Thấy gì trong xu hướng M&A doanh nghiệp toàn cầu năm 2023?


Bất kể bối cảnh bất ổn kinh tế gia tăng, triển vọng mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ vẫn là một chiến lược quan trọng đối với các công ty toàn cầu năm 2023.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mới đây, trong báo cáo “Mua bán và Sáp nhập Toàn cầu” hàng năm lần thứ 5 của Bain & Company, công ty tư vấn quản lý có trụ sở tại Mỹ cho thấy, giá trị M&A toàn cầu đã giảm 36% vào năm ngoái, do lãi suất tăng và sự không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, khiến thị trường bị đình trệ trong nửa cuối năm.

Nếu chỉ tính riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giá trị của các giao dịch có chút khả quan nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trước đại dịch, giảm 22% từ năm 2021 xuống còn 3,8 nghìn tỷ USD vào năm ngoái.

Nhưng, theo Bain & Company, triển vọng M&A của năm 2023 sẽ “sáng sủa hơn khi các giám đốc điều hành đang mong muốn chốt được nhiều thương vụ hơn trong năm nay bất chấp những bất ổn kinh tế”.

Trong báo cáo của Bain & Company, họ đã khảo sát 300 giám đốc điều hành M&A trên toàn thế giới vào tháng 10 năm ngoái, các giám đốc điều hành vẫn tự tin rằng chiến lược M&A có thể tạo ra giá trị, vì họ được khuyến khích bởi tính sẵn có của tài sản hấp dẫn hơn và mức độ cạnh tranh thấp hơn.

Báo cáo lưu ý: “Tài sản rẻ hơn so với những năm trước và có cơ hội để củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi hoặc tạo ra các lựa chọn chiến lược thông qua các thỏa thuận phạm vi”.

“Dựa trên những gì chúng tôi biết từ các chu kỳ suy thoái kinh tế trước đây, chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều cơ hội vào năm 2023 để các công ty thâu tóm đã chuẩn bị kỹ lưỡng thực hiện các bước đi chiến lược và táo bạo”, Les Baird, người đứng đầu bộ phận M&A Toàn cầu và Hoạt động thoái vốn của Bain & Company cho biết.

Ví dụ, các giám đốc điều hành ở Ấn Độ không có kế hoạch tạm dừng M&A vì họ tin rằng xu hướng M&A sẽ tiếp tục đà phát triển, với 75% trong số họ kỳ vọng sẽ có nhiều tài sản hấp dẫn hơn trong năm nay, báo cáo lưu ý.

Năm ngoái, Ấn Độ đã đi ngược xu hướng toàn cầu khi khối lượng và giá trị giao dịch M&A chiến lược đạt mức cao kỷ lục, đạt số lượng giao dịch lớn thứ ba trên toàn cầu, tăng 139%. Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt kịp xu hướng toàn cầu khi giá trị các thương vụ giảm 30% kể từ năm 2021.

Còn tại Nhật Bản, giá trị M&A đã giảm 20% trong 9 tháng đầu năm, mặc dù khối lượng vẫn giữ nguyên mức như năm 2021 với sự gia tăng của các thương vụ nhỏ. Năm nay, các công ty Nhật Bản được cho là sẽ do dự khi thực hiện các giao dịch lớn hơn trong môi trường kinh tế vĩ mô không chắc chắn. Báo cáo cũng lưu ý rằng, những người mua tiềm năng có thể trì hoãn do bội số cao và đồng yên mất giá.

Ngoài ra, theo Bain & Company cho biết, chăm sóc sức khỏe và khoa học, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, cũng như môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) là một trong những ngành sẽ chứng kiến sự tăng trưởng trong năm nay.

Các động lực cơ bản dài hạn của M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vẫn mạnh mẽ. Báo cáo cho biết các công ty dược phẩm có thể dẫn đầu sự phục hồi trong hoạt động M&A, lấp đầy khoảng trống tăng trưởng tiềm năng từ 100 tỷ USD bằng sáng chế sẽ hết hạn vào năm 2030.

Bên cạnh đó, các thương vụ mua lại để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng cũng đang tăng lên, hiện chiếm 27% tổng số giao dịch về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, tăng từ mức 21% vào năm 2021. Các hoạt động M&A do ESG thúc đẩy đang ghi nhận ngày càng có nhiều công ty công nghiệp tìm cách thúc đẩy các sáng kiến xã hội và môi trường rộng lớn hơn,bất chấp sự sụt giảm về giá trị và khối lượng trong mua lại và sáp nhập công nghiệp đa dạng vào năm ngoái.

Theo Nguyễn Chuẩn/Diendandoanhnghiep.vn