Thị trường bảo hiểm trong xu thế Cách mạng công nghệ 4.0
Đánh giá toàn cảnh về tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2019, hướng tới hoạch định chiến lược, cơ chế và chính sách phát triển ngành bảo hiểm, đồng thời đưa ra các xu hướng phát triển trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (CMCN 4.0) và thời kỳ chuyển đổi số.., là nội dung chính của Diễn đàn và Triển lãm quốc gia về bảo hiểm Việt Nam 2019 với chủ đề “Chiến lược đột phá phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0”, diễn ra ngày 14/11 tại TP. Hồ Chí Minh.
Thị trường bảo hiểm đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, là công cụ bảo vệ rủi ro tài chính cho nhà đầu tư. Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã phát triển thị trường bảo hiểm một cách đồng bộ, nhất quán việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống, cơ chế, chính sách phát luật cho đến việc nâng cao tính an toàn, hiệu quả của hệ thống góp phần đảm bảo phát triển ổn định và bền vững. Bộ Tài chính rất chú trọng chỉ đạo ứng dụng CNTT hiện đại để phục vụ quản lý, giám sát thị trường chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.
Tính đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 64 đơn vị bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp (DN) phi nhân thọ, 18 DN nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 14 DN môi giới bảo hiểm, có 1 chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tính đến tháng 9/2019, tổng giá trị tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 441 ngàn tỷ đồng, chiếm 19%, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018, đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 370 ngàn tỷ đồng, tăng trên 23%, tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt trên 93 ngàn tỉ đồng, tăng 19%, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 112 ngàn tỷ đồng, tăng 20%, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 28 ngàn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Trong thời gian qua, các DN bảo hiểm đã tích cực tham gia vào cuộc CMCN 4.0, tăng cường ứng dụng công nghệ mới đã giúp cho các DN tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh rủi ro trong điều hành quản lý kinh doanh đồng thời cũng tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. Trong các khâu lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, ký kết hợp đồng, thanh toán phí bảo hiểm, khai báo giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, tương tác với khách hàng… cũng đã được các DN bảo hiểm triển khai, ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách nhanh nhất, tốt nhất.
Đáng chú ý, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho các DN bảo hiểm tăng cường kết nối chia sẻ trong hoạt động nghiệp vụ cũng như kết nối liên thông dữ liệu với các Bộ ban ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giao thông, Cục Đăng kiểm… trên cơ sở đó tạo ra một hệ cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý ngành một cách nhanh chóng, thuận tiện và thống nhất, giúp ích cho sự phát triển của các DN bảo hiểm.
Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0
Thực tế cho thấy, nhiều ứng dụng công nghệ đã được ngành bảo hiểm triển khai như Bảo hiểm Bảo Việt với ứng dụng BaovietPay (hệ thống sinh thái bảo hiểm – đầu tư – tài chính – ngân hàng trên nền tảng kỹ thuật số), PTI với ứng dụng myPTI (hệ thống công nghệ được đầu tư bài bản áp dụng số hóa từ khâu bán hàng đến khâu bồi thường); VASS với ứng dụng LIAN (ứng dụng trên nền tảng di động giúp các cá nhân tìm hiểu, đăng ký các gói bảo hiểm của VASS)...
Hay AIA với việc áp dụng công nghệ 4.0 vào ứng dụng MyAIA (theo đó, AIA áp dụng công nghệ AI nhận dạng thông tin tự động, thay đổi hợp đồng giấy sang bản điện tử, tối ưu quy trình vận hành); Chubb Life với trang thông tin hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, khách hàng có thể kiểm tra thông tin về hợp đồng bảo hiểm một cách dễ dàng...
Theo ông Kim Fleming - Tổng giám đốc Manulife Việt Nam - quyết theo đuổi mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu về số hóa, tại Manulife Việt Nam, hành trình chuyển đổi được khởi xướng từ cách tiếp cận chiến lược kinh doanh đến cách thức mang đến những sản phẩm và dịch vụ khác biệt cho khách hàng. Manulife Việt Nam đã nhìn thấy được tín hiệu tích cực trong hành trình chuyển đổi số hóa của chúng tôi qua việc gia tăng 14 điểm NPS – hệ thống khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng, trở thành một trong những công ty dẫn đầu về NPS tại Việt Nam.
Nhìn chung công nghệ số trong ngành bảo hiểm đang phát triển từng giờ và mang lại nhiều trải nghiệm tích cực đối với nhu cầu của khách hàng.
Giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá là giai đoạn then chốt đối với lĩnh vực bảo hiểm trong công cuộc gấp rút hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 15/02/2012 và Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Đây đồng thời cũng là giai đoạn đánh dấu sự đầu tư mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực bảo hiểm nhằm xây dựng hệ thống thông tin quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; cung cấp dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính đồng thời xây dựng hệ thống quản trị tích hợp, quản trị trục lợi bảo hiểm toàn diện, hệ thống thống kê bảo hiểm hiệu quả, hiện đại hoá các kênh phân phối và bảo mật dữ liệu bảo hiểm trước các nguy cơ tấn công an ninh mạng.
Từ phía các DN, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm trong nước và quốc tế cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc triển khai các dự án phát triển, ứng dụng công nghệ vào các nghiệp vụ của ngành, việc ứng dụng CNTT để xây dựng hành trình trải nghiệm khách hàng, đa dạng hoá kênh phân phối và phát triển cơ sở hạ tầng cho bảo hiểm trực tuyến. Ngành bảo hiểm sẽ tiếp tục nắm bắt những cơ hội, vượt qua thách thức để chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.