Thị trường bảo hiểm Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao


Trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và hiệu quả. Trong đó, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 71.147 tỷ đồng, tăng 24,35% so với cùng kỳ năm trước; Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 263.996 tỷ đồng, tăng 16,08% so với cùng kỳ năm trước...

6 tháng đầu năm, các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 342.869 tỷ đồng, tăng 26,17% so với cùng kỳ năm trước...
6 tháng đầu năm, các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 342.869 tỷ đồng, tăng 26,17% so với cùng kỳ năm trước...

Tổng doanh thu bảo hiểm ước tăng 24,35% so với cùng kỳ năm trước

Trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và hiệu quả. Số liệu của Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tổng tài sản toàn thị trường ước đạt ước 423.423 tỷ đồng (tăng 19,01% so với cùng kỳ năm trước). Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 263.996 tỷ đồng, tăng 16,08% so với cùng kỳ năm trước; Tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 71.147 tỷ đồng, tăng 24,35% so với cùng kỳ năm trước; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 91.456 tỷ đồng, tăng 28,80% so với cùng kỳ năm trước...

Thống kê cũng cho thấy, chi trả quyền lợi bảo hiểm toàn thị trường trong 6 tháng ước đạt 18.653 tỷ đồng, tăng 19,61% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 342.869 tỷ đồng, tăng 26,17% so với cùng kỳ năm trước... 

Công tác phát triển thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm tiếp tục được chú trọng. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã thẩm định 03 Hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là: Công ty cổ phần môi giới bảo hiểm Bảo An, Công ty môi giới bảo hiểm Pan Asia Việt Nam, Công ty cổ phần môi giới bảo hiểm Integer. Các DNBH tiếp tục mở thêm mới chi nhánh, nâng tổng số chi nhánh, văn phòng đại diện của các DNBH trên toàn quốc lên gần 900 chi nhánh, văn phòng đại diện .

Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 07 DNBH xin phép về nguyên tắc hoặc thực hiện tăng vốn điều lệ, trong đó có 3 DNBH nhân thọ và 3 DNBH phi nhân thọ, với tổng số tiền là 2.777 tỷ đồng. Như vậy, năng lực tài chính của các DNBH được tăng cường.

Công tác giám sát, phân tích, đánh giá hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm, hoạt động tài chính, đầu tư, công tác quản trị của các DNBH được thực hiện thường xuyên, đối với các vụ việc phát sinh đều xử lý hoặc báo cáo Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền.

Trong 6 tháng, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã ký và lưu hành Kết luận thanh tra tại Công ty TNHH bảo hiểm phi nhân thọ Cathay và BIDV Metlife (đã tiến hành thanh tra năm 2018); Tiến hành thanh tra tại 02 công ty bảo hiểm ABIC và Bảo Long; Tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị tại Kết luận thanh tra tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Hùng Vương, Tổng công ty bảo hiểm Petrolimex và Công ty TNHH bảo hiểm Phi nhân thọ Cathay. Qua kiểm tra thấy các nội dung kiến nghị tại Kết luận thanh tra đều được các DNBH thống nhất với Kết luận thanh tra và không có ý kiến giải trình, nghiêm túc thực hiện các kiến nghị tại Kết luận thanh tra và đã chấn chỉnh khắc phục các tồn tại thiếu sót.

Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trình Chính phủ ký ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 về Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2017/TT-BTC. 

Bên cạnh đó, một số đề án cũng đang được nghiên cứu để hoàn thiện như: Luật Bảo hiểm (sửa đổi), Nghị định về bảo hiểm vi mô, Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, các chính sách về bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công..., qua đó, tạo lập môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường

Theo nhận định của Bộ Tài chính, đến nay, thị trường bảo hiểm mặc dù tăng trưởng cao, ổn định song quy mô thị trường bảo hiểm vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2,9%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%).

Thị trường bảo hiểm nhân thọ mới khai thác 3/7 nghiệp vụ bảo hiểm là bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết đầu tư. Các dòng sản phẩm bảo hiểm khác chưa được chú trọng phát triển như bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí…Trong khi đó, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chưa tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm,…

Do vậy, trong những tháng cuối năm, nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển, cơ quan quản lý sẽ tập trung triển khai phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, trong đó khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm mới. Có cơ chế chính sách khuyến khích các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí. Đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0.

Bên cạnh đó, sẽ đánh giá lại một cách tổng thể các cam kết trong các Hiệp định thương mại vừa kết thúc đàm phán, đặc biệt là Hiệp định thương mại Việt Nam EU, TPP nhằm phục vụ cho công tác xây dựng Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm dự kiến trình các cơ quan có thầm quyền xem xét năm 2020; Tăng cường hợp tác với ngân hàng Thế giới WB, ADB và cơ quan quản lý bảo hiểm các nước để tận dụng nguồn hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm triển khai chương trình hỗ trợ kỹ thuật tổng thể cho lĩnh vực bảo hiểm...

Ngoài ra, tập trung triển khai công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; Công tác đảm bảo an toàn tài chính DNBH; Công tác giám sát từ xa, thanh tra và kiểm tra tại chỗ DNBH...

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Ngoài ra, còn có 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.