Thế nào là giao dịch có giá trị bất thường, giao dịch phức tạp?

PV.

(Tài chính) Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định cụ thể về giao dịch có giá trị lớn bất thường, giao dịch phức tạp như sau:

-  Giao dịch có giá trị lớn bất thường là giao dịch không tương xứng với thu nhập hoặc không phù hợp với mức giá trị giao dịch thường xuyên của khách hàng với đối tượng báo cáo.

- Giao dịch phức tạp là giao dịch được thực hiện thông qua phương thức không phù hợp với bản chất của giao dịch như giao dịch được thực hiện thông qua nhiều bên trung gian, nhiều tài khoản không cần thiết; giao dịch được thực hiện giữa nhiều tài khoản khác nhau của cùng một chủ tài khoản tại các khu vực địa lý khác nhau; bất kỳ giao dịch nào do đối tượng báo cáo nhận định không bình thường và cần có sự giám sát chặt chẽ.

Bên cạnh đó,  Nghị định 116 quy định cụ thể về trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ. Theo đó, đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền.

Cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có bao gồm: Giao dịch được yêu cầu thực hiện bởi bị can, bị cáo hoặc người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; Tài sản trong giao dịch là tài sản hoặc có nguồn gốc từ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của cá nhân đó hoặc của cá nhân, tổ chức liên quan tới cá nhân đó, trong hoặc sau thời gian thực hiện hành vi phạm tội.

Nghị định 116 cũng quy định việc báo cáo giao dịch đáng ngờ không phụ thuộc vào lượng tiền giao dịch của khách hàng, giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa hay mới có ý định thực hiện.

Về trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ của luật sư, công chứng viên, kế toán viên và chuyên gia pháp lý độc lập, Nghị định 116 quy định luật sư, công chứng viên, kế toán viên và chuyên gia pháp lý độc lập chỉ phải báo cáo giao dịch đáng ngờ khi: (i) Thay mặt khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, quyền sở hữu doanh nghiệp; (ii) Quản lý tiền, chứng khoán hoặc các tài sản khác cho khách hàng; (iii) Giao dịch hoặc quản lý tài khoản cho khách hàng tại các tổ chức tài chính; (iv) Điều hành, quản lý hoạt động công ty cho khách hàng.