Thị trường bất động sản đang đi về đâu?
Đối với con người, sau nhu cầu thiết yếu về lương thực, thực phẩm là nhà ở. Bởi thế, cũng dễ hiểu vì sao trong tiếng Việt có hai từ ghép với nhau là ăn ở, lại cũng nói có an cư thì mới lạc nghiệp. Tuy nhiên, đó mới chỉ nói về nhu cầu thiết thực là mua nhà, làm nhà để ở. Giống như với mọi thứ sản vật được kinh doanh kiếm lời, người này mua nhà để ở, người khác mua đi bán lại một căn nhà, miếng đất để thu lời lãi. Vì thế mà thị trường nhà đất, hay gọi chữ nghĩa là thị trường bất động sản (BĐS) cũng phong phú và phức tạp.
Nguồn cung không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở, mà còn đáp ứng nhu cầu cho thị trường kinh doanh mua đi, bán lại. Do đó, giá cả cũng như mọi diễn biến nóng, lạnh, trì trệ, đóng băng của thị trường BĐS thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tin tức về diễn biến thị trường cũng thất thường, giả thực lẫn lộn, tung tin làm giá.
Dư luận còn không lạ với một số thông tin nghe giống như sự tổng kết quy luật của thị trường BĐS như: cứ độ 10 năm thì thị trường BĐS lại vỡ như “bong bóng xà phòng” một lần. Trên cơ sở đó mà nhiều nhà đầu tư, giới đầu cơ, cò đất hay những người có nhu cầu mua nhà để ở đều có chiến lược kinh doanh hay những tính toán của riêng mình.
Trong xu hướng phát triển bền vững, thị trường BĐS đang có sự đặc biệt quan tâm đến việc gắn kết tốt hơn với môi trường và sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0. Tòa nhà xanh, khu đô thị thông minh là những tên gọi, mục tiêu mới và chiều hướng phát triển trong xây dựng nhà ở.
Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS không thể không quan tâm đến xu hướng này nếu muốn phát triển kinh doanh một cách hiệu quả. Sở dĩ nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia cuộc chơi không chỉ vì nhận thức, mà còn vì những khó khăn bản thân các doanh nghiệp không tự thân xoay sở được.
Gần đây một số dự án hạng A đã tiên phong ứng dụng các công nghệ hiện đại vào xây dựng và quản lý ngôi nhà cho thông minh tiện lợi, nhưng phần nhiều họ mới dừng ở mức độ đặt tên là xanh, là thông minh cho sản phẩm để có được lợi thế cạnh tranh, chứ chưa theo một quy chuẩn nào cụ thể.
Theo các ý kiến đưa ra tại một số cuộc hội thảo, một khu đô thị thông minh hoàn thiện là phải có hệ thống quản lý theo dõi điều hành toàn bộ bằng công nghệ cao, trong đó có cả việc triển khai thủ tục hành chính. Toàn là những việc rất khó với những doanh nghiệp BĐS tiềm lực hạn chế, công nghệ yếu, chưa thể tự xây dựng khu đô thị thông minh.
Đã thế, khu đô thị thông minh áp dụng công nghệ bậc cao nhưng nếu các khu xung quanh không thông minh, kém hiểu biết công nghệ cao, kỹ thuật số, không ứng dụng công nghệ cao, thì các khu đô thị thông minh khó kết nối và thích ứng. Mặt khác, vận hành công nghệ cao cho khu đô thị thông minh đòi hỏi tốn phí hơn, là điều mà không dễ nhiều khách hàng mua nhà có thể đáp ứng.
Vì vậy để xây dựng khu đô thị thông minh cần phải quy hoạch cả một khu vực rộng lớn, có cơ chế đặc thù để phát triển thông minh một cách đồng bộ và có giải pháp thực hiện hiệu quả. Nên chăng là hãy làm thí điểm ở mô hình vừa phải, học hỏi và mời gọi sự tham gia hợp tác của các doanh nghiệp nước ngoài đã có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Rất cần Nhà nước có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh BĐS tham gia xây dựng đô thị thông minh.
Hỗ trợ phát triển thị trường BĐS tạo dựng những khu đô thị thông minh, Nhà nước sẽ nâng cao điều kiện sống cho người dân theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao sức cạnh tranh kinh tế, hội nhập quốc tế. Cũng chỉ có như thế thì mới có thể áp dụng 4.0 để xây dựng khu đô thị thông minh, giúp cho thị trường BĐS có sự đột phá, mang lại nhiều yếu tố tích cực, như giúp người mua nhà tăng tính tương tác, thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt của thị trường BĐS, trong đó có yếu tố xanh, công nghệ cao.
Để phát triển thị trường BĐS sinh động, bền vững, ngăn ngừa diễn biến phức tạp hoặc đổ vỡ, theo nhiều chuyên gia nghiên cứu quản lý kinh tế, rất cần sự đồng thuận của ba yếu tố: nhà nước, thị trường và xã hội. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng 2030, thể hiện sự chú trọng phát triển thành phố thông minh cũng như phát triển bền vững thị trường BĐS.
Phương hướng, chủ trương thì đã có, vấn đề còn lại là thực hiện, rất cần sự đồng thuận của nhân tố Nhà nước là người kiến tạo, cầm lái; của thị trường là động lực vận hành và của xã hội là những người giám sát thực hiện. Cũng có nghĩa là phải có chính quyền mạnh, doanh nghiệp tốt, xã hội thông minh cùng đồng thuận.
Ngoài ra, cũng cần có công nghệ cao và nguồn vốn. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, không khó để tiếp cận được công nghệ cao. Về vốn có thể huy động vốn tự có của các doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư công để đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị, các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm tương hỗ, các quỹ bảo hiểm tham gia vào thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu công trình, huy động qua thị trường chứng khoán, kêu gọi nguồn kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài.
Được biết, trong năm 2018, bên cạnh việc kịp thời đề xuất tham mưu cho Thủ tướng những giải pháp bình ổn thị trường BĐS trong ngắn hạn, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án nhằm theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường BĐS, đề xuất các phương án, giải pháp kiểm soát và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững.