Thương mại nội địa đang giảm tốc

Theo Lan Hương/thoibaonganhang.vn

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mức tăng trưởng nhanh, tuy nhiên tốc độ giai đoạn sau đã chậm lại so với giai đoạn trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mức tăng trưởng nhanh, tuy nhiên tốc độ giai đoạn sau đã chậm lại so với giai đoạn trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mức tăng trưởng nhanh, tuy nhiên tốc độ giai đoạn sau đã chậm lại so với giai đoạn trước.

Thị trường bán lẻ đang chứng kiến sự sụt giảm về doanh thu cũng như lợi nhuận của hàng loạt tên tuổi lớn. Đơn cử như Fivimart và Citimart sau 3 năm hợp tác với Aeon đã mở rộng hệ thống, doanh thu tăng trưởng tốt, song lợi nhuận lại liên tục thua lỗ. Các DN chủ chốt của hệ thống Big C Việt Nam như Big C Thăng Long (khu vực Hà Nội), Big C An Lạc (TP. Hồ Chí Minh), Big C Hải Phòng (khu vực Bắc Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hạ Long), Bình Dương hay Đồng Nai… đều có doanh thu sụt giảm hoặc đi ngang trong nhiều năm trở lại đây. Một số chuỗi bán lẻ điện máy lớn như Trần Anh, HC Home Center, Samnec, Pico... cũng đều trong tình trạng sụt giảm doanh thu trong năm 2017.

Sự khó khăn của lĩnh vực bán lẻ cũng được thể hiện qua con số vĩ mô ghi nhận trong báo cáo Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Theo đó, báo cáo ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mức tăng trưởng nhanh, tuy nhiên tốc độ giai đoạn sau đã chậm lại so với giai đoạn trước.

Mức tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 16,1%/năm; đã giảm xuống còn 11,38%/năm giai đoạn 2011-2015; và dự kiến chỉ còn 10,2%/năm trong giai đoạn 2016-2018. Trong năm 2018, dự kiến diễn biến thị trường sẽ ít có những biến động bất thường, các yếu tố về nguồn cung được bảo đảm, các yếu tố từ phía cầu cũng khả quan... Tổng mức bán lẻ năm 2018 có thể đạt mục tiêu khoảng 4,33 triệu tỷ đồng, tăng 10,5%-10,8% so với năm 2017, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2018 đã đặt ra.

Tuy nhiên, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch 2016-2020 đã đặt ra (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân 12,5 -13%/năm) đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực rất lớn trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng trong nước.

Hiện nay kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ có sự tăng trưởng nhanh chóng, nhất là các hình thức bán lẻ hiện đại. Các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại thu hút DN FDI và tập trung chủ yếu ở các đô thị. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố (Hà Giang là tỉnh chưa có siêu thị) và 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành. Riêng số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ lần lượt chiếm 47% và 50% so với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại cả nước.

Với thực trạng đó, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng dư địa để phát triển thị trường bán lẻ hiện đại vẫn còn rất lớn, đặc biệt là ở thị trường nông thôn. Tính chung giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình từ 35% - 40%, trong khi đó thị phần hàng hóa lưu thông qua chợ nông thôn chiếm khoảng từ 50% - 70%, cao hơn mức bình quân cả nước. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước vì các khu vực này còn nhiều dư địa để phát triển.

Bên cạnh đó, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, mặc dù được coi là một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, song các DN bán lẻ nội hiện nay đang rất lép vế trước sự xâm lấn ngày càng mạnh mẽ của các DN bán lẻ nước ngoài. Bà cho rằng DN nội hiện gặp nhiều hạn chế do không tiếp cận được mặt bằng tại các tỉnh và gặp khó khăn trong khâu quản lý. Vì vậy, bà Loan đề xuất thành lập một tập đoàn bán lẻ đa sở hữu của Việt Nam trên cơ sở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng đầu hiện tại. Nếu được xây dựng, tập đoàn này sẽ có quy mô doanh thu từ 4 - 5 tỷ USD mỗi năm. Các tập đoàn này sẽ đủ lớn để chủ động trong công tác kết nối nhà phân phối và nông dân tại các vùng sản xuất nông sản để thúc đẩy tiêu dùng trong nước.