"Ứng xử" với dòng vốn FDI từ Trung Quốc tăng mạnh
Mặc dù tăng về số lượng dự án nhưng vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh những tháng đầu năm.
Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7 thu hút 2.064 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,27 tỷ USD, tăng 24,6% về số dự án và giảm 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
FDI lớn nhất đến từ Trung Quốc
Bên cạnh đó, có 791 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,4 tỷ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng năm nay đạt 11,7 tỷ USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6 tỷ USD, chiếm 73,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 842,7 triệu USD, chiếm 10,2%, các ngành còn lại đạt 1,37 tỷ USD.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng đạt 9 tỷ USD. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 716,1 triệu USD, các ngành còn lại đạt 1,9 tỷ USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,4 tỷ USD; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 754,8 triệu USD, chiếm 8,9%; các ngành còn lại đạt 2,38 tỷ USD.
Đáng chú ý, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,785 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc 1,473 tỷ USD, Nhật Bản 1,1 tỷ USD. Đặc khu Hành chính Hồng Kông 991,6 triệu USD, Singapore 942,9 triệu USD, Đài Loan 359,1 triệu USD, Thái Lan 354,8 triệu USD và Quần đảo Vigin thuộc Anh 325,6 triệu USD, chiếm 3,9%.
Trên thực tế, sự tăng đột biến của vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nổ ra là thực tế phải thừa nhận. Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá vấn đề của dòng vốn này tăng không đáng lo ngại bằng con đường của dòng vốn.
Lo ngại vốn đi “đường vòng”
Trong báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, cách mà vốn Trung Quốc vào Việt Nam rất đặc biệt, không những đi bằng con đường FDI, mà chủ yếu thông qua các hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - cung ứng vật tư, thiết bị - xây dựng).
Cùng với đó, các số liệu liên quan đến vốn FDI hay là vốn ODA từ Trung Quốc (bao gồm cả dòng vốn liên quan đến các hợp đồng EPC), đều rất khó tìm được số liệu minh bạch và đáng tin cậy.
“Chúng tôi có thể tìm được số liệu vốn vay ODA từ các nước Nhật Bản hay Hàn Quốc, còn số liệu ODA từ Trung Quốc thì được cho là "nhạy cảm". Ngoài ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp, tức là vốn của người Trung Quốc mua lại công ty và tài sản Việt Nam, dù có nhiều câu chuyện đồn đoán về việc người Trung Quốc mua lại công ty Việt Nam, hoặc lập công ty, đội lốt công ty Việt Nam để gia tăng sự hiện diện, song cũng chưa thể có được số liệu đầy đủ”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định.
Theo ông Thành, những điều này gây ra sự hạn chế trong nghiên cứu và khó để tạo ra một kết luận khách quan hơn về dòng vốn Trung Quốc tại Việt Nam. Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu vào khai khoáng, dệt may, hóa chất.
"Nhìn từ các hợp đồng EPC hay dòng vốn FDI có liên quan đến vốn Trung Quốc, cho thấy vai trò quyết định của chính người Việt Nam về lựa chọn nhà thầu, dòng đầu tư là rất quan trọng. Có những dự án chậm tiến độ, làm ảnh hưởng môi trường xung quanh. Đơn cử, khảo sát từ nghiên cứu với 25/86 dự án thủy điện, có 8 trường hợp chậm tiến độ là do nhà thầu và 5 trong số này có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc”, Viện trưởng VEPR nói.
Chưa kể, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức EPC còn gây ra nhiều hệ lụy lâu dài cho Việt Nam như tham nhũng, tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, môi trường và hiệu quả kinh tế thấp...
Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định, không thể ngăn chặn dòng vốn và sự hiện diện vốn Trung Quốc ở Việt Nam. “Nhưng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và vai trò của cơ quan quản lý, giám sát trong đầu tư, khi xây dựng dự án cần có kiểm soát chất lượng, tiêu chí phê duyệt và quản lý để có được dòng vốn chất lượng cao, tránh những hệ lụy lâu dài về sau”, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng cho rằng phải tỉnh táo vì dòng vốn Trung Quốc có thể sẽ càng ngày càng nhiều hơn. Không còn cách nào khác chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của mình lên.