Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Theo Lê Dũng/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dự báo năm 2015 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tiếp tục tăng trưởng so năm 2014, dự kiến đạt 32 tỷ USD, nhưng thực tế trong quý I.2015, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so cùng kỳ năm 2014. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta trong thời gian tới là vấn đề luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tìm hướng giải quyết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2013.

Cụ thể, đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản giá trị xuất khẩu của cả nước ước đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2013. Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản nước ta, chiếm 21,81% tổng giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 6,2 tỷ USD tăng 11,1% so với năm 2013.

Song, quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta ước đạt 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2014. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ, thủy sản, gạo, cà phê, tiêu, cao su… kim ngạch xuất khẩu đều giảm.

Nguyên nhân chủ yếu được nhiều doanh nghiệp chỉ ra rằng, do trong năm 2015, áp lực cân đối cung - cầu trên thị trường thế giới, nhất là các mặt hàng nông sản, tiếp tục có diễn biến khó khăn cho các mặt hàng xuất khẩu của nước ta, đặc biệt là các mặt hàng như gạo, cà phê...

Nguồn cung trong quý I trên thị trường thế giới có gia tăng dẫn đến áp lực cạnh tranh cho các mặt hàng của nước ta đối với các nước khác. Mặt khác, lượng xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản tăng nhưng giá cả của các mặt hàng này lại có sự sụt giảm đáng kể do giá dầu thô suy giảm rất lớn cuối năm 2014, đầu năm 2015...

Trong năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cùng hàng loạt hiệp định tự do được triển khai và có hiệu lực, nhiều chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và từng bước tạo cơ chế thực hiện các hoạt động liên kết thúc đẩy sản xuất để tạo thuận lợi, tạo thành chuỗi giá trị, từng bước có điều thuận lợi hơn trong xâm nhập thị trường và cạnh tranh thuận lợi hơn trên thị trường quốc tế, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng tới chất lượng, đổi mới các hình thức xúc tiến, gắn kết chặt chẽ nhu cầu của các ngành hàng, các doanh nghiệp, hướng thị trường trọng tâm, trọng điểm có nhu cầu lớn, tiềm năng để tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm, doanh nghiệp để tiếp cận thị trường

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệåp và PTNN Cao Đức Phát, Bộ sẽ rà soát nhu cầu tiêu dùng nông, lâm, thủy sản tại các thị trường, cơ chế và chính sách nhập khẩu của các nước. Trên cơ sở đó, đề xuất đàm phán, ký kết các thỏa thuận, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nhóm hàng này của nước ta.

Đồng thời kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát để giải quyết vấn đề vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp; duy trì cho vay ngoại tệ với lãi suất ưu đãi; tiếp tục duy trì thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc xem xét nới lỏng điều kiện và thủ tục để tiếp cận vốn vay, mở rộng định mức vay, giãn thời hạn trả nợ vay cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa...