Thành tựu lớn trong thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Ngành Tài chính

LH

(Tài chính) Bám sát các Nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 128/QĐ-BTC ngày 17/1/2013 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Ngành Tài chính hướng tới hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nguồn: internet
Ngành Tài chính hướng tới hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nguồn: internet

Sáu tháng đầu năm 2013: Ngoài nhiệm vụ quản lý, điều hành NSNN,  Bộ Tài chính đã thu được một số kết quả cụ thể trong thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP như sau:

1. Phối hợp chính sách tài chính với chính sách tiền tệ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả

Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát tình hình biến động của thị trường tài chính - tiền tệ để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như: hài hòa cơ chế phát hành tín phiếu Kho bạc với tín phiếu Ngân hàng nhà nước, điều hành lãi suất trái phiếu Chính phủ với chính sách lãi suất của Ngân hàng nhà nước, cơ chế huy động và sử dụng vốn của NSNN với việc điều hành lượng cung tiền, cơ chế quản lý thị trường vàng, ngoại tệ,...

2. Đẩy mạnh phát triển thương mại, tăng cường thu hút đầu tư

- Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách thuế phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa, hỗ trợ khuyến khích đầu tư; xây dựng phương án, tham gia đàm phán về thuế quan và dịch vụ tài chính trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương theo hướng đi vào thực chất, tăng cường hiệu quả áp dụng vào quá trình hoạch định chính sách và phát triển kinh tế trong nước.

- Sử dụng linh hoạt, đúng quy định của pháp luật các công cụ tài chính, tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu không khuyến khích, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, qua đó góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế nhập siêu (Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 61,54 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 62,47 tỷ USD, tăng 15,6%; Nhập siêu khoảng 0,93 tỷ USD, bằng 0,75% tổng kim ngạch xuất khẩu).

- Phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu thống kê của ngành Thuế, tính đến ngày 30/6/2013, toàn quốc có 40.523  DN thành lập mới (trong đó: 249 DNNN, 542 doanh nghiệp ĐTNN, 39.732 DN NQD; số doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là 24.931 DN (trong đó: 202 DNNN, 269 doanh nghiệp ĐTNN, 24.460 DN NQD). Như vậy, đến thời điểm 30/6/2013, toàn quốc hiện có 457.343 DN đang hoạt động, tăng 39.700 DN, tương ứng tăng 9,5% so với cùng kỳ 2012 và tăng 4,9% so với thời điểm 31/12/2012 , trong đó: DNNN là 6.852; doanh nghiệp ĐTNN là 11.984; doanh nghiệp NQD là 438.507. So với tháng 5/2013, số DN đang hoạt động tăng 5.381 DN, tương ứng tăng 1,2%).

- Hoàn thiện về chính sách và thể chế quản lý vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); tăng cường năng lực thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi góp phần bổ sung nguồn vốn phục vụ các mục tiêu tăng trưởng và phục hồi kinh tế, việc giải ngân được thực hiện kịp thời, đúng theo các quy định của các hiệp định vay, hợp đồng uỷ quyền cho vay lại đã ký. Tính đến hết tháng 5/2013, đã chủ trì hoặc tham gia đàm phán và ký kết 23 hiệp định vay nợ, viện trợ với tổng trị giá cam kết của các hiệp định đã ký đạt 3,1 tỷ USD; Tổng trị giá giải ngân luỹ kế là 1.077,71 triệu USD.

3. Tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá

- Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bình ổn giá cả thị trường; tổ chức thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu kịp thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm áp lực tăng giá đầu ra, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng có liên quan chống buôn lậu, gian lận thương mại. Riêng về giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục được điều hành theo đúng quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ, phù hợp với diễn biến thị trường thế giới; tiếp tục, đảm bảo hài hoà lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

- Các cơ quan Tài chính địa phương đã phối hợp với các lực lượng liên quan tiếp tục triển khai kiểm tra việc tuân thủ các quy định quản lý nhà nước về giá, thuế, phí và lệ phí trên địa bàn. Kiểm tra chấp hành đăng ký giá, kê khai giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

4. Thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

- Về tái cơ cấu đầu tư công: Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện rà soát, hoàn thiện pháp luật về phân cấp và quản lý đầu tư công; rà soát danh mục các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia; thực hiện các biện pháp tiết kiệm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư, vốn trái phiếu Chính phủ.    

- Về tái cơ cấu thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm: đã ban hành quy định về hướng dẫn Giám sát và giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán; tiếp tục triển khai công tác tái cấu trúc thị trường trái phiếu, đưa các sản phẩm mới về trái phiếu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn tài chính, thanh khoản; giám sát các giao dịch, kịp thời phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường, giao dịch nội bộ, thao túng giá chứng khoán.

- Về tái cơ cấu DNNN: Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp. Đôn đốc triển khai, tham gia Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước theo Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty  tăng cường tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý theo hướng tối thiểu bằng hoặc cao hơn so với thực hiện năm 2012, tập trung giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp. 

5. Về bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội

- Tiếp tục rà soát, tham mưu Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách về Bảo hiểm xã hội và đảm bảo an sinh xã hội như: (i) Nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng thuộc hộ cận nghèo; (ii) Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (iii) chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ; thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép tại tỉnh Quảng Ngãi nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ; ...

- Trong 6 tháng đầu năm, Ngân sách TW chi hỗ trợ hơn 3.600 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục thiên tai, dịch bệnh; mua thẻ bảo hiểm y tế, phụ cấp trực; kinh phí ăn trưa cho trẻ em 3 - 4 tuổi; tiền điện cho hộ nghèo; xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường công ích; thực hiện cải cách tiền lương và các chế độ phụ cấp; kinh phí đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự trữ nhà nước đã xuất cấp gần 44 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt. Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi an sinh xã hội đã bố trí trong dự toán cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.

6. Về tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, tài sản công

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ đề án "Khai thác nguồn lực tài chính đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020", trong đó đã tổng kết, đánh giá, kiến nghị giải pháp phù hợp với chính sách động viên, huy động, sử dụng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, công sản; Đẩy nhanh thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 và Chỉ thị số 2407/CT-TTg ngày 30/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đến hết tháng 6/2013, đã 71 Bộ, ngành TW, 17 Tổng công ty Nhà nước và 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg với tổng số 122.357 cơ sở nhà, đất; với tổng diện tích khoảng 2.403 triệu m2 đất và 115 triệu m2 nhà. Đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 2.169 triệu m2 đất; 79 triệu m2 nhà.

- Công tác quản lý, mua hàng hóa dự trữ quốc gia được triển khai thực hiện kịp thời theo đúng kế hoạch đề ra, đảm bảo đủ hàng hóa DTQG đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng. Tính đến hết tháng 5/2013, đã tổ chức mua, nhập kho được 14.000 tấn thóc và 100.000 tấn gạo; xuất bán lương thực đổi hạt được 101.000 tấn thóc và 8.659  tấn gạo; đã nhập kho 3.000 chiếc bè cứu sinh, 250.360 chiếc phao tròn cứu sinh, 7.000 bộ nhà bạt nhẹ, 670 bộ thiết bị chữa cháy rừng và 46 bộ xuồng cao tốc các loại.

7. Về phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận số 37-TB/TW của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”,  Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế hoạt động và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; triển khai cơ chế thí điểm đặt hàng đào tạo và đào tạo chất lượng cao và xây dựng cơ chế, chính sách về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong lĩnh vực giáo dục.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ KHCN trong việc xây dựng Đề án đổi mới cơ bản, toàn diện cơ chế hoạt động, tổ chức, quản lý KH&CN, trong đó, đổi mới cơ chế tài chính là một bộ phận quan trọng.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ BHXH. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện quy định của pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

8. Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí

- Về cải cách hành chính

Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Hiện đại hóa quy trình quản lý thu, nộp thuế giữa cơ quan Thuế - KBNN - Hải quan - Tài chính và các ngân hàng thương mại.

Công khai danh mục các TTHC thuế tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế các cấp; Mở rộng kê khai thuế qua mạng Internet tại 50 Cục Thuế địa phương, qua đó tiếp tục rút ngắn và giảm thiểu chi phí cho việc nộp thuế, đem lại sự tiện lợi, hiệu quả cho người dân và cả cơ quan thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ pháp luật thuế.

Đối với lĩnh vực Hải quan: đã triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử và cơ chế một cửa Quốc gia và ASEAN. Số lượng doanh nghiệp tham gia thực hiện TTHQĐT là 36.808 DN, chiếm 93,8% số lượng DN thực hiện thủ tục hải quan. Kim ngạch XNK qua TTHQĐT đạt 83.835 triệu USD, chiếm 94,9% so với tổng kim ngạch XNK toàn quốc.

Đối với ngành KBNN: Thực hiện triển khai xây dựng Cổng thông tin điện tử KBNN trên Internet và dự án TABMIS để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và người dân có quan hệ giao dịch với KBNN.

-Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng

Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu soạn thảo dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã trình Chính phủ; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2013.

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 30/CT-TTg, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chế độ quy định; thực hiện nghiêm các biện pháp chống thất thoát, lãng phí. Không bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao cho mục đích mua sắm xe ô tô và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách. Kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là khoản chi mua xe công.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương khi thi hành công vụ trong toàn ngành tài chính; Tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Công khai các quyết định giải quyết khiếu nại.

9. Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu

Đến hết tháng 6/2013, Bộ Tài chính đã cơ bản triển khai thực hiện xong các giải pháp về tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

- Các giải pháp về thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất

Ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện việc gia hạn từ 3-6 tháng, giảm một số khoản thu NSNN đối với doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định như thuế TNDN, thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ, tiền thuê đất. Việc ban hành các chính sách này được đánh giá là kịp thời, có tác dụng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường.

Đối với việc gia hạn thuế:

+ Về thuế GTGT: Tổng số có 105.037 người nộp thuế được gia hạn với tổng số thuế GTGT là 4.428 tỷ đồng, trong đó có 1.756 DNNN (596 tỷ đồng); 944 DN ĐTNN (370 tỷ đồng); 101.858 DN NQD (3.457 tỷ); 479 tổ chức kinh tế khác (6 tỷ đồng);

+ Về thuế TNDN: Tổng số có 45.037 người nộp thuế được gia hạn với số thuế TNDN là 952 tỷ đồng, trong đó có 442 DNNN (237 tỷ đồng), 377 DN ĐTNN (225 tỷ đồng); 44.145 DN NQD (490 tỷ đồng); 230 tổ chức kinh tế khác (1,2 tỷ đồng);

Dự kiến số giảm thu NSNN do thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế: trong năm 2013 sẽ giảm khoảng 17.613 tỷ đồng (thuế GTGT khoảng 375 tỷ đồng; thuế TNDN khoảng 1.538 tỷ đồng; thuế BVMT đối với túi nylon khoảng 700 tỷ đồng; tiền thuê đất và tiền sử dụng đất khoảng 15.000 tỷ đồng); năm 2014 sẽ giảm khoảng 17.580 tỷ đồng (thuế GTGT khoảng 500 tỷ đồng; thuế TNDN khoảng 2.080 tỷ đồng; tiền thuê đất và tiền sử dụng đất khoảng 15.000 tỷ đồng);

-Về giải quyết hàng tồn kho

Hoàn thành sớm việc phân bổ vốn đầu tư XDCB và vốn TPCP năm 2013 theo đúng các quy định về phân bổ kế hoạch vốn XDCB góp phần đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, chương trình, nhất là các dự án, chương trình có sức lan toả lớn, những dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá học sinh, sinh viên...

-Về tín dụng nhà nước

Phân bổ kịp thời 10.000 tỷ đồng vốn cho vay cho Chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương cho các địa phương để thực hiện.

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp; báo cáo đánh giá khả năng, quy mô bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tạo cơ sở pháp lý cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam triển khai Nghị quyết được đúng qui định của pháp luật...

-Về giải quyết nợ xấu

Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ để đưa vào dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN những nội dung liên quan đến thuế GTGT, thuế TNDN của tổ chức do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức này trong quá trình xử lý nợ xấu của nền kinh tế.

Bộ đang tiếp tục triển khai và phối hợp nghiên cứu, xây dựng cơ chế và phương án giải quyết nợ xấu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; xây dựng đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC); xây dựng cơ chế tài chính cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Trên đây là tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ mà ngành Tài chính đã làm được trong nửa đầu năm 2913. Đạt được kết quả trên là do Bộ Tài chính đã chủ động đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ NSNN năm 2013, trong đó có nhiều giải pháp về phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN. Qua số liệu phân tích, tổng hợp tình hình, ngành Tài chính đề ra các mục tiêu hướng tới trong thời gian tiếp theo, nhằm đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để thực hiện thành công nhiệm vụ quản lý, điều hành NSNN, thực hiện các chỉ tiêu dự toán thu - chi NSNN mà Quốc hội đã giao, và mục tiêu cao nhất là góp phần bình ổn kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.