Tháo gỡ điểm nghẽn Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành

Theo baohaiquan.vn

Nằm trong chương trình làm việc của Tổng cục Hải quan với các bộ về triển khai các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành, sáng 31/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã có buổi làm việc để thống nhất nhiều nội dung cần sớm triển khai.

Thứ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thống nhất các nội dung triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành trong giai đoạn tới. Nguồn: PV.
Thứ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thống nhất các nội dung triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành trong giai đoạn tới. Nguồn: PV.

Tại cuộc họp lãnh đạo hai đơn vị đều thống nhất mục tiêu cùng phối hợp, hợp tác, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, đồng thời thống nhất định hướng triển khai trong giai đoạn tới trên hai nhóm công việc Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia; Cơ quan chủ trì giám sát việc thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.

Thời gian tới,Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với một số bộ, ngành để cùng tìm giải pháp tháo gỡ bất cập hiện nay, nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 và Nghị quyết 19/2016/NQ-CP cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Kết quả triển khai của các bộ, ngành là cơ sở để Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nêu lên kết quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia trong thời gian qua, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã chính thức kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia từ tháng 12/2014.

Với mục tiêu trong giai đoạn đầu là triển khai 5 thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin một cửa, tuy nhiên, Bộ Công Thương mới triển khai được 4 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ liên quan đến hàng hóa XK, NK, quá cảnh.

Tính đến ngày 29/8 có hơn 45.000 hồ sơ với tổng số hơn 2.600 DN thực hiện các thủ tục trên qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Theo Tổng cục Hải quan, thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ mẫu D mặc dù đã được triển khai thông qua Cơ chế một cửa quốc gia nhưng chưa thực sự kết nối trao đổi dữ liệu khai báo và kết quả xử lý trực tiếp giữa hai hệ thống, chưa đáp ứng đầy đủ mô hình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Hiện vẫn đang sử dụng phương án đưa giao diện của Hệ thống quản lý và cấp giấy chứng nhận xuất xứ (eCosys) của Bộ Công Thương vào Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Chính vì vậy, đại diện Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần triển khai kết nối trực tiếp Hệ thống eCosys với Cổng thông tin một cửa quốc gia để trao đổi dữ liệu khai báo và kết quả xử lý thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D trực tiếp giữa hai hệ thống, phù hợp với mô hình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia.

Đồng thời, Bộ Công Thương sớm triển khai các thủ tục mới như: Thủ tục cấp giấy chứng nhận quy trình Kimberley đối với kim cương thô; thủ tục cấp giấy phéo XNK tiền chất vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục cấp giấy phép XNK tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp…

Trao đổi về việc kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, phía Bộ Công Thương cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ xử lý dữ liệu hồ sơ cấp chứng nhận C/O trên hệ thống Cổng thông tin một cửa. Bởi một năm Bộ Công Thương có tới 500.000 bộ hồ sơ cấp chứng nhận C/O.

Trước những vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, điều quan trọng là các đơn vị thuộc bộ phải cùng với Tổng cục Hải quan tìm hiểu kỹ các yêu cầu kỹ thuật để triển khai và có lộ trình triển khai cụ thể. “Quan điểm của Bộ Công Thương là thống nhất triển khai các thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, vấn đề chỉ còn là khâu kỹ thuật”-Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.

Bên cạnh các nội dung liên quan đến triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan cũng nêu lên những bất cập liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc quản lý của Bộ Công Thương.

Trong đó, Bộ Công Thương cần sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các văn bản pháp luật đang được dư luận quan tâm, gây khó khăn cho DN trong hoạt động XNK như: Kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ; kiểm tra hàn lượng formaldehyt; quy định về dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu.

Trong đó, Bộ Công Thương cần sớm sửa đổi việc chứng nhận hợp quy phân bón NK từ khâu trước thông quan sang khâu thông quan vì có độ rủi ro thấp; hay sửa đổi quy định kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu được thực hiện sau khi thông quan (trước khi đưa ra lưu thông) để đáp ứng Nghị quyết 19/2016/NQ-CP…

Trước những kiến nghị của Tổng cục Hải quan về vướng mắc kiểm tra chuyên ngành, Thứ trưởng Nguyễn Cầm Tú cho biết, Bộ Công Thương sẽ sớm rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để có giải pháp sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu hiện nay.