Thế giới đánh thuế tài sản như thế nào?
Hiện nay, trên thế giới có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2%/GDP. Vậy các quốc gia trên thế giới đánh thuế tài sản như thế nào?
Theo Bộ Tài chính, trên thế giới thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực Châu Á là khoảng 2%/GDP.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đánh thuế nhà, trong đó có nhà sử dụng cho mục đích kinh doanh vì cho rằng người được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, phúc lợi xã hội phải có nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ còn có quy định cụ thể về đánh thuế đối với nhà sử dụng cho mục đích kinh doanh như: Ở Hàn Quốc quy định các loại nhà chịu thuế tài sản gồm nhà ở, nhà cho sân golf và các dịch vụ xa xỉ, tòa nhà dùng để làm nhà máy ở khu dân cư và các tòa nhà với mục đích khác; Đài Loan quy định các loại nhà chịu thuế là nhà ở và nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại; Singgapore quy định thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà (trong đó có nhà thương mại, công nghiệp); Philippin quy định các loại nhà chịu thuế gồm nhà ở, nhà kinh doanh; Brunei chỉ đánh thuế nhà, trong đó có nhà thương mại; Campuchia quy định thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà và công trình trên đất…
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cũng cho rằng, việc đánh thuế tài sản là nên làm và Việt Nam hiện nay mới chuẩn bị thực hiện là hơi muộn, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện điều này từ lâu.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, đây là thuế quan trọng, cần phải thực hiện để đáp ứng công bằng cho mọi người dân và phát triển cho quốc gia và an sinh xã hội. Ở các nước phát triển, đó là nguồn thuế ổn định và lớn giúp ngân sách chi cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội.
Chuyên gia này cũng cho rằng, trên thực tế của nhiều năm nay, giá nhà đất tăng liên tục, tuy có lúc đóng băng nhưng rồi lại tiếp tục tăng tiếp. Mọi nguồn vốn sẽ đổ vào bất động sản vì an toàn và hiệu quả hơn. "Dần dần quốc gia sẽ kiệt quệ trên đống nhà đất quy ra tiền khổng lồ hơn bất cứ nước nào, nhưng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đều mất lửa, đa số người lao động sẽ nghèo khổ; Một ít người có đất sẽ “ngồi mát ăn bát vàng”. Điển hình như tại Nhật Bản đã gánh chịu đợt tăng giá bất động sản thập niên 1980, đến nay hậu quả vẫn còn tác động, dù đó là quốc gia siêng năng lao động, sáng tạo và giàu có bậc nhất, ông Hiển dẫn chứng.
Có cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã đánh thuế bất động sản (bao gồm cả nhà và đất), với nhiều phương thức mà chúng ta có thể tham khảo.
Cụ thể như, tại Mỹ, việc đánh thuế bất động sản do các tiểu bang quy định, mỗi tiểu bang có thuế suất khác nhau. Ví dụ như tại bang California, thuế suất là hơn 1,2%/giá trị bất động sản/năm, bao gồm nhà và đất, còn tại bang Texas, thuế suất là hơn 4%. Thuế suất ở các bang tại Mỹ khác nhau là do giá trị bất động sản ở các bang khác nhau;
Tại Đài Loan, mức thuế lại phân biệt theo từng phân khúc bất động sản, như áp dụng mức thuế 1,2% - 2% đối với nhà chung cư, khoảng 1,4% đối với nhà riêng, 3% - 5% đối với công trình thương mại;
Tại Hàn Quốc, áp dụng mức thuế khác nhau đối với các dòng sản phẩm bất động sản, như đánh thuế 0,15% - 0,5% đối với nhà riêng, 0,25% đối với nhà chung cư, 4% đối với biệt thự, nhà trong khu sân golf, các khu vui chơi giải trí, và 5% đối với nhà tại các khu đô thị lớn. Mức thuế được tính trên bảng giá đất do địa phương ban hành;
Tại Nhật Bản, mức thuế bất động sản từ 1,4% - 2,1% trên giá trị cả nhà và đất tính theo giá thị trường và được điều chỉnh 03 năm một lần…