Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Hiện nay, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới sang Trung Quốc đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, do vậy, cần có sự phối hợp từ các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Trung Quốc để cùng tạo thuận lợi cho việc thông quan nông sản.
Chiều 11/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có buổi họp trực tuyến với ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và Quảng Ninh cùng một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương nhằm bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, về tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng năm 2021, đã xuất khẩu được 760 nghìn tấn nông sản, tăng 96 nghìn tấn so với cùng kỳ, ước giá trị đạt 690 triệu USD. Trong đó, thanh long là mặt hàng có giá trị cao nhất, đạt 416 nghìn tấn, tăng 11,7%, giá trị đạt 443,9 triệu USD. Dưa hấu 80 nghìn tấn, tăng 27,8% so với cùng kỳ, giá trị xấp xỉ đạt 28 triệu USD; xoài đạt 136,7 nghìn tấn, tăng gấp 2,34 lần so với cùng kỳ, giá trị đạt 120 triệu USD,… Đây là năm có nhiều điều kiện khó khăn nhưng nông sản xuất khẩu qua Lào Cai có mức tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai, đến thời điểm hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu của Lào Cai có những khó khăn nhất định. Cụ thể, do tình hình dịch COVID-19, phía Trung Quốc vẫn áp dụng phương thức không xuất nhập cảnh đối với lái xe hai bên mà chỉ sử dụng lái xe chuyên trách của Trung Quốc để thực hiện vận chuyển hàng hóa, dẫn đến cả hai cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn. Điều này dẫn đến năng suất vận chuyển thấp, đồng thời dẫn đến khả năng giải phóng nguồn hàng chậm.
Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, Lào Cai đã bố trí lực lượng trực tại các cửa khẩu; phục vụ cấp giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, đã gửi công hàm, liên hệ với chính quyền của một số địa phương Trung Quốc để thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng bệnh mà Việt Nam đã triển khai. Đồng thời, đề nghị các địa phương phía Trung Quốc tháo gỡ khó khăn cho việc thông quan mặt hàng trái cây, trong đó có quả thanh long qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai kiến nghị Bộ NN&PTNT cần thường xuyên cập nhật và thông báo với các thương nhân về các quy định của Trung Quốc về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm dịch, kiểm nghiệm. Đặc biệt, quan trọng nhất là xây dựng được nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu lâu dài và ổn định. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần xây dựng cơ quan đầu mối và điều tiết nông sản của các địa phương, bởi khi vào mùa thu hoạch, các nông sản được đưa lên cửa khẩu, nếu không được điều tiết thì sẽ ùn ứ. Điều này giúp cho việc khi lên cửa khẩu, tránh nông sản bị hỏng và tránh việc bị ép giá.
Đại diện của tỉnh Quảng Ninh cho biết, một trong những khó khăn hiện nay, đó là khi chính sách của phía Trung Quốc có thay đổi, có dự báo nhưng doanh nghiệp của Việt Nam chưa cập nhập kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm dịch của phía bạn nên hàng hóa thông quan vào Trung Quốc gặp nhiều khó khăn vì truy xuất nguồn gốc. Do đó, có nhiều lô hàng sang phía bạn bị trả lại. Đây là một khó khăn cần được tháo gỡ. Đồng thời, đại diện của tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, cần tăng lượng xuất khẩu nông sản theo các hợp đồng thương mại.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương nhận được thông tin xuất khẩu chuối gặp khó khăn giữa cửa khẩu tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), chính vì vậy, mong muốn Tham tán Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam hỗ trợ Việt Nam tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này.
Đáng chú ý, ông Tô Ngọc Sơn đề cập đến vấn đề về tính khả thi và việc phối hợp trong việc thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua hệ thống đường sắt. Theo ông Sơn, hiện nay, chúng ta chưa tận dụng tối đa tiềm năng của đường sắt. Đây là vấn đề cơ quan nhà nước hai bên muốn thúc đẩy, tuy nhiên, có nhiều vấn đề liên quan cần được phối hợp tốt hơn nữa để triển khai được hệ thống đường sắt, giảm tải kênh ở đường bộ.
Ông Sơn cũng đề cập việc hiện nay, cửa khẩu bằng đường sắt tại Lào Cai chưa được phép thông quan đối với mặt hàng trái cây và lương thực. Nếu được thông quan thì rất đáng mừng.
Phát biểu tại buổi hợp, ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Kinh tế thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của các bộ, ngành, chính quyền địa phương của Việt Nam trong việc thúc đẩy thông quan nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. ông Cẩm cũng cho biết, đây cũng là vấn đề rất quan trọng, do vậy, sẽ xem xét đề xuất với Bộ, ngành liên quan của Trung Quốc để hợp tác với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, chính quyền địa phương các tỉnh biên giới Việt Nam có cửa khẩu với Trung Quốc để cùng thực hiện thông quan thuận lợi các mặt hàng nông sản.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tiềm năng giao thương nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn về chủng loại và sản lượng, doanh số. Chính vì vậy, Thứ trưởng mong muốn các bộ, ngành, các tỉnh của phía bạn, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cùng phối hợp với phía Việt Nam để tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi cho thông quan nông sản.
Hiện nay về thủ tục kiểm dịch, trên cơ sở làm việc của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) với phía bạn, cần thông báo với các tỉnh để giảm thiểu các thủ tục. Tuy nhiên, về phía Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc những yêu cầu quy định của các nhà nhập khẩu của Trung Quốc. Về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị cần rà soát, hướng dẫn cụ thể cho tổ chức sản xuất để các hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc. Bởi chỉ có sự tích cực từ hai phía mới có được kết quả tốt đẹp.
Thứ trưởng cũng yêu cầu việc cập nhật thông tin, các quy định của thị trường Trung Quốc đến các địa phương, ngoài việc hướng dẫn bằng văn bản, trực tuyến, cần trực tiếp xuống cơ sở để rà soát kiểm tra khi có điều kiện, bởi do việc không đáp ứng được yêu cầu nên gây nhiều khó khăn cho cả hai bên.
Thứ trưởng nhấn mạnh đến vấn đề giao thương bằng đường sắt. Về vấn đề này, đề nghị Bộ Công Thương cần có sự phối hợp làm việc với các bên liên quan để làm sao gỡ được nút thắt này. Ngoài đường bộ, đường thủy, nếu có được đường sắt thì sẽ vận chuyển được nông sản từ hai chiều với số lượng lớn hơn.