Thế giới không còn phẳng

Theo Nguyễn Vạn Phú/Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Để hiểu được lý do đằng sau xung đột Mỹ - Trung hiện nay, có lẽ phải quay lại quá khứ chừng 20, 30 năm...

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến thế giới không còn phẳng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến thế giới không còn phẳng.

Từ trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, cả thế giới đã cổ xúy cho một xu hướng mới trỗi lên: thúc đẩy toàn cầu hóa để các ngành gia công sản xuất ở các nước phương Tây lần lượt được chuyển sang Trung Quốc và một số nước đang phát triển khác, tận dụng nhân công giá rẻ và nguồn nguyên liệu tại chỗ, sản xuất hàng hóa cho cả thế giới.

Ai nấy đều tưởng mình khôn: Mỹ rảnh tay để tập trung vào công nghệ và các lĩnh vực có lợi nhuận cao hơn, nhất là phần mềm, còn Trung Quốc tự đảm đương vai trò là công xưởng thế giới và nhờ đó duy trì mức phát triển cao thần kỳ trong nhiều năm liên tục.

Chính Thomas Friedman, nhà báo Mỹ, người vừa có bài trên tờ New York Times nói theo kiểu, đáng đời Trung Quốc phải gánh chịu Donald Trump, lúc đó lại viết nhiều cuốn ca ngợi toàn cầu hóa như “Chiếc Lexus và cây ô-liu” hay “Thế giới phẳng”.

Cho đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều hiểu phải dựa vào nhau để vượt qua khủng hoảng, cả hai đều nói về khái niệm “cùng thắng” (win-win) trong nhiều trường hợp. Thế nhưng khi chiếc áo toàn cầu hóa trở nên chật chội với cả hai thì xung đột ngấm ngầm âm ỉ, rồi bùng phát.

Với Mỹ, chiếc áo toàn cầu hóa bị may hỏng, chỉ một số rất nhỏ hưởng lợi nhiều như các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới gồm Amazon, Apple, Microsoft, Facebook, Google... Hàng chục triệu người khác bị bỏ lại đằng sau, vừa thất nghiệp, vừa không đủ khả năng thích ứng với công việc mới.

Đối với Trung Quốc, chiếc áo bỗng chật là do họ ý thức không thể mãi mãi đi làm thuê cho phương Tây. Ý thức này dẫn tới chỗ phải thủ đắc công nghệ phương Tây, có thể bằng phương cách hợp pháp hoặc có thể như cáo buộc của Mỹ là đánh cắp, là ép buộc doanh nghiệp chuyển giao. 

Điều chắc chắn là chính phủ Trung Quốc đã rót rất nhiều tiền từ ngân sách để trợ cấp cho quá trình này với tham vọng đến năm 2025 sẽ dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ thông minh nhân tạo, mạng viễn thông 5G giúp vạn vật kết nối, tự động hóa trong sản xuất, lắp ráp... Thực tế Trung Quốc đã có những bước tiến nhảy vọt trong nhiều ngành như sản xuất xe hơi điện, phần mềm nhận dạng gương mặt, thiết bị 5G, thanh toán điện tử...

Với Mỹ, chiếc áo toàn cầu hóa bị may hỏng, chỉ một số rất nhỏ hưởng lợi nhiều như các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới gồm Amazon, Apple, Microsoft, Facebook, Google... Hàng chục triệu người khác bị bỏ lại đằng sau, vừa thất nghiệp, vừa không đủ khả năng thích ứng với công việc mới. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm cho tiền dành dụm suốt đời của nhiều người trong giới trung lưu biến mất. Bối cảnh đó đã giúp ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, một yếu tố hoàn toàn bất ngờ với Trung Quốc.

Khác với những người tiền nhiệm chấp nhận vai trò toàn cầu hóa tích cực của Trung Quốc, có dè chừng sự trỗi dậy của nước này nhưng không có biện pháp gì mạnh tay, ông Trump muốn phân định lại quyền lực sau toàn cầu hóa, đầu tiên là dùng thuế để đẩy vai trò “làm công xưởng cho thế giới” ra khỏi tay Trung Quốc vào các nước đang phát triển khác.

Áp thuế nhập khẩu cao lên hàng trăm tỉ đô la hàng hóa của Trung Quốc ắt sẽ xua các doanh nghiệp đang đầu tư ở nước này đi nơi khác. Sau đó là có biện pháp chặn Trung Quốc trên con đường trở thành một cường quốc công nghệ bằng cách chặt tay kẻ tiên phong Huawei và nhiều doanh nghiệp khác.

Cũng khác với những người tiền nhiệm thường thích dùng các câu chữ “phải đạo”, ông Trump nói thẳng ý muốn của mình, ví dụ, muốn ngăn không cho Trung Quốc vượt qua nền kinh tế Mỹ. Các tổng thống Mỹ trước muốn Mỹ can thiệp vào nước khác, muốn can dự vào các vấn đề toàn cầu, còn Tổng thống D. Trump đặt nước Mỹ trên hết nên sẵn sàng gây hấn với nước nào đụng chạm đến quyền lợi nước Mỹ. 

Điều đáng ngạc nhiên là tuy ông Trump bị báo chí chính thống Mỹ và nhiều chính trị gia phản đối ở nhiều chuyện nhưng riêng chính sách cứng rắn đương đầu với Trung Quốc lại được sự đồng tình. Họ thường lấy lý do Trung Quốc không sòng phẳng, chuyên trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, ăn cắp, sao chép sở hữu trí tuệ, kể cả tổ chức hoạt động tin tặc.

Không biết các cáo buộc này có bao nhiêu phần trăm là đúng sự thật nhưng rõ ràng chính trường nước Mỹ đang mong muốn chặn đường thoát bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc chứ không riêng ông Trump. Đây là điều mà nhiều nhà phân tích cho là Trung Quốc đã tính toán sai, khi muốn chờ cho qua thời ông Trump.

Với Trung Quốc, chiếc áo bỗng chật là do họ ý thức không thể mãi mãi đi làm thuê cho phương Tây. Ý thức này dẫn tới chỗ phải thủ đắc công nghệ phương Tây, có thể bằng phương cách hợp pháp hoặc có thể như cáo buộc của Mỹ là đánh cắp, là ép buộc doanh nghiệp chuyển giao.

Nếu chỉ nhìn vào các diễn biến mới nhất, có thể nói Mỹ đang chiếm thế thượng phong trong cuộc xung đột này. Chỉ tính riêng sức ảnh hưởng của Google không thôi cũng đã cho thấy Trung Quốc không dễ gì xoay xở.

Những tưởng bất kỳ nước nào cũng có thể sản xuất chiếc điện thoại di động thông minh và thực tế các điện thoại do Huawei làm ra đã được bán khắp thế giới, số lượng đứng vào hàng thứ hai toàn cầu. Thế mà chỉ cần Google tuyên bố nghỉ chơi, không ai dám mua điện thoại Huawei nữa khi không còn có thể dùng các ứng dụng phần mềm của Google trên điện thoại này.

Năm ngoái Trung Quốc nhập khẩu đến 300 tỉ đô la Mỹ trị giá con chip máy tính, còn nhiều hơn tiền bỏ ra mua dầu thô. Nếu Mỹ cấm doanh nghiệp bán hàng công nghệ cao cho Trung Quốc, con đường trở thành cường quốc công nghệ của nước này sẽ bị vấp phải hàng loạt ổ gà, ổ trâu ngay.

Nhìn lâu dài, xung đột lúc nào cũng gây ra thiệt hại cho cả hai bên. Các doanh nghiệp Mỹ trước mắt mất thị trường, lợi nhuận giảm khi không thể bán hàng công nghệ cao cho Trung Quốc; hay như vị thế của Apple hiện nay rất dễ lung lay vì không thể sớm thoát ra khỏi chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Trung Quốc nếu bị đẩy vào chỗ phải tự mình phát triển những lĩnh vực còn thiếu và yếu như phần mềm, chip máy tính, trước sau gì cũng sẽ làm được. Cái giá phải trả có thể đắt nhưng lúc đó thế giới sẽ bị chia đôi trong công nghệ, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ sẽ bị giảm sút. Lúc đó, toàn cầu hóa không những xoay chiều như hiện nay mà ngôi làng toàn cầu hóa sẽ bị xé toang thành nhiều mảnh trong một thế giới không còn phẳng nữa.