Thị trường bất động sản lại “nóng”
Gần đây, giá bất động sản tiếp tục tăng, một số địa phương nước ta có tình trạng sốt đất ảo, giá rao bán được “thổi” lên. Vì vậy, người đứng đầu Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, thanh, kiểm tra, nhất là các dự án phân lô bán nền, dự án mở bán mà chưa có hạ tầng.
Bất động sản sôi động
Dù không phải là địa phương có tình trạng “sốt” giá đất như một số tỉnh, thành phố, nhưng thời gian qua tình trạng rao bán đất nền, nhà ở tại Hậu Giang ngày một nhiều, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Điều này cũng dễ hiểu, bởi dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, kinh tế phục hồi và có nhiều khởi sắc. Mặt khác, những công trình giao thông trọng điểm đã và đang được đầu tư xây dựng, kéo theo thị trường này liên tục tăng nhiệt thời gian qua.
Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng đang tập trung, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và phát triển đô thị, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến năm 2025 đạt trên 32%. Hiện tỉnh có 71 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đang trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, lập thủ tục lựa chọn chủ đầu tư…, với tổng diện tích hơn 1.858ha. Tuy nhiên, tỉnh cũng xác định rõ “không nên thu hút, kêu gọi đầu tư bằng mọi giá”.
Ông Trần Thanh Lâm - Chánh Thanh tra tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Từng dự án một phải yêu cầu hoặc đề nghị nhà đầu tư cam kết, lộ trình đầu tư như thế nào, trên cơ sở đó kiểm tra nếu nhà đầu tư không làm đúng cam kết, đúng yêu cầu thì không nghiệm thu hạ tầng và không nghiệm thu đủ điều kiện để chuyển nhượng”.
Về góc độ ngành, Sở Xây dựng tỉnh cho biết sẽ tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, thông qua việc hoàn thiện xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 117/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Qua đó, thực hiện phê duyệt các dự án phát triển nhà ở, công khai minh bạch cạnh tranh giữa các dự án nhằm giảm giá thành để người dân mua được nhà ở với mức giá hợp lý, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và tính khả thi trong phương án triển khai thực hiện.
Quản lý chặt
Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, giá bất động sản ở nhiều loại hình đều tăng so với thời điểm cuối năm 2020. Đơn cử như giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%, giá đất nền tăng 20-30%.
Tại Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong quý I, bối cảnh nền kinh tế hồi phục, khởi sắc, song còn nhiều khó khăn, giá bất động sản ở hầu hết các phân khúc đều tăng, trong đó giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng hơn so với các phân khúc khác, thậm chí một số địa phương có tình trạng “sốt nóng”. Nguyên nhân là do cung cầu, nguồn cung hạn chế, số lượng dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng hạn chế, có xu hướng giảm dần từ năm 2019 đến nay, nhất là ở các đô thị lớn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: “Do suy giảm kinh tế, các kênh đầu tư khác gặp khó khăn nên dẫn đến tâm lý dịch chuyển dòng tiền đầu tư vào bất động sản. Các địa phương vào thời điểm khởi động kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng, phục hồi kinh tế; thông tin thiếu minh bạch về quy hoạch, nâng cấp đô thị… dẫn tới tình trạng đầu cơ, thổi giá và do biến động giá cả, tăng giá đầu vào của các dự án bất động sản”.
Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương, nhất là các địa phương có tình trạng tăng nóng đất nền, cần tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, nhất là với các dự án phân lô bán nền, các dự án mở bán mà chưa có hạ tầng để xử lý nghiêm. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung, người đứng đầu Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương quan tâm tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, để tăng nguồn cung bất động sản.
Liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11, Bộ Xây dựng đã xây dựng chương trình hành động, thành lập các tổ liên ngành, tổ chức 9 đoàn làm việc với các địa phương nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nắm bắt kịp thời, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong chương trình phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, sau khi Nghị quyết 11 được ban hành, hàng loạt địa phương đã khởi công xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, một số dự án có số lượng căn hộ rất lớn.