra bộ đã xử phạt VPHC Số tiền là 197 triệu đồng và buộc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm theo quy định.
Đối với hoạt động thanh tra, kiểm soát kháng sinh, Thanh tra bộ cũng đã tiến hành thanh tra đối với 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh. Đây đều là những công ty nhập khẩu lớn với tổng lượng nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, phân phối lưu thông chiếm 70% tổng số nguyên liệu kháng sinh được nhập. Các đơn vị nêu trên nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh với mục đích thương mại và dùng để sản xuất thuốc thú y.
Thanh tra bộ đã tiến hành xử lý nghiêm đối với các công ty nhập khẩu có hành vi vi phạm, đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh đối với 5 công ty, rút chứng chỉ hành nghề đối với 2 công ty.
Đối với thanh tra lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, trong 8 tháng đầu năm 2016, đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật. Tổng số tiền xử lý các vi phạm trong lĩnh vực phân bón là gần 1,8 tỷ đồng.
Đối với các lĩnh vực khác, trong 7 tháng đầu năm 2016, ngoài việc tập trung nguồn lực cho hoạt động thanh tra vật tư nông nghiệp, Thanh tra bộ đã phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, Cục C49 thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi tại nhiều tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Tp. Hồ Chí Minh, Tây Ninh.
Đây là hoạt động thanh tra với nội dung mới, đang bước đầu được triển khai nhằm bảo vệ các công trình thủy lợi, đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn cung cấp nước cho trồng trọt, chăn nuôi. Qua thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính với 3 doanh nghiệp, tổng số tiền xử phạt là 35 triệu đồng.