Tạo không gian động lực để bứt phá


Những năm qua, mặc dù đạt nhiều thành tựu trong tăng trưởng và phát triển, nhưng xét về quy mô nền kinh tế, Quảng Ngãi vẫn đứng ở vị trí trung bình so với các tỉnh lân cận. Theo các chuyên gia kinh tế, để bứt phá đi lên, vấn đề cốt lõi là Quảng Ngãi cần thiết lập các không gian động lực phát triển với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050.

Công nghiệp gắn với kinh tế biển và cảng biển là không gian để Quảng Ngãi bứt phá.
Công nghiệp gắn với kinh tế biển và cảng biển là không gian để Quảng Ngãi bứt phá.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, câu hỏi "Quảng Ngãi đứng ở đâu so với các địa phương khác trong cả nước?" là nỗi trăn trở thường trực của Ðảng bộ tỉnh.

Nhận diện các trở lực

Tại Hội thảo tìm giải pháp thiết thực, hiệu quả để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Ðảng do Tỉnh ủy Quảng Ngãi phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, các nhà khoa học, nhà quản lý chỉ ra tám trở lực trong phát triển kinh tế ở Quảng Ngãi.

Mô hình công nghiệp hóa tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ ở vùng đồng bằng phía đông tỉnh Quảng Ngãi là động lực phát triển giai đoạn đầu nhưng gia tốc không còn, mất cân bằng trong phát triển, độ lan tỏa và hiệu quả chưa cao, không còn phù hợp điều kiện của nền kinh tế đang hướng tới năng suất và hiệu quả.

Cấu trúc ngành kinh tế thiếu sự đa dạng, dựa quá nhiều vào những doanh nghiệp lớn, chưa tạo sự lan tỏa mạnh mẽ cho nền kinh tế của tỉnh; sự phân hóa phát triển giữa khu vực đồng bằng và khu vực miền núi... Quy mô, chất lượng nguồn nhân lực là thách thức lớn cho phát triển. Môi trường thể chế đang trong quá trình hoàn thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân. Cơ sở hạ tầng phát triển chậm, thiếu đồng bộ, thiếu sự kết nối, khiến chi phí tăng cao.

PGS.TS. Bùi Quang Bình - nguyên Trưởng Khoa kinh tế phát triển (Trường đại học Kinh tế Ðà Nẵng) phân tích, Quảng Ngãi đã hình thành các ngành công nghiệp hiện đại như lọc hóa dầu, cơ khí luyện kim, năng lượng, các trung tâm công nghiệp lớn, nhưng tác động liên kết với các ngành còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

Các ngành công nghiệp mới ở giai đoạn đầu phát triển, sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn có mức độ chế biến thấp, các ngành dịch vụ truyền thống, giá trị gia tăng và công nghệ thấp. Mô hình phát triển vẫn tập trung khai thác lợi thế tĩnh và các yếu tố tài nguyên, vốn và lao động trình độ thấp.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh đã cải thiện đáng kể, nhưng vẫn xếp cuối trong năm tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Số lượng doanh nghiệp tăng, nhưng quy mô nhỏ, năng lực yếu, chất lượng nhân lực không cao so với mặt bằng chung. Do vậy, những năm tới, việc triển khai thực hiện các dự án kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực cả về số lượng và chất lượng.

"Những năm gần đây, mặc dù tỷ trọng của ngành lọc hóa dầu đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn chiếm 38,4% GRDP của tỉnh (năm 2015) và 26,3% (năm 2020). Ðiều này chứng tỏ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của Quảng Ngãi còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất", PGS.TS. Bùi Quang Bình dẫn chứng.

Nhìn nhận trở lực trên phương diện khác, GS.TS. Lê Quân - Giám đốc Ðại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những năm gần đây, kinh tế Quảng Ngãi nổi lên nhờ hoạt động của Khu kinh tế Dung Quất và du lịch đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, nút thắt phát triển của tỉnh là không có lợi thế về vị trí địa lý so với vùng động lực kinh tế miền trung, cả nước cũng như toàn cầu. Quảng Ngãi cần một nghiên cứu nghiêm túc, tổng thể về không gian lãnh thổ để có chiến lược phát triển phù hợp, với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050.

Liên kết toàn diện

Theo GS.TS. Lê Quân, để tháo gỡ các "nút thắt", Quảng Ngãi cần liên kết toàn diện: liên kết tất cả các tuyến, trục xuyên tỉnh; hành lang núi, hành lang biển, kết nối dọc theo 129km bờ biển; phát triển kinh tế biển; đẩy mạnh liên kết không gian vật thể-phi vật thể, kết nối thương hiệu Quảng Ngãi ra toàn cầu và quốc gia, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do như một động lực mềm; xây dựng chính sách và cơ chế về thương mại điện tử thôn, làng, thị trấn đến thành phố, thúc đẩy kinh tế-xã hội ở các vùng nông thôn nhằm xóa nhòa ranh giới địa lý.

Ðể phát triển bao trùm, bền vững, GS.TS. Lê Quân nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thiết lập các không gian động lực cho phát triển, đồng thời, đề xuất một số định hướng, giải pháp thực hiện như: Thiết lập các vùng kinh tế động lực, bao gồm kết nối đô thị-công nghiệp; các trung tâm kinh tế biển tạo thành các mô hình định cư ven biển; khai thác hợp lý tiềm năng du lịch biển, đảo gắn với di sản văn hóa; tạo dựng các động lực kinh tế mạnh, bao gồm công nghiệp gắn với kinh tế biển và cảng biển với giá trị gia tăng cao; các khu chế biến sâu với sản phẩm chủ lực là các sản vật và dược phẩm bản địa, phát triển nền kinh tế giá trị gia tăng cao; tạo mạng lưới loại hình đô thị đặc thù ở vùng núi, vùng ven biển với quy mô vừa và nhỏ để kích hoạt đồng đều các vùng lãnh thổ để cho mọi người dân được hưởng thành quả phát triển...

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí cho biết, mặc dù có sự khởi sắc ấn tượng trong vài ba năm trở lại đây, nhưng du lịch Lý Sơn vẫn trong giai đoạn tự phát và còn sơ khai. Bởi vậy, Lý Sơn cần một chiến lược phát triển du lịch tổng thể, bền vững. Lấy du lịch làm trung tâm phát triển kinh tế, trở thành hạt nhân cho phát triển du lịch toàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi trở thành tỉnh khá của cả nước và hướng đến năm 2050 là một tỉnh phát triển bền vững, đa dạng các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao gắn với các loại hình dịch vụ tiên tiến, hiện đại, đặc sắc chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đề án Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cụ thể hóa đường hướng phát triển; định hình không gian, lộ trình và nguồn lực phát triển. Ngoài ra, Quy hoạch cũng chỉ ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, hóa giải những mâu thuẫn, thách thức của nội tại nền kinh tế của tỉnh.

Tỉnh đề xuất ba kịch bản, bao gồm: Phát triển theo hướng đa trung tâm; phát triển theo hướng công nghiệp hóa toàn diện; phát triển theo hướng hài hòa và bền vững. Về không gian phát triển có bốn hành lang kinh tế chiến lược và sáu không gian kinh tế động lực. Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng, có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Ðồng thời, xây dựng 14 nhóm phương án phát triển từng lĩnh vực.

Khát vọng mãnh liệt của Quảng Ngãi là bứt phá vươn lên để hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Tương lai Quảng Ngãi hướng đến là nông nghiệp giá trị xanh, công nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường, du lịch lan tỏa giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử và giá trị biển, đảo quê hương, nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng lần thứ tư và hội nhập, phát huy tiềm lực văn hóa, tinh thần cho người dân để trở thành nguồn lực nội sinh.

Theo Hiển Cừ/nhandan.vn