Thị trường bán lẻ Việt Nam: Người bỏ cuộc, kẻ lao vào

Theo cafeland.vn

Những thương hiệu bán lẻ lớn liên tục gia nhập thị trường Việt Nam với các cửa hàng mọc như “nấm sau mưa”. Song cũng có không ít cái tên lặng lẽ rút lui khỏi thị trường sau một thời gian kinh doanh khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những thương hiệu “vang bóng một thời”

Cuối tháng 9 vừa qua, đại gia bán lẻ Aeon vừa chính thức chia tay Fivimart sau 4 năm gắn bó vì phương hướng, tư tưởng, tầm nhìn chiến lược của hai bên có sự khác biệt. Ngay sau đó, Vingroup xác nhận việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart để hoàn thành kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.

Hay vào đầu năm 2016, Tập đoàn TCC (Thái Lan)  đã mua lại Tập đoàn Metro tại Việt Nam, bao gồm tất cả 19 trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu Euro (khoảng 18.143,5 tỉ đồng). Sau một năm về tay ông chủ người Thái, hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam đã được đổi tên thành MM Mega Market.

Những ngày gần đây, thông tin Parkson lặng lẽ rút khỏi trung tâm thương mại Cantavil đang thu hút sự chú ý của dư luận. Theo thông tin từ một công ty tư vấn bất động sản, hiện đã có một nhà bán lẻ mới đang thương thảo để thế chỗ vào phần mặt bằng thương mại của cao ốc Cantavil, nơi Parkson từng hoạt động.

Dù Parkson chưa chính thức xác nhận thông tin rút khỏi trung tâm thương mại Cantavil, nhưng nếu đây là chính xác thì Parkson chỉ còn lại đúng 3 trung tâm thương mại tại TP.HCM gồm ở quận 5, quận 1 và Tân Bình là Parkson Hùng Vương, Parkson Saigon Tourist Plaza và Parkson CT Plaza.

Vào thời điểm Parkson dừng hoạt động Flemington (quận 11), đơn vị nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho rằng sự kiện này đánh dấu bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ khi được quyết định bởi hành vi của chính người tiêu dùng.

Parkson đã từng có thời gian hoạt động kinh doanh tốt ở Việt Nam khi mô hình Department Store (bách hóa tổng hợp) từng tạo được tiếng vang, mang đến cho người tiêu dùng tại Việt Nam những xu hướng mua sắm mới và sự gia nhập của các đơn vị nước ngoài.

Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, mô hình kinh doanh theo hướng Department Store bắt đầu bộc lộ một vài nhược điểm, nhất là khi hình thức Shopping Mall (trung tâm mua sắm) kiểu mới xuất hiện, sở hữu đa chức năng từ mua sắm đến giải trí.

Sự giới hạn về diện tích cũng là một điểm khó của mô hình Department Store vì không đủ để tối đa hóa, khai thác tiện ích đi kèm bên cạnh mặt hàng kinh doanh chính là thời trang và mỹ phẩm… Không chỉ tại Việt Nam, mô hình Department Store cũng đang trở nên yếu thế tại các thị trường khác ở châu Á và cả thế giới.

Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ hấp dẫn

Bên cạnh sự biến mất của các thương hiệu đã từng khá thành công, thị trường bán lẻ Việt Nam liên tục đón nhận những tên tuổi xuất hiện với quy mô ngày càng lớn. Một trong số đó là Vingroup với chuỗi siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vimart+. Bách Hóa Xanh thuộc sở hữu của Thế Giới Di Động hay mạng lưới cửa hàng tiện lợi Co.op Food của Saigon Co.op vẫn liên tục được mở rộng.

Bên cạnh đó, thị trường còn có sự tham gia của các thương hiệu bán lẻ ngoại như chuỗi cửa hàng 7-Eleven, Aeon Mall (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C (Thái Lan) đã đổ bộ vào Việt Nam và không ngừng lớn mạnh với tốc độ chóng mặt. Ngay cả đại gia bán lẻ Pháp Auchan cũng đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng tại Việt Nam lên 300 trong vòng bốn năm tới. Các thương hiệu thời trang nhanh như H&M, Zara cũng nhanh chóng gia nhập thị trường Việt Nam.

“Việt Nam được xem là một thị trường bán lẻ tiềm năng với gần 100 triệu dân, thu nhập của người dân cũng như tầng lớp trung lưu đang có xu hướng tăng lên và nhu cầu tiêu dùng đang trên đà tăng trưởng”, bà Bùi Huyền Trang, Giám đốc thị trường Việt Nam của Công ty Jones Lang LaSalle (JLL), nhận xét và cho biết thêm trong thời gian tới, thị trường ở khu vực trung tâm sẽ đón nhận thêm những thương hiệu quốc tế mới, chủ yếu từ ngành hàng thời trang và ăn uống.

Vị này cũng nói thêm rằng, mặc dù thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh, tình hình kinh doanh của thị trường bất động sản bán lẻ vẫn chưa ghi nhận những tác động đáng kể. Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng, các dự án bán lẻ tương lai sẽ phải tập trung hơn trong việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới, trở thành địa điểm văn hóa, giải trí, trải nghiệm và trưng bày thay vì là nơi mua sắm đơn thuần như trước đây.

Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, cũng lưu ý rằng, bán lẻ là phân khúc đang có nhiều chuyển động nhất trên thị trường và đang thay đổi rất nhanh chóng. Điều này đòi hỏi các nhà bán lẻ phải thay đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khả năng thích ứng của doanh nghiệp với sự thay đổi của môi trường quyết định rất nhiều đến sự thành bại khi tham gia vào phân khúc này.