Kiểm soát giá hàng hóa thiết yếu nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng

Bảo Thương

Trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh gửi đến Bộ Tài chính sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV về việc sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá được quy định rõ nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế.
Các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá được quy định rõ nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế.

Cụ thể, cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Giá phải hướng đến kiểm soát được mặt hàng để không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, đồng thời cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người dân nghèo.

Liên quan đến kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, Luật Giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 thay thế Pháp lệnh giá năm 2002 đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự kinh tế.

Việc ban hành luật này đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước về giá chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô phù hợp với các cam kết quốc tế.

Sau 9 năm thực hiện, Luật Giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng phát sinh tồn tại, hạn chế và được Bộ Tài chính tổ chức tổng kết, đánh giá chi tiết.

Trên cơ sở Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 và phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng dự án Luật Giá (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.

Trong đó, xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường, nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.

Bên cạnh đó, phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp; khắc phục những vướng mắc về thể chế, những lỗ hổng chính sách; những bất hợp lý của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển; tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, công khai thông tin doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở những định hướng nêu trên, Luật Giá (sửa đổi) đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến việc ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là người dân nghèo.

Trước hết, tại quy định về nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước đã khẳng định, việc Nhà nước thực hiện quản lý, điều tiết giá trên cơ sở cơ chế thị trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; qua đó, bảo vệ hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác quản lý giá cũng phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công; có chính sách về giá phù hợp với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các trường hợp theo quy định tại Luật khác có liên quan. Những nguyên tắc này đảm bảo xuyên suốt tất cả các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước quy định tại Luật và hoạt động quản lý nhà nước về giá của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

Tiếp đó, về biện pháp định giá của Nhà nước, việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, có tính độc quyền cũng được đặt ra nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong các quan hệ kinh tế, giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ đó. Cụ thể, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm tiêu chí "Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh”. Thông qua đó, phần nào sẽ đảm bào hài hòa quyền lợi, tác động tích cực đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Liên quan đến các quy định về biện pháp bình ổn giá, Bộ Tài chính cho hay, đã cụ thể hóa việc triển khai bình ổn giá trong các trường hợp nhằm đảm bảo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện. Cùng với đó, việc củng cố các biện pháp bình ổn giá theo hướng tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời ổn định mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong các trường hợp khẩn cấp cũng là một điểm mới của dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm hướng đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài ra, các biện pháp về kê khai giá, niêm yết giá cũng được quy định rõ tại Luật nhằm đảm bảo các biện pháp kiểm soát gián tiếp đối với giá hàng hóa, dịch vụ; hướng đến tăng cường công khai, minh bạch trong việc mua, bán, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế, trong đó có quyền, lợi ích của người dân, nhất là người dân nghèo.