Thêm nhiều xung lực mới để doanh nghiệp vững vàng vượt khó

Theo Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)

Tại Tọa đàm "Chính phủ và doanh nghiệp đồng hành vượt khó" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng qua, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian vừa qua, dịch COVID-19 đã có những tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp, song, với sự quan tâm, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển.

Đưa chính sách vào thực tiễn

Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và hoành hành, giống như nhiều quốc gia trên thế giới, trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh, mỗi đợt là một cao điểm phòng, chống dịch. Dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, khi doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, có lợi nhuận thì sự phân phối hài hòa giữa doanh nghiệp, người lao động đã tham gia đóng góp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thì Nhà nước cũng luôn đồng hành, có những hỗ trợ rất cụ thể thông qua những chính sách thuế, hỗ trợ trực tiếp người lao động, và gần đây là chính sách hỗ trợ lãi suất.

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có mội nội dung rất quan trọng thuộc các gói chính sách tài khóa, tiền tệ là gói hỗ trợ lãi suất. Từ chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách của Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành nhiều chính sách cụ thể, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua. Đây được xem là một trong những giải pháp thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, bởi chi phí dành cho lãi vay là một trong những khoản đầu vào có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, về phía các ngân hàng luôn xác định đồng hành cùng khách hàng dựa trên sự chia sẻ khó khăn của nền kinh tế, cân đối giữa lợi nhuận, hy sinh một phần lợi nhuận, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh. Trong giai đoạn dịch, với vị thế là những đơn vị đầu ngành, các ngân hàng phải cơ cấu để hạn chế và xử lý nợ xấu, khi cơ cấu nợ phải trích lập dự phòng, có những gói lãi suất cho vay ưu đãi, đưa ra những chính sách miễn giảm phí; đồng hành cùng doanh nghiệp theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ. Với chính sách hỗ trợ lãi suất hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phân hạn mức đó cho các ngân hàng áp dụng và tìm ra những đối tượng khách hàng phù hợp, đưa chính sách hỗ trợ giảm lãi suất này xuống tới các doanh nghiệp.

Những chính sách, giải pháp của Quốc hội, Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước đều được các ngân hàng ủng hộ và hưởng ứng. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, cần nhìn nhận rõ thực tế là khoảng cách để những định hướng, quyết sách, Nghị định của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống còn khá xa. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có gói hỗ trợ lãi suất, nhưng doanh nghiệp lại "rất ngại" tiếp cận với gói hỗ trợ này do những điều kiện thanh tra, hậu kiểm. Vì vậy, để chính sách ban hành nhanh chóng đi vào thực tế cần quan tâm, chú trọng hơn tới vấn đề thực thi. 

Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Lo ngại những “cú phanh gấp”

Một vấn đề khác cũng mang tính trọng yếu đối với các doanh nghiệp là nguồn vốn. Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, vốn sẽ quyết định tồn tại hay không tồn tại đối với các doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI nêu rõ, hiện nay một vấn đề vừa là điểm nghẽn, vừa là điểm nóng, cũng là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn. Trong điều hành kinh tế, cũng như đối với các doanh nghiệp, điều lo ngại nhất là những “cú phanh gấp”, tức là những chính sách không lường trước được, và để hài hòa những chính sách này thực sự là bài toán rất khó. Giai đoạn dịch bệnh COVID-19, Nhà nước đã có giải pháp hợp lý cho bài toán này, nhưng trong thời gian tới còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Nền kinh tế nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, sức ép cạnh tranh và sự đào thải doanh nghiệp, lao động ngày càng gia tăng. Cùng với đó, vấn đề uy tín, đạo đức doanh nhân ngày càng quan trọng. Nhấn mạnh bối cảnh tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, về mặt thể chế, kỳ vọng là Đảng, Quốc hội, Chính phủ ngày càng quan tâm, đồng thời có những chính sách, thể chế kịp thời khích lệ việc thực hành đạo đức, văn hóa kinh doanh mẫu mực của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần tham gia tích cực hơn, từng doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong thực hiện chính sách, chấp hành quy định của pháp luật.

Trên cơ sở có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội và Chính phủ, sự chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, các đại biểu dự Tọa đàm tin tưởng và kỳ vọng, nhiều xung lực mới cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục được tạo ra, và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tận dụng được tối đa các tiềm năng, lợi thế, cơ hội để vững bước vượt qua khó khăn, thách thức. Đây là tiền đề quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chủ động thích ứng với mọi hoàn cảnh, tình hình, phát triển ngày càng lớn mạnh, bền vững, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trao đổi tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, trong hơn 2 năm qua, nước ta đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh và chịu tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ở mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan luôn quan tâm, đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động doanh nghiệp qua việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến đề xuất; đề ra các định hướng, chỉ đạo nhiệm vụ; chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp...

Chia sẻ về sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong hoạt động doanh nghiệp và sự đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế thời gian qua, nhất là trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, đó là sự "đồng hành khăng khít, kề vai sát cánh" cùng cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo thông qua lắng nghe các doanh nghiệp và có 3 quyết sách rất lớn là chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ “zero Covid” sang thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 trên cả nước rất kịp thời; có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu COVID-19.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã luôn đồng hành với Chính phủ để chia sẻ những khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn từ những hoạt động phòng, chống dịch và Quỹ vaccine cho đến các nguồn lực về vật chất, con người; tổ chức “3 tại chỗ”, duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động, ổn định xã hội.

Đến nay, kinh tế vĩ mô được ổn định, tạo đà phục hồi giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển, giữ vững ổn định về mọi mặt, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy vậy, hiện kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi về chính trị, tiền tệ, lãi suất… đang ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước cần ban hành và điều chỉnh các chính sách để bảo đảm được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô - tiền đề cho sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp.