Thay đổi nhận thức về phòng chống ma túy trong ngành Hải quan

Theo baohaiquan.vn

Sáng 27/4, tại TP.Nha Trang, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị công tác kiểm soát ma túy, tiền chất ngành Hải quan. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình nhấn mạnh, lực lượng Hải quan cần phải thay đổi nhận thức cơ bản về phòng chống ma túy.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Nguồn: PV.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Nguồn: PV.

Theo đó, công tác phòng, chống ma túy của cơ quan Hải quan phải tập trung vào địa bàn hoạt động hải quan ở các cửa khẩu biên giới, cảng biển, hàng không và các khu công nghiệp - khu chế xuất... thông qua hoạt động làm thủ tục kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng tạm nhập- tái xuất (TN-TX), quá cảnh và hành khách xuất nhập cảnh. Trong đó, tập trung vào tuyến trọng điểm hiện nay là: hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh, hàng quá cảnh và TN-TX. 

Toàn ngành Hải quan bắt giữ gần 600 vụ vận chuyển ma túy

Theo đánh giá tại hội nghị, những năm gần đây, tình hình tệ nạn và tội phạm về ma tuý ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, số người nghiện ma tuý, số vụ và đối tượng phạm tội về ma tuý hàng năm vẫn tăng lên. Tại địa bàn biên giới cửa khẩu, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của bọn tội phạm diễn ra rất manh động, liều lĩnh. Hầu hết tại các tuyến cửa khẩu đường bộ, cảng biển, sân bay quốc tế và bưu điện quốc tế đều đã phát hiện tội phạm hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới.

Các loại ma túy vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh, sau đó một phần được sử dụng trong nước, còn lại phần lớn được vận chuyển trái phép đi sang các nước khác. Các loại ma túy là cocain, lá Khát vận chuyển trái phép từ khu vực nam Mỹ, Trung Đông vào Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển, qua đường chuyển phát nhanh.

Các loại ma túy từ Việt Nam vận chuyển trái phép đi nước ngoài gồm có heroin vận chuyển trái phép sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Australia và một số quốc gia khác. Ma túy đá vận chuyển trái phép đi Campuchia, Thái Lan và một số quốc gia khác. Tuyến trung chuyển cocain từ khu vực Nam Mỹ về Việt Nam rồi vận chuyển sang nước thứ ba qua các cửa khẩu cảng biển.

Trước tình hình trên, cơ quan Hải quan các cấp đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, phát hiện và bắt giữ tội phạm ma túy thông qua dây truyền thủ tục hải quan, tuần tra, kiểm soát và xác lập các chuyên án đấu tranh có hiệu quả trong địa bàn hoạt động hải quan, bắt giữ nhiều vụ với lượng ma túy lớn và các đối tượng vận chuyển.

Trong những năm qua, cơ quan Hải quan các cấp đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và bắt giữ tội phạm ma túy thông qua dây truyền thủ tục hải quan, tuần tra, kiểm soát và xác lập các chuyên án đấu tranh có hiệu quả trong địa bàn hoạt động hải quan. Nhiều đơn vị đã đạt thành tích cao trong công tác phát hiện, bắt giữ tội phạm ma tuý như Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Tây Ninh.

Kết quả từ năm 2011 đến hết năm 2016, lực lượng Hải quan phối hợp phát hiện và bắt giữ 588 vụ, 733 đối tượng vận chuyển trái phép ma túy. Tang vật thu giữ trên 272 kg heroin,  trên 139 kg cần sa, trên 310 kg ma túy tổng hợp, trên 190.000 viên ma tuý tổng hợp các loại, 42,2kg thuốc phiện, gần 123 Kg cocain và loại ma túy mới có tên lá Khat thu giữ 5.490 kg.

Lợi dụng thông thoáng thủ tục hải quan để vận chuyển ma túy

Tại hội nghị, Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, thời gian qua, lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong thông quan hàng hóa, nhất là trong thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu như sử dụng khai báo hải quan điện tử (VNACCS/VCIS), áp dụng quản lý rủi ro trong phân luồng, miễn kiểm tra thực tế hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh để cất giấu ma túy trong hàng hóa, phương tiện đưa vào, ra lãnh thổ Việt Nam.

Phân tích kết quả bắt giữ cho thấy, các đối tượng vận chuyển thường ngụy trang, cất giấu ma tuý trong hàng hoá, cất giấu ma túy lẫn với hàng hóa đựng trong các container, trộn ma túy lẫn vào hàng nông sản như chè, cà phê…

Đối với loại hình quá cảnh, tội phạm ma túy thường lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa nhằm qua mặt các lực lượng chức năng.

Đối với loại hình Tạm nhập -Tái xuất, thời gian gần đây, các đường dây ổ nhóm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia tiếp tục vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới bằng các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, biến Việt Nam thành địa bàn trung chuyển các loại ma túy mới.

Đối với hàng hóa gửi theo đường chuyển phát nhanh, do hàng hóa không đi theo người nên bọn tội phạm lợi dụng phương thức này để vận chuyển ma túy, tiền chất với thủ đoạn như khai tên, địa chỉ người gửi, người nhận không rõ ràng, khai báo sai tên hàng, pha, tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, các loại thực phẩm phổ biến như  bánh kẹo, thuốc lá, chè khô, cà phê, mắm tôm, dầu gió và các loại bột...

Ngành Hải quan đã nhận diện được thủ đoạn của bọn tội phạm ma túy, vì vậy đấu tranh chống buôn lậu ma túy phải đảm bảo kiểm soát gắn liền với tạo thuận lợi. Đây là một thách thức, khó khăn cho lực lượng phòng, chống ma túy.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình lưu ý Cục Điều tra chống buôn lậu, Hải quan các tỉnh, thành phố cần tập trung đánh giá lại các kế hoạch phòng chống ma túy, kế hoạch chuyên án, kế hoạch phối hợp trong và ngoài ngành trong công tác phòng chống ma túy và đánh giá kết quả kiểm soát ma túy những năm vừa qua để công tác phòng chống ma túy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Song song đó, lực lượng Hải quan cần rà soát lại công tác kiểm soát tiền chất vì đây là một trong nhiệm vụ hết sức khó khăn, liên quan đến nhiều bộ ngành như Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế, Cục Hóa chất- Bộ Công thương. Và một biện pháp hữu hiệu nữa là cần phải sử dụng chó nghiệp vụ, Cục Điều tra chống buôn lậu, Hải quan các tỉnh, thành phố cần bàn bạc, thảo luận tại hội nghị cũng như đánh giá mặt được và chưa được để việc sử dụng chó nghiệp vụ phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Tham dự hội nghị, trung tá Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống ma túy- Bộ Công an  đánh giá cao công tác phối hợp của lực lượng Hải quan với lực lượng Công an trong công tác phòng chống ma túy thời gian qua. Trong thời gian tới, ngành Hải quan cần tăng cường phối hợp hơn nữa với lực lượng Công an trong chia sẻ và xử lý dữ liệu thông tin để kiểm soát, chống ma túy đạt hiệu quả. Lực lượng phòng chống ma túy cũng tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ để công tác này ngày càng hiệu quả hơn.

Tại hội nghị, Hải quan các tỉnh, thành phố cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, phản ánh vướng mắc khó khăn, đề xuất kiến nghị với Tổng cục Hải quan và các bộ ngành liên quan để công tác phòng chống ma túy, kiểm soát tiền chất đạt hiệu quả hơn.