Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp
Cử tri tỉnh Nghệ An phản ánh giá cả nguyên liệu đầu vào và giá cả máy móc sản xuất nông nghiệp tăng cao. Đề nghị Chính phủ có các giải pháp trợ giá để bớt khó khăn cho nông dân. Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời cụ thể tại Công văn số 414/BTC-QLG ngày 11/01/2017.
Công văn số 414/BTC-QLG ngày 11/01/2017 nêu rõ, trong những năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ "đầu vào" và hỗ trợ "đầu ra" cho sản xuất nông nghiệp qua đó góp phần bình ổn giá, giảm bớt khó khăn cho người nông dân. Cụ thể:
1. Về chính sách hỗ trợ đầu vào:
Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối trong hạn mức quy định theo Luật Đất đai số 45/2013/QH13 của Quốc hội; thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thực hiện theo Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội (thời gian miễn giảm từ năm 2003 đến 2010) và Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 (thời gian miễn giảm từ 1/1/2011 đến 31/12/2020). Các chính sách tín dụng như: Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ và Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
2. Về chính sách hỗ trợ đầu ra:
2.1. Chính sách thuế
Về thuế giá trị gia tăng: thực hiện theo Nghị định số 100/2016 ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng và Thông tư số 219/2013/TT- BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng. Theo đó, bổ sung thêm một số sản phẩm sản xuất nông nghiệp không chịu thuế giá trị gia tăng là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu, sản phẩm mới được làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt lát, ướp muối, bảo quản lạnh và các hình thức bảo quản thông thường khác.
Về thuế xuất nhập khẩu: Thực hiện theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, trong đó: Thuế xuất khẩu cà phê, hồ tiêu là 0%; cao su là 0-1%.
2.2. Chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 2/12/2011 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản; ngày 14/11/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014 thay thế Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg nêu trên đã quy định: ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ ba cho vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng);
2.3. Chính sách hỗ trợ bao tiêu sản phẩm
Thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Quyết định về việc mua thóc, gạo tạm trữ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành và Hiệp hội lương thực Việt Nam xây dựng ban hành các Thông tư hướng dẫn hỗ trợ tiền lãi suất vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo: Thông tư số 65/2012/TT-BTC ngày 25/4/2012 hướng dẫn vụ Đông Xuân năm 2011-2012; Thông tư 139/2012/TT-BTC ngày 20/8/2012 hướng dẫn hỗ trợ tiền lãi suất vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu 2012; Thông tư 50/2013/TT-BTC ngày 26/4/2013 hướng dẫn hỗ trợ tiền lãi suất vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2012-2013; Thông tư 109/2013/TT-BTC ngày 18/3/2013 hướng dẫn hỗ trợ tiền lãi suất vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu 2013; Thông tư 165/2014/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ tiền lãi suất vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân năm 2013-2014; Thông tư 50/2015/TT-BTC ngày 15/4/2015 hướng dẫn hỗ trợ tiền lãi suất vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân năm 2014-2015.
2.4. Chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
Thực hiện theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2011/TT-BTC ngày 16/8/2011 hướng dẫn Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo đó, Nhà nước thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp với các đối tượng sau:
- Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp:
+ Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối;
+ Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm bao gồm diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hàng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm;
+ Diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp; xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Đối tượng được giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp:
+ Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân. Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
+ Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác: Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp; đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai. Trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
+ Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho đơn vị vũ trang nhân dân quản lý sử dụng.
2.5. Chính sách miễn thủy lợi phí
Thực hiện Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP; Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2013/TT-BTC ngày 11/4/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2012/NĐ-CP, Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/2/2009 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, theo đó, nhà nước thực hiện miễn toàn bộ thủy lợi phí đối với đối tượng sau:
- Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối; Diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm bao gồm đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hàng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm; toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao; đất nông nghiệp được nhà nước giao cho hộ nghèo.
- Diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây:
+ Hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
+ Hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh (hoặc các công ty nông nghiệp chuyển đổi từ nông trường quốc doanh) để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
+ Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
+ Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã.
2.6. Kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa
Thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 18/2016/TT-BTC ngày 21/01/2016 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ. Theo đó, đối tượng, điều kiện hưởng hỗ trợ là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất lúa trên diện tích đất nằm trong quy hoạch đất trồng lúa. Hàng năm ngân sách nhà nước hỗ trợ người sản xuất lúa từ nguồn kinh phí chi thường xuyên
2.7. Chính sách hỗ trợ phòng trừ dịch hại
Thực hiện theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung điều 3 của Quyết định 142/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Thông tư 33/2013/TT-BTC ngày 21/3/2013 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 187/2010/TT-BTC theo đó ngân sách nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thuỷ sản cho các hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
2.8. Chính sách tín dụng cho xuất khẩu
Thực hiện theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/5/2011 của Chính phủ và Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/5/2011, Nghị định 133/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, quy định gia hạn thời gian vay vốn lên tối đa là 36 tháng (tổng thời gian vay vốn tối đa 36 tháng) đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước cho các nhóm hàng xuất khẩu cà phê, hạt điều đã qua chế biến, rau quả, thủy sản với điều kiện doanh nghiệp lỗ trong năm 2011 và năm 2012; không cân đối được nguồn vốn để trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.