Theo dõi sát tình hình giá hàng hóa thiết yếu cuối năm
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị từ nay đến cuối năm các bộ, ngành phải kiên định điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Để đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng yêu cầu phải theo dõi sát tình hình giá một số hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, giá điện, giá lúa gạo...
Ngày 11/10/2023, Ban Chỉ đạo điều hành giá họp bàn phương án điều hành Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cuối năm. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, 9 tháng năm 2023, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, bình quân 9 tháng CPI tăng 3,16% và lạm phát cơ bản được kiểm soát, giá cả thị trường tương đối dễ chịu. Dự báo, năm 2023, sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra.
Lý giải yếu tố CPI tăng thấp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng do chính sách giá các mặt hàng thiết yếu được điều hành hiệu quả, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Một yếu tố khác giúp kiểm soát CPI là mức cầu thấp của nền kinh tế.
Dự báo, từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, nên không thể chủ quan trong điều hành. Đối với giá xăng dầu, dự báo diễn biến phức tạp, do đó việc đảm bảo nguồn cung trong nước là yếu tố vô cùng quan trọng trong điều hành.
Để điều hành giá cả đảm bảo theo mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, do tác động của tâm lý đến giá cả là rất lớn, nên các bộ, ngành phải có kịch bản truyền thông khi dự kiến điều chỉnh giá những mặt hàng do bộ, ngành mình quản lý.
Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã chỉ rõ những thách thức trong điều hành giá trong những tháng cuối năm; từ đó, đưa ra giải pháp để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra.
Biểu dương các bộ, ngành đã chủ động vào cuộc điều hành giá theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá trong kiểm soát lạm phát, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, CPI tăng 3,16% trong 9 tháng năm 2023 là thành công trong điều hành.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác điều hành giá trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành phải kiên định, điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Để đạt mục tiêu, Phó Thủ tướng lưu ý chú trọng điều hành giá một số hàng hóa thiết yếu, như: Giá xăng dầu, giá điện, giá lúa gạo...
Dự báo, từ nay tới cuối năm vẫn còn dư địa điều hành giá, tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành, giữ được chỉ số lạm phát thấp hơn mục tiêu.
Bên cạnh chú trọng điều hành giá cả một số hàng hóa thiết yếu, Phó Thủ tướng đề nghị, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...