Vốn FDI sẽ tìm đến những nhóm ngành nào?

Theo Linh Nga/enternews.vn

Dựa trên thế mạnh hiện tại của Việt Nam và phân loại chuỗi giá trị sản xuất, VDSC cho rằng các dự án đầu tư sẽ đến từ 3 nhóm chính.

Việc ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong khu vực. Nguồn: Internet.
Việc ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong khu vực. Nguồn: Internet.
Vốn FDI sẽ tìm đến những nhóm ngành nào? - Ảnh 1

Trong báo cáo chuyên đề về Triển vọng thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá cao triển vọng thu hút vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Việc ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong khu vực.

Liên quan tới dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhóm phân tích cũng cho rằng, trong kịch bản tích cực, EVFTA có hiệu lực vào năm 2020, Việt Nam thực sự sở hữu những lợi thế cạnh tranh lớn so với các nước khác trong khu vực nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư.

Dựa trên thế mạnh hiện tại của Việt Nam và phân loại chuỗi giá trị sản xuất, VDSC cho rằng các dự án đầu tư thời gian tới sẽ đến từ 3 nhóm chính, gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ), nhóm hàng chế biến & giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, và vật liệu xây dựng) và sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử). Trong đó, nhóm cuối cùng chủ yếu dựa vào chuỗi giá trị tạo thành bởi các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Microsoft,…

Những cơ hội dường như khá rõ ràng, tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa cơ hội đó đến đâu còn phụ thuộc vào cách tiếp cận của khu vực doanh nghiệp nói riêng và định hướng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI đăng ký mới tại Việt Nam đạt 6,5 tỷ USD, tăng 38,7% YoY; số dự án mới đạt 1.363 dự án, tăng 26,7% YoY. Trong 5 tháng còn có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Dòng vốn FDI tập trung chủ yếu vào hoạt động chế biến chế tạo với các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất lốp xe, thiết bị điện tử, dệt may. Điểm đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, là việc số lượng các dự án tầm trung, quy mô 100-500 triệu USD, tăng đáng kể. Mặc dù chưa ghi nhận dự án tỷ đô mới, nhưng VDSC cho rằng sẽ quan tâm hơn tới triển vọng và tốc độ giải ngân của dự án.

Nhìn lại năm 2017, các dự án nhiệt điện tỷ đô hầu như đều chậm trong tiến độ giải ngân do quá trình huy động vốn và đánh giá tác động môi trường. Ví dụ như dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 được Sumitomo đề xuất đầu tư từ 2006, được cấp chứng nhận đầu tư cuối năm 2017, được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường phê duyệt hồ sơ đánh giá tác động môi trường và kỳ vọng sớm có thể khởi công trong nửa cuối năm 2019.

Vốn FDI sẽ tìm đến những nhóm ngành nào? - Ảnh 2

 

Dựa vào biểu đồ phân bổ vốn FDI đăng ký mới theo tỉnh/thành, VDSC nhận thấy sự phân bổ khá rộng và thiếu tập trung so với các năm trước. Điển hình như dự án sản xuất lốp xe của Trung Quốc ở Tây Ninh và Tiền Giang, dự án sản xuất vải và nhuộm vải dệt tại Nghệ An.

 

Do đó, không loại trừ khả năng yếu tố chi phí lao động, chính sách môi trường và chính sách ưu đãi là những điểm nhấn thu hút doanh nghiệp. Chủ trương hiện nay của Chính phủ vẫn hướng tới sàng lọc và hạn chế các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, mức độ áp dụng ở các tỉnh/thành khá phân hóa và chủ yếu tập trung tại Hà Nội, Hồ Chí Minh.