Thêm giải pháp, tăng tính khả thi trong lập báo cáo tài chính nhà nước


Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) năm 2019 đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. BCTCNN này đã thuyết minh, giải trình thêm một số chỉ tiêu so với năm 2018; cập nhật, bổ sung những vấn đề về lưu chuyển tiền tệ, tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đã bổ sung, cập nhật thêm 3 nội dung quan trọng

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan, Bộ Tài chính đã hoàn thành BCTCNN năm 2019, thiết thực hỗ trợ công tác quản lý tài chính công, từng bước làm minh bạch nền tài chính quốc gia, giúp nâng cao hệ số tín nhiệm của Việt Nam với các nhà tài trợ quốc tế.

Báo cáo đã giúp Chính phủ, công chúng nhìn nhận cụ thể hơn về bức tranh tranh tài chính nhà nước; cho thấy hoạt động của các đơn vị ngoài ngân sách, các quỹ tài chính ngoài ngân sách, thu - chi của các đơn vị tài chính đặc thù ngoài ngân sách, công nợ của quốc gia, công nợ của các chủ thể liên quan đến tài chính…

Với kinh nghiệm rút ra từ việc lập BCTCNN năm 2018, BCTCNN năm 2019 đã khắc phục khá nhiều tồn tại, hạn chế; nội dung trình bày trong báo cáo cũng được cập nhật, bổ sung thêm nhiều nội dung so với năm 2018. Cụ thể BCTCNN năm 2019 đã cập nhật, bổ sung thêm 3 nội dung quan trọng, đó là:

(i) Báo cáo đã thuyết minh, giải trình được biến động của một số chỉ tiêu quan trọng so với số liệu năm 2018;

(ii) Báo cáo đã tổng hợp được tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn và một phần tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do địa phương quản lý;

(iii) Báo cáo đã bổ sung được vấn đề lưu chuyển tiền tệ theo đúng hướng dẫn tại Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/03/2017 của Chính phủ về BCTCNN.

Những vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ

Việc hoàn thành BCTCNN năm 2019 đúng thời hạn là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống KBNN, tuy nhiên, để BCTCNN trở thành bức tranh tổng thể về tình hình tài chính nhà nước, thì công tác tổng hợp, lập BCTCNN vẫn cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, BCTCNN năm 2019 chưa tổng hợp đầy đủ tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ của một số địa phương; tài sản hạ tầng giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, thủy lợi... Nguyên nhân được chỉ ra là do các bộ có liên quan, các địa phương chưa hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, xác định giá trị, chế độ báo cáo chưa được thực hiện; cơ sở dữ liệu vẫn đang trong quá trình nghiên cứu hoặc đang triển khai cập nhật.

BCTCNN năm 2019 đã cập nhật, bổ sung thêm 3 nội dung quan trọng, đó là:

(i) Báo cáo đã thuyết minh, giải trình được biến động của một số chỉ tiêu quan trọng so với số liệu năm 2018;

(ii) Báo cáo đã tổng hợp được tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn và một phần tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do địa phương quản lý;

(iii) Báo cáo đã bổ sung được vấn đề lưu chuyển tiền tệ theo đúng hướng dẫn tại Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/03/2017 của Chính phủ về BCTCNN.

BCTCNN năm 2019 cũng chưa thống kê được đầy đủ số liệu về đất đai chưa giao quyền sử dụng, chỉ mới tổng hợp được số liệu giá trị đất được giao quyền sử dụng của các đơn vị thuộc khu vực hành chính sự nghiệp… Hơn nữa, cách thức cung cấp thông tin về tài sản nhà nước và nợ công chưa phù hợp, chưa gắn với trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, địa phương được giao quản lý.

Các vấn đề liên quan đến quy trình, phương pháp tổng hợp BCTCNN (như nội dung, phương pháp tổng hợp một số chỉ tiêu trên BCTCNN về nguồn vốn hình thành tài sản, các khoản phải trả dài hạn khác...) vẫn còn hạn chế. Các tồn tại, hạn chế này xuất phát từ phương pháp tổng hợp số liệu hiện nay chưa được chuẩn hóa.

Việc kiểm tra xem xét tính logic, hợp lý của số liệu trình bày trên BCTCNN của các địa phương còn nhiều tồn tại, vướng mắc, thông tin thuyết minh chưa cụ thể, các giao dịch nội bộ còn trùng lắp…

Thêm giải pháp, đảm bảo tính khả thi trong lập báo cáo tài chính nhà nước

Để nội dung BCTCNN ngày càng hoàn thiện, phản ánh toàn diện tình hình tài chính nhà nước, KBNN đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 39/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 133/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn lập BCTCNN áp dụng từ năm tài chính 2021.

Thông tư số 39/2021/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin tài chính cho KBNN về nợ chính quyền địa phương; về tài sản kết cấu hạ tầng. Theo đó, sở tài chính sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin nợ chính quyền địa phương cho KBNN tỉnh.

Các bộ, cơ quan ở trung ương; sở, ban, ngành địa phương sẽ trực tiếp cung cấp thông tin tài sản kết cấu hạ tầng được giao quản lý; UBND cấp huyện sẽ cung cấp thông tin tài sản kết cấu hạ tầng thuộc cấp huyện, cấp xã quản lý.

Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với KBNN để rà soát, đảm bảo tính logic, hợp lý của số liệu…

Theo KBNN, các quy định được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2021/TT-BTC nhằm gắn trách nhiệm cung cấp thông tin với trách nhiệm được giao quản lý các tài sản, nguồn lực của nhà nước, từ đó giảm bớt các khâu trung gian trong cung cấp thông tin. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm giải trình của các bộ, cơ quan trung ương, sở, ban, ngành… đối với các thông tin tài sản, nguồn vốn được giao quản lý và được trình bày trên BCTCNN, đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai việc tổng hợp và lập BCTCNN.

Ngoài ra, với trách nhiệm là cơ quan được giao thực hiện lập BCTCNN, KBNN đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu xây dựng, ban hành và công bố hệ thống Chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo lộ trình phù hợp đến năm 2025; hoàn thiện, thống nhất các nguyên tắc kế toán áp dụng trong khu vực nhà nước; đồng bộ phần mềm kế toán; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ kế toán.

KBNN cũng tiếp tục mở rộng, nâng cấp Hệ thống thông tin Tổng kế toán nhà nước theo hướng kết nối/giao diện với hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, kết nối với mạng lưới của chính phủ điện tử, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu tài chính nhà nước tập trung để cung cấp số liệu tài chính nhà nước nhanh chóng, chính xác. Đây có thể được xem là nền móng quan trọng, làm tiền đề cho các giai đoạn hoàn thiện tiếp theo, góp phần tiến đến một nền tài chính nhà nước minh bạch, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế.

(*) ThS. Nguyễn Thuý Hải.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2021.