Thị trường bất động sản miền Tây đang đứng trước cơ hội mới


Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) cả nước chao đảo vì thanh khoản giảm đột ngột thì thị trường BĐS Tây Nam Bộ vẫn bình yên. Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS miền Tây đang đứng trước cơ hội mới khi nguồn vốn khủng đầu tư cơ sở hạ tầng đang chảy vào khu vực này.

BĐS Tây Nam Bộ còn nhiều dư địa tăng giá khi mặt bằng giá thấp hơn so với vùng, miền khác. Ảnh PK
BĐS Tây Nam Bộ còn nhiều dư địa tăng giá khi mặt bằng giá thấp hơn so với vùng, miền khác. Ảnh PK

Thị trường đã "sáng lên"

Phân tích về xu hướng thị trường BĐS khu vực Tây Nam Bộ trong những tháng đầu năm nay, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, khởi đầu năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường BĐS nhiều khu vực gặp không ít "sóng gió". Tuy nhiên, BĐS Tây Nam Bộ chỉ bị "dao động" nhẹ.  

Trong Quý I/2023, khu vực này có 83 dự án mở bán, đưa ra thị trường khoảng 9.499 sản phẩm mới. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở Long An và Kiên Giang. Đất nền biệt thự và nhà ở liền kề, nhà phố là hai phân khúc chiếm tỷ trọng gần 90% tổng nguồn cung toàn khu vực.

Về giao dịch: Tỷ lệ hấp thụ trong Quý 1/2023 khoảng 4,3%, tương đương 407 giao dịch.

Tuy nhiên, bước sang Quý II, giao dịch đã tăng nhẹ, chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm có mật độ xây dựng thấp, mức giá dưới 2 tỷ đồng. Các dự án có thanh khoản tốt là những dự án có chất lượng tốt, pháp lý gần như đã hoàn thiện.

Cũng theo TS. Đính, lý do mà thị trường BĐS Tây Nam Bộ vẫn có được thanh khoản tốt là do mặt bằng giá đất ở khu vực này còn rất thấp so với nhiều vùng miền khác. Điển hình là tại TP. Cần Thơ - một trong 5 đô thị loại I trực thuộc Trung ương nhưng giá đất vùng ven trung tâm chỉ trên dưới 20 triệu đồng/m2. Chính vì giá đất không bị "thổi" nên không xảy ra tình trạng "bong bóng" sốt ảo.

Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Broland Miền Tây cho rằng, các sản phẩm của thị trường BĐS Miền Tây thường tập trung nhiều vào nhu cầu thực để ở. Các nhà đầu tư ở khu vực này chuộng đầu tư đất nền để phục vụ nhu cầu tích lũy tài sản và an cư nhiều hơn (chiếm trên 60%). Tuy nhiên, do mục tiêu đầu tư dài hạn nên các nhà đầu tư ở đây cân nhắc rất kỷ khi quyết định mua sản phẩm. Vì vậy thị trường BĐS Miền Tây thường ít có các đợt sốt nóng cục bộ, thị trường diễn tiến đều, ít chịu tác động bởi tâm lý đám đông của thị trường chung.

"Các nhà đầu tư ở khu vực miền Tây thường dùng vốn đối ứng với tỷ trọng cao từ 50 - 70%, thậm chí 100% cho khoản đầu tư của mình. Họ ít sử dụng các đòn bẩy tài chính nên ít có đợt xả hàng, cắt lỗ, bán giảm giá sản phẩm khi thị trường lao dốc", ông Hùng phân tích.

Cơ hội mới

Dự báo về thị trường BĐS khu vực Tây Nam Bộ trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, hiện nay tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) khu vực Tây Nam Bộ cao hơn bình quân cả nước. Cùng với đó là hạ tầng giao thông vùng này ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng. Trong vòng 4 năm tới, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm khoảng 554km đường cao tốc, 4 cầu quy mô lớn được xây dựng. Động lực thu hút đầu tư phát triển, thị trường BĐS chắc chắn sẽ sôi động.

"Bên cạnh đó, vùng này cũng đang triển khai hàng loạt khu công nghiệp lớn như VSIP Cần Thơ, Gilimex Vĩnh Long… Động lực thu hút đầu tư phát triển, thị trường BĐS chắc chắn sẽ sôi động trong thời gian tới", TS. Đính nhận định.

Cũng theo TS. Đính tuy thị trường BĐS khu vực Tây Nam Bộ đã có sự hiện diện của đầy đủ "cá mập" trong làng BĐS nhưng quy mô đầu tư còn nhỏ, chủ yếu tập trung các sản phẩm đất nền, hoặc nhà phố xây sẵn, chưa tạo ra các "đại đô thị" có sức sống và khai thác hoạt động tốt. Do đó, khi các cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm trên chính khu vực Miền Tây, giúp giữ chân người lao động và hạn chế được việc di dân, từ đó sẽ tạo nên nhu cầu nhà ở mới cấp thiết hơn, thị trường BĐS vì thế mà phát triển bền vững hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Broland Miền Tây, trước đây, việc kết nối và giao thương của các địa phương tại Miền Tây gặp nhiều khó khăn vì các tuyến giao thông lớn chưa được đầu tư. Vì lý do đó, mà thời gian qua vùng này chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nơi khác đến đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay, với việc đưa vào xây dựng và khai thác các dự án giao thông trọng điểm, mở ra không gian mới phát triển, đặc biệt các BĐS ven các tuyến đường mới. Đồng thời các BĐS khu công nghiệp, BĐS phục vụ logistics, kho bãi… sẽ được tăng cường mở rộng, không chỉ giải quyết thêm công việc của địa phương mà còn gia tăng giá trị sử dụng đất.

"BĐS sẽ không tập trung ở một vài địa phương trọng điểm mà sẽ được mở rộng theo các không gian trục đường mới và khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư đón đầu. Nếu như trước đây các nhà đầu tư địa phương chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nắm giữ các BĐS tại đây. Thì nay, khi kết nối giao thông thuận lợi, vùng này sẽ càng thu hút được nhiều nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay các địa phương khác đến đầu tư vào khu vực này". ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, thời gian qua thị trường BĐS miền Tây tập trung chủ yếu vào sản phẩm đất nền và nhà phố xây sẵn.

Thị trường BĐS khu vực này còn thiếu sản phẩm BĐS căn hộ chung cư, BĐS gắn với khu công nghiệp, BĐS nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp du lịch, đây là các phân khúc có nhu cầu cao tại miền Tây trong thời gian tới.

Theo Bộ Xây dựng tính đến tháng 5/2023, hệ thống đô thị toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 211 đô thị bao gồm: 01 đô thị loại I trực thuộc Trung ương là TP. Cần Thơ và 02 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là Mỹ Tho và Long Xuyên, 13 đô thị loại II; 8 đô thị loại III, 27 đô thị loại IV và 160 đô thị loại V. Dân số đô thị toàn vùng khoảng 17,5 triệu người; Tỷ lệ đô thị hóa trung bình của toàn vùng 2022 là 31,8% thấp hơn trung bình của cả nước khoảng 10%. Đến nay, Bộ Xây dựng cũng đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch về xây dựng mạng lưới đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.