Bức xúc vì chồng chéo kiểm tra chuyên ngành
Mới đây, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện khảo sát 240 doanh nghiệp và 20 hiệp hội, hội doanh nghiệp về thực trạng kiểm tra chuyên ngành. Ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp khá bức xúc về sự chồng chéo, phức tạp về thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Chồng chéo
Hiện nay, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành chủ yếu là của cơ quan Nhà nước do đó chưa huy động được nguồn vốn đầu tư của xã hội để đầu tư máy móc thiết bị tân tiến để đáp ứng khối lượng công việc phát sinh nhiều. DN kiến nghị, cần loại trừ tính độc quyền trong công tác kiểm tra chuyên ngành, tăng cường máy móc thiết bị KTCN.
Mặt hàng phô mai là sản phẩm có nguồn gốc từ động vật NK hiện do cơ quan Kiểm dịch thú y vùng 6 thuộc Bộ NN&PTNN cấp chứng thư về kết quả kiểm dịch động vật và kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, mặt hàng này không thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 4069/QĐ-BNN-QLCL mà thuộc danh mục sản phẩm thuộc quản lý của Bộ Công Thương (phụ lục 3 Thông tư 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT). Như vậy, đã có sự chồng chéo về mặt hàng kiểm tra giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành.
Về kiểm dịch động vật, Thông tư 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT tại điều 3.1 quy định: “Một sản phẩm chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan Nhà nước”. Tuy nhiên, các DN phản ánh trên thực tế, một mặt hàng khi kiểm tra nhiễm khuẩn không có dịch bệnh đạt vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn phải đăng ký kiểm dịch (2 cơ quan không công nhận kết quả lẫn nhau dẫn đến DN tốn chi phí). Tương tự, cùng một chỉ tiêu: Về Salmonella và Ecoli, nhưng cơ quan Thú y vùng VI và Tổng cục Thủy sản kiểm tra 2 lần cùng chỉ tiêu trên cùng một lô hàng NK để cấp chứng thư. Như vậy các tiêu chí kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành trùng lắp, cùng một mẫu phải kiểm tra nhiều nơi gây tốn thời gian, chi phí của DN.
Mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản thì phải xin Giấy phép NK ở 2 nơi là Cục Thú Y và Cục Thủy sản gây tốn chi phí và bức xúc cho DN.
Thời gian kiểm tra quá dài
Nêu cụ thể thời gian, chi phí phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành, các DN cho rằng nhiều thủ tục đang gây lãng phí thời gian và tài chính của DN.
Các DN dệt may phản ánh, đối với thủ tục kiểm tra mặt hàng bông NK phải mất ít nhất 10 ngày mới xong. Cụ thể, DN phải xin Giấy chứng nhận kiểm dịch tại Cục Bảo vệ thực vật mất 7 ngày và đăng ký kiểm dịch phun trùng tại cửa khẩu mất 2 ngày và 1 ngày nộp chứng từ để thông quan. Các DN NK nguyên liệu (lông vũ, lông cáo, lông gấu) còn mất thêm thời gian 2-3 ngày gửi mẫu lên Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tổng cộng 13 ngày và phát sinh thêm chí phí. Những nguyên liệu này đã qua xử lý, có chứng nhận kiểm dịch động vật và C/O của phía nước XK, cũng không thuộc danh mục chủng loại cấm trong CITES nhưng vẫn bị kiểm tra chuyên ngành.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, Thông tư 37/2015/TT-BCT thay cho Thông tư 32/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trên sản phẩm dệt may đang gặp phản ứng gay gắt của cộng đồng DN. Thống kê trong 7 năm áp dụng (tính từ thời điểm Thông tư 32/2009/TT-BCT có hiệu lực) chỉ có một tỉ lệ nhỏ không đáng kể các lô hàng không đạt hàm lượng quy định và chưa phát hiện trường hợp nào ảnh hưởng sức khỏe do hàm lượng formaldehyt cao.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa không áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro nên tất cả các lô hàng NK thuộc diện phải kiểm tra chất lượng đều phải đến các cơ quan kiểm tra chất lượng được chỉ định để đăng ký và tiến hành kiểm tra theo quy trình. Điều này đã kéo dài thời gian thông quan và là gánh nặng chi phí cho DN. Đây là một sự lãng phí rất lớn cho xã hội bởi kết quả phát hiện vi phạm qua kiểm tra chiếm tỷ lệ rất nhỏ…
Từ thực tế trên, các DN đề nghị áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của DN nếu hàng đạt chất lượng 100% các lần kiểm tra để giảm tỉ lệ kiểm tra. Tránh tình trạng kiểm tra đại trà, kiểm tra tất cả các lô hàng NK lặp đi lặp lại nhiều lần của DN. Cần có chế độ miễn kiểm tra cho những DN thực hiện tốt các quy định về hàng hóa NK trong vòng một năm. Nếu trong thời gian này, DN không vi phạm khi thông quan, thì nên xem xét áp dụng chính sách miễn kiểm tra.