Thay đổi mô hình kinh doanh thích ứng tình hình mới
Sau thời gian được mở bán hàng trở lại khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) đã bắt đầu đưa ra thêm mô hình mới để hoạt động. Trong đó, xu hướng siêu nhỏ, đưa thương hiệu “xuống đường” được nhiều doanh nghiệp áp dụng…
Mới đây, chuỗi cà-phê The Coffee House đã khai trương cửa hàng mới với tên gọi TCH Now. Thật ra, cửa hàng này chỉ là một ki-ốt nhỏ đặt cạnh siêu thị Kingfoodmart trên đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh. Đại diện thương hiệu xác nhận đây là cửa hàng theo mô hình doanh nghiệp sẽ triển khai sau đợt giãn cách xã hội lần thứ tư, bao gồm xe đẩy và ki-ốt.
Trước đó, hệ thống The Coffee House quyết định đóng cửa hàng The Coffee House Signature trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3). Đây là cửa hàng đặc biệt nhất của hệ thống này tại TP Hồ Chí Minh, được nhiều người trẻ, nhất là giới văn phòng, yêu thích. Giám đốc điều hành The Coffee House Lê Bá Nam Anh cho biết, chuỗi cửa hàng cà-phê này đang hướng tới việc phục vụ thói quen mua sắm và uống cà-phê trong thời kỳ bình thường mới vốn đã hình thành sau giai đoạn giãn cách kéo dài. “Với quán cà-phê thu nhỏ, chúng tôi hướng đến mô hình tự phục vụ, bảo đảm an toàn cho nhân viên lẫn khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp”, ông Nam Anh cho biết.
Thương hiệu mới nhất tham gia vào thị trường chuỗi cửa hàng cà-phê, trà sữa hồi giữa năm 2021 là Chuk Chuk cũng xây dựng mô hình kinh doanh thích ứng với nhu cầu mới của khách hàng. Bên cạnh cửa hàng với chi phí mặt bằng đắt đỏ, ki-ốt và xe đẩy sẽ là chiến lược để Chuk Chuk gia tăng nhanh chóng độ phủ. Theo đó, chuỗi cửa hàng này sẽ kết hợp với các nhà phân phối lớn để mở ki-ốt ở các cung đường tại TP Hồ Chí Minh; ở các tỉnh, thành phố khác sẽ có xe đẩy mang thương hiệu Chuk Chuk.
Đại diện chuỗi thương hiệu Vua Cua tiết lộ, sắp tới, thương hiệu này dự kiến khai trương đồng loạt 15 điểm “xe cua” tại các hệ thống siêu thị và năm cửa hàng nhượng quyền diện tích nhỏ, chủ yếu bán mang đi.
Khởi nghiệp với chuỗi cà-phê nông sản thương hiệu Meet More, ông Nguyễn Ngọc Luận cũng khuấy động thị trường bằng 100 xe đẩy thay vì các cửa hàng lớn, chuyển đổi mô hình mới khiến nhu cầu nhượng quyền luôn cao từ bắc chí nam. Mục đích là bất cứ khách hàng nào cũng có thể thưởng thức sản phẩm mà không phải vào cửa hàng; trên xe đẩy còn tích hợp công nghệ giúp người chủ có thể quản lý dù ở bất cứ nơi đâu. Thương hiệu này còn nhượng quyền để những người muốn khởi nghiệp nhưng chưa có vốn lớn vẫn có thể khởi sự kinh doanh.
“Chìa khóa ở đây là chúng ta phải có sản phẩm tốt. Cà-phê truyền thống thường chỉ có cà-phê đen và sữa, chúng tôi có thêm cà-phê trái cây và được thị trường đón nhận nhiệt tình. Bây giờ, mô hình trà sữa lưu động của chúng tôi cũng không phức tạp như hồi trước, chỉ khoảng vài phút là có thể hoàn thành một ly trà sữa. Để luôn tiến về phía trước ngay cả khi thị trường gặp khó khăn, chúng ta cần liên tục đổi mới sản phẩm”, nhà sáng lập Meet More Nguyễn Ngọc Luận khẳng định.
Quản lý cửa hàng thức ăn nhanh 30s Ngô Thị Liên (quận Tân Phú) cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi mô hình đầu tư để phù hợp với tình hình thị trường trong và sau dịch COVID-19. “Trong dịch COVID-19, mô hình kinh doanh nhỏ gọn sẽ hiệu quả hơn chuỗi hoành tráng, bởi nó tiết giảm được rất nhiều tiền thuê mặt bằng. Đầu tư chú trọng hiệu quả hơn là hình thức. Chúng ta cần quản trị tốt rủi ro, suất đầu tư cần phải gọn nhẹ hơn, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng như mặt bằng kinh doanh cũng như trải nghiệm khách hàng”, bà Liên nói…
Theo các chuyên gia kinh tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn bộ ngành F&B đã thay đổi để thích nghi và có thể tồn tại ngay cả khi bệnh dịch đã qua đi. Bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực, dịch COVID-19 cũng mang lại một số tác động tích cực như tạo ra cú huých đẩy mạnh việc chuyển đổi số. Bằng chứng là những doanh nghiệp đã xây dựng và ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất và quản lý tỏ ra rất vững vàng trong khủng hoảng. Các thương hiệu lớn cũng nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai dịch vụ bán hàng để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Statista, ngành F&B Việt Nam hiện có 540.000 cửa hàng ăn uống, 22.000 cửa hàng cà-phê, quầy bar và hơn 80.000 nhà hàng theo mô hình chuỗi. Dự báo doanh thu của ngành này có thể đạt 408 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, thị trường F&B tại Việt Nam vốn đã cho thấy những dấu hiệu giảm tốc, nay lại thêm dịch COVID-19 khiến nhiều cửa hàng tạm đóng cửa, trả lại mặt bằng, nhượng quán...
Chuyên gia về đổi mới sáng tạo, Giám đốc điều hành Công ty The Pathfinder Trần Anh Tuấn cho rằng, hiện là thời kỳ khởi nghiệp hoặc tái khởi nghiệp của các doanh nghiệp với mô hình tinh gọn, ít tốn chi phí cố định và kinh tế sẻ chia. Dù có hy sinh về hình ảnh thương hiệu nhưng đây là mô hình hiệu quả. Ngoài ra, việc nhiều thương hiệu kết hợp thuê chung mặt bằng giúp các thương hiệu có chi phí thấp để xâm chiếm nhanh các mặt bằng đẹp nhưng đang trống người thuê…