Thị trường bất động sản Mỹ thu hút người nước ngoài
Tại sao giá cả các căn hộ tại New York liên tục tăng lên trong khi số lượng người sinh sống ở đây không hề thay đổi? Một bản điều tra do Công ty Môi giới bất động sản bang Florida tiến hành năm 2013 cho thấy, trong vòng 12 tháng, có tới 87% người môi giới bất động sản Mỹ thực hiện ít nhất một lần mua bán bất động sản với người nước ngoài. Theo đó, khách hàng người nước ngoài đóng góp khoảng 30% thị phần trong giao dịch bất động sản ở Miami và thành phố Fost Lauderdale và khoảng 15% ở bang Florida.
Xu thế này không chỉ xuất hiện ở bang Florida. Ước tính, người nước ngoài chiếm tới 1/3 số người mua nhà tại thành phố Mahattan năm 2013. Các khu chung cư, căn hộ cao cấp tại Las Vegas có hơn 10% người nước ngoài sở hữu từ trước khi được hoàn thiện. Houston, Atlanta, Chicago và Colorado đều chứng kiến sự gia tăng đáng kể lượng người mua nhà là công dân nước ngoài. Ngày càng có nhiều người nước ngoài truy cập vào website hoặc tạp chí của các công ty nắm trong tay danh sách những ngôi nhà sang trọng bậc nhất ở Mỹ. Các công ty kinh doanh bất động sản như Century 21, Christie’s Great Estates đang tiến hành mở thêm nhiều công ty con hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài.
Theo cuộc điều tra của bang Florida năm 2013, hơn một nửa số người mua cho biết họ mua nhà để nghỉ ngơi, an dưỡng hoặc dùng để làm việc ngoài giờ. Chỉ có khoảng 1/3 mua nhà với mục đích đầu tư. Cũng có nhiều người nước ngoài mua nhà tại Mỹ để tìm nơi đủ an toàn cất giữ tiền bạc, phòng khi nền kinh tế nước họ có sự cố.
Có nhiều lý do khiến nhiều người mua nhà ở Mỹ. Tại vùng Trung và Nam châu Mỹ, người Venezuela, Colombia, Brazil và Mexico rất quan tâm với môi trường chính trị và kinh tế của nước Mỹ. Họ coi bất động sản ở Mỹ vừa là một sự đầu tư an toàn, vừa là nơi yên tâm để sinh sống nếu như tình trạng bất ổn định gia tăng ở nước họ. Thêm vào đó, khí hậu ôn hòa, không khí thân thiện với người gốc Tây Ban Nha ở vùng Nam Florida hay Texas càng khiến cho bất động sản ở Mỹ được người nước ngoài quan tâm.
Tại châu Á, với sự phát triển nhanh của nhiều quốc gia, cùng với sự tăng cường trao đổi kinh tế giữa phương Đông và phương Tây, việc có một nơi cư trú hoặc định cư ở Mỹ ngày càng trở thành mục tiêu hấp dẫn với nhiều gia đình. Các công ty môi giới bất động sản của Mỹ đang tranh thủ cơ hội này, tiếp cận với họ, đặt tên cho những căn hộ cao cấp sang trọng bằng tiếng Trung và đưa vào đó phong cách ẩm thực Á Đông. Theo Hiệp hội bất động sản Hoa Kỳ, người Trung Quốc là một trong những khách hàng mua nhà lớn nhất tại đây với số tiền đầu tư chiếm 24% trong 92 tỷ USDtiền mua nhà của các chủ đầu tư nước ngoài từ tháng 4/2013 - 3/2014.
Giao thông thuận tiện giúp thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia, châu lục cũng là nhân tố khiến nhiều người nước ngoài không quản ngại khoảng cách địa lý để mua nhà tại Mỹ. Thêm vào đó, những công cụ mới như vay tín dụng đa quốc gia cho phép người mua nhà có thể cầm cố hoặc vay nợ ở nước ngoài từ chính nơi mình đang sinh sống đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những người muốn mua nhà ở nước ngoài.
Tại New York, tỷ phú Donald Trump là nhân vật thành công trong việc khai phá thị trường bất động sản cho người nước ngoài. Donald Trump cho xây dựng nhiều tòa nhà chung cư cao cấp có sức lôi cuốn mạnh mẽ khách hàng là nước ngoài. Hầu như trên khắp nước Mỹ, mua nhà quốc tế đang trở thành một hiện tượng có chiều hướng gia tăng. Mỗi ngôi nhà ở Florida được bán cho người nước ngoài với giá trung bình 300 nghìn USD, chỉ có 1/4 ngôi nhà có giá trị 500 nghìn USD.
Việc mua bán bất động sản xuyên quốc gia ở Mỹ cũng làm nảy sinh một số vấn đề với người bán, người mua và người môi giới. Con số khách hàng nước ngoài ngày càng gia tăng có thể gây tác động tới ngành kinh doanh bất động sản. Đơn cử như, nhiều ngân hàng phải chuyển đổi một số quy định về vay vốn mua nhà. “Văn hóa” bất động sản cũng có sự thay đổi.
Hiện nay, người Mỹ đang có xu hướng bảo vệ tài sản trong nước, bao gồm cả bất động sản. Năm 2006, khi người dân biết rằng, Chính phủ có ý định chuyển giao một phần quyền sở hữu trong ngành bưu chính cho chính quyền Dubai của các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, ngay lập tức đã có sự phản đối quyết liệt trong nhiều tuần liền và kết quả là đã thay đổi được ý định này. Năm 2005, thông tin Unocal - công ty dầu khí có trụ sở tại Califonia sẽ được bán cho một công ty của Trung Quốc cũng đã gây phản ứng dữ dội của công luận, khiến cho ý đồ này không thể thực hiện được. Năm 2007, người Mỹ không lấy gì làm vui mừng khi Nhật Bản và Trung Quốc chiếm giữ tới hơn 1.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Liệu đã đến lúc người Mỹ lo lắng về xu hướng người nước ngoài mua bán bất động sản trên đất Mỹ? Các chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại đã chỉ ra rằng, một bộ phận không nhỏ người Mỹ có xu hướng ủng hộ mối ràng buộc quốc tế, bác bỏ ý kiến cho rằng, Mỹ nên “chăm lo cho các thương vụ làm ăn của chính mình trên trường quốc tế và để cho các quốc gia khác tự xoay sở theo cách tốt nhất mà họ có thể”. Mặt khác, con số người Mỹ đồng tình với ý tưởng theo chủ nghĩa biệt lập tăng mạnh trong khoảng thời gian gần đây.
Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế nước Mỹ ảm đạm, giá nhà đất xuống dốc, thị trường bất động sản đóng băng, hai thượng nghị sĩ Mỹ, Charles Schumer và Mike Lee đã nghĩ ra một biện pháp kích cầu rất độc đáo. Cả hai ông cùng đứng tên trình Quốc hội Mỹ một dự luật về các biện pháp liên quan đến dân nhập cư, trong đó có điều khoản: Nếu một người nước ngoài nào đó bỏ ra ít nhất 500 nghìn USD mua nhà ở Mỹ hoặc cũng có thể bỏ 250 nghìn USD mua nhà, 250 nghìn USD còn lại đầu tư vào lĩnh vực khác nhưng cũng liên quan đến bất động sản thì sẽ được cấp visa thường trú.
Sau khi hoàn tất việc mua bán và được chứng nhận thường trú, người mua nhà phải ở Mỹ ít nhất là 6 tháng mỗi năm, được mang theo vợ/chồng và con dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, loại visa được cấp nhờ việc mua nhà lại không có giá trị như “thẻ xanh” (thẻ thường trú). Ở Mỹ có 3 loại hình thường trú là có quốc tịch, thường trú vĩnh viễn và không thường trú. Người mua nhà kiểu này sẽ thuộc loại hình thứ 2 hoặc thứ 3 vì mặc dù có quyền sống ở Mỹ nhưng họ không được phép làm việc để kiếm tiền, trừ khi có giấy phép lao động, nhưng xin được giấy phép lao động ở Mỹ là rất khó khăn.