Tháo gỡ "điểm nghẽn" lưu thông cho lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long

Theo BT/dangcongsan.vn

Trước tình hình giá lúa tại khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm mạnh, đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc thu hoạch, lưu thông cũng như xuất khẩu gạo gặp khó khăn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Trước tình hình này, đã có rất nhiều đề xuất được đưa ra từ phía các hiệp hội, doanh nghiệp, các địa phương,…để tháo gỡ khó khăn.

Vấn đề căn cơ phải lưu thông được chuỗi sản xuất, xuất khẩu lúa gạo

Phản ánh về tình hình sản xuất lúa gạo, ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã qua đỉnh thu hoạch vụ Hè Thu. Tiêu biểu với 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp, sản lượng còn lại lần lượt khoảng 600 nghìn tấn, 480 nghìn tấn và 430 nghìn tấn. Phần của trà đầu với trà giữa của vụ đã thu hoạch ổn định và bán với giá tương đối chất nhập được.

Hiện nay, doanh nghiệp và nhà máy chế biến phải thực hiện giãn xã hội, thực hiện “3 tại chỗ”, năng lực sản xuất giảm khiến giá lúa giảm trong 2 tuần gần đây. Bên cạnh đó, khi tỉnh làm việc với doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp có cam kết đăng ký mua lúa cho nông dân song họ vẫn còn tâm lý chờ đợi, chờ cho giá xuống thấp, bắt đáy để có hiệu quả lợi nhuận cao hơn.

Cũng theo ông Thư, hiện nay, trong toàn chuỗi sản xuất lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, với người nông dân, các tổ thu hoạch lúa gặp khó khi phải thực hiện nhiều công tác liên quan như việc ra đồng phải test COVID-19, khó khăn trong quản lý thu hoạch. Đồng thời, phương tiện vận chuyển của thương lái trong tỉnh và ngoài tỉnh cũng gặp khó.

Về vấn đề này, ông Thư đề nghị UBND các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự thống nhất với nhau về các phương tiện của doanh nghiệp, thương lái. “Chỉ cần phương tiện đó gắn mã nhận diện, người vận chuyển phương tiện được test âm tính thì được đi qua để vừa phòng dịch vừa thuận lợi cho lưu thông. Bởi thực tế, nhiều thương lái phản ánh về vùng dịch phải cách ly nên có tâm lý ái ngại” – ông Thư nêu ý kiến.

Ngoài ra, việc sản xuất trong các nhà máy có xu hướng hoạt động cầm chừng do chi phi sản xuất tăng như trả lương thêm cho công nhân,…khiến chi phí 1 kg gạo tăng. Các tỉnh đều giảm quy mô sản xuất khi phải duy trì chống dịch.

Bên cạnh đó, việc cảng Cát Lái đang bị phong tỏa, do vậy hàng hóa đang dồn về cảng tại An Giang, Cần Thơ. Tàu chở hàng của các nước đang nằm ngoài phao số 0, khoảng 23 chiếc. Mà mỗi ngày tàu nằm ở ngoài đấy thì phải bồi thường cho chủ tàu từ 3.000-5.000 USD.

“Khi các tàu, phương tiện logistics này được tháo gỡ thì mới có thể  gỡ được ách tắc gạo ở trong kho và dòng vốn của doanh nghiệp, doanh nghiệp mới có thể thu mua lúa mới” – ông Thư nhấn mạnh đến vấn đề đang còn bất cập hiện nay.

Theo ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, hiện nay, với doanh nghiệp lớn, lượng hàng đi chỉ đạt khoảng 50% khả năng sản xuất vì không có lao động đảm bảo. Bên cạnh đó, thị trường ngoài nước, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng vì nếu ký mà không mua được hàng, không giao được thì sẽ rất cam go. Trong khi đó, cước vận tải lên rất cao, đặc biệt là tại châu Phi. Đồng thời, hàng đi không được, tàu vào nằm cả tháng, không bốc hàng lên được, vận tải rất khó khăn. Đối với thị trường trong nước, tại vùng sản xuất, giá rất rẻ, vùng tiêu thụ, giá lại đắt.     

 “Trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi mới cho đi được 30/50 nghìn tấn hàng, 40% không đi được vì tàu. Trong tháng 8 tháng này liệu không biết chúng tôi có cho hàng đi nổi 50% hay không? Nếu hợp đồng không đi được, uy tín doanh nghiệp mất, thị trường ảnh hưởng”, ông Nam chia sẻ.

Hiện nay, 95% lúa gạo của Hội đi bằng đường thủy. “Chúng tôi đề nghị lương thực cũng như vải của Bắc Giang, cứ chở lương thực thì cho đi chứ không thể nào đưa ra một loạt yêu cầu khiến doanh nghiệp không đi được. Vì các ghe không chịu đi, bởi phản ánh đang đi đường gặp khó khi giấy hết hạn. Và bây giờ chỉ cần có dịch COVID-19 là khóa toàn bộ. Vận chuyển hàng hóa cũng như mở giao thông thì phải có tai nạn, chúng ta phải khắc phục nhưng chúng ta vẫn phải mở cửa” – ông Nam nêu ý kiến.

Cũng theo ông Nam, hiện nay, tồn kho của doanh nghiệp hiện đang quá lớn. hiện nay, về phía Hội, còn tồn 100 nghìn tấn, không thể mua thêm nữa, Nếu muốn  mua thì phải cho hàng lưu thông, hàng được xuất đi thì khi đó mới mua vào tiếp được.  Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng, hệ thống logistics là “bác sỹ” của nền kinh tế, nếu không thông suốt được thì rất nguy hiểm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong việc đi thu mua lúa giữa địa phương này với địa phương khác dẫn đến giá lúa gạo bị ảnh hưởng. Do đó, các địa phương cần có chính sách nhất quán và có biện pháp lâu dài trong vấn đề lưu thông mặt hàng này.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý các doanh nghiệp thu mua lúa gạo, nếu dồn tất cả hàng hóa lên cảng Cát Lái và mới đóng container thì sẽ không có chỗ và không có nguồn nhân lực. Do đó, thay vì đưa hàng lên cảng Cát Lái mới đóng container, các doanh nghiệp cần làm trước việc này tại địa phương. Việc này giúp giảm tải cả về nguồn nhân lực, địa điểm, diện tích để đóng gói, đóng container tại cảng Cát Lái.

Cần có nguồn tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo

Một trong những đề xuất được các doanh nghiệp đề cập hiện nay, đó là cần có hỗ trợ nguồn vay tín dụng từ phía các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo cho người dân, ngoài nguồn vốn tín dụng đã cam kết cho vay hàng năm. Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng, nếu làm tốt điều này thì không cần thiết phải tạm trữ thu mua gạo ở tầm quốc gia.

Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp mua gạo đủ theo hạn mức mà ngân hàng mở ra hằng năm. “Ví dụ, công ty của chúng tôi, ngân hàng mở hạn mức 200 tỷ. Tất cả tiền đó vào kế hoạch rồi, lượng lương thực đã mua đâu vào đó rồi. Hiện nay, nếu thương lái mua về bán cho ai. Trong khi đó, có bao nhiêu doanh nghiệp có cánh đồng liên kết? mà đa số người nông dân sản xuất tự do, phụ thuộc vào thương lái. Hiện, lúa Hè Thu muộn hiện đang vướng hàng trăm nghìn ha, đang gặp khó về tiêu thụ. Do vậy, không nên mua tạm trữ quốc gia, mà cần đề nghị doanh nghiệp tham gia mua lúa tạm trữ đó". Tuy nhiên, ông Bình đề xuất, nếu muốn mua tạm trữ thì phải có vốn và ngân hàng phải cho vay ngoài hạn mức.

Cũng theo ông Bình, tháng 9 này vụ Thu Đông đã tới, nếu không giải quyết kịp thời thì tình hình tiêu thụ sẽ càng khó khăn. Đồng thời, nếu không giải quyết ngay được còn ảnh hưởng tới xuất khẩu lúa gạo năm 2022.

Trước tình hình cấp bách hiện nay, đại diện thành phố Cần Thơ kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua lúa gạo có thể vay được khoản tiền trong lúc vận chuyển khó khăn để trạm trữ, hỗ trợ giúp người nông dân.

Trong đó, lấy lúa gạo làm hàng thế chấp để vay ngân hàng và thủ tục gọn hơn trong điều kiện dịch bệnh.

Về vấn đề này, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguồn vốn hiện không thiếu. Việc cung ứng thêm vài chục nghìn tỷ để thua mua ở những nơi có lượng lúa lớn không thiếu. Tuy nhiên, cần có cơ chế làm sao để ngân hàng thương mại sẵn sàng cho doanh nghiệp vay về tài sản đảm bảo. Trong cơ chế hiện nay, có thể sử dụng lúa làm tài sản đảm bảo được. Điều này đã được thực hiện từ lâu.

Tuy nhiên, theo ông Tú, đây là giải pháp giải quyết mang tính tức thời. Điều quan trọng về lâu dài vẫn phải giải quyết được câu chuyện tồn kho của doanh nghiệp, phải vận chuyển hàng đi được. “Nếu tồn kho không bán được thì doanh nghiệp không muốn vì vay vẫn phải trả lãi. Doanh nghiệp nào cũng muốn mua để bán chứ không muốn mua lại để tồn kho. Điều căn cơ phải giải quyết được vấn đề tiêu thụ, xuất khẩu, đảm bảo lợi ích hài hòa của doanh nghiệp, nông dân và thương lái” – ông Tú nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cùng cam kết cùng gỡ khó cho nông dân

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, một số doanh nghiệp, tập đoàn đã có những cam kết đồng hành cùng hỗ trợ người nông dân trong lúc giá lúa đang thấp. Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Tập đoàn cam kết chặn đà giảm giá của lúa tươi, đặc biệt là 2 giống lúa đang trồng nhiều tại ĐBSCL gồm 5451, không dưới 4.800 đồng và OM18 tối thiểu 5.500 đồng.

Bên cạnh đó, sẽ không tăng giá vật tư nông nghiệp trong năm 2021, đồng thời, sẽ cấp vật tư nông nghiệp cho Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã có đăng ký với Lộc Trời trong vụ Thu Đông và không thu lãi suất cho đến hết vụ. Để hỗ trợ các tỉnh, đặc biệt là các điểm thông chốt, vận chuyển lúa gạo, Lộc Trời sẽ tài trợ kid test nhanh cho các tỉnh thu mua lúa tại các địa bàn. Ngoài ra, xét nghiệm định kỳ cho đội ngũ vận chuyển của Lộc Trời và đối tác để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Tập đoàn cho biết thêm, Lộc Trời  đã xây dựng được quy trình mua lúa không tiếp xúc, để đảm bảo người mua lúa, người bán lúa vẫn chốt được giá và đảm bảo thỏa thuân được giá. Đồng thời, Tập đoàn cam kết số lượng và chất lượng gạo cho các công ty xuất khẩu và tiêu thụ nội địa kịp tiến độ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong tình hình hiện này, nếu các doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ thì người nông dân sẽ cảm thấy lúc nào cũng được doanh nghiệp đồng hành.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự chia sẻ, chủ động, trách nhiệm thêm với cộng đồng, với người nông dân. Đây cũng chính là cơ hội để xây dựng thương hiệu cho bản thân doanh nghiệp. Lúc hoạn nạn, khó khăn có người cùng chia sẻ, để người nông dân thấy rằng, dù đang khó khăn nhưng các ngành, đơn vị, doanh nghiệp cùng tham gia gỡ khó, để cùng hiểu khó khăn chung và bớt đi gánh nặng về tâm lý trong bối cảnh giá lúa đang xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập và tái sản xuất của chính người nông dân.