Thị trường bất động sản Thanh Hóa đón nhiều thông tin tích cực

Theo Viết Huy/reatimes.vn

Thị trường bất động sản Thanh Hóa đang có những chuyển biến tích cực sau 3 tháng bị chững lại do một số yếu tố về chính sách thuế, sự thiếu hụt nguồn cung.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tín hiệu cho sự sôi động trở lại

Theo thông tin cập nhật từ nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản, trong quý II/2022, giá bán bất động sản tại Thanh Hóa tăng hầu hết ở tất cả các phân khúc tại khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Nguyên nhân của hướng tính cực đó thể hiện ở nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố chủ quan và khách quan.

Nhìn chung, tín hiệu tích cực nhất dẫn đến thị trường bất động sản Thanh Hóa có sự sôi động trở lại là do tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVIII, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng và phát triển Thanh Hóa “đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Bí thư tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng thể hiện quyết tâm đưa tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng cuối năm đạt 11% trở lên, để cả năm đạt 12,2% trở lên. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,3% trở lên, công nghiệp - xây dựng tăng 14% trở lên, dịch vụ tăng 11,1% trở lên, thuế sản phẩm tăng 5,5% trở lên.

Thu ngân sách 6 tháng cuối năm đạt 13.666 tỷ đồng trở lên, để cả năm đạt từ 40.000 tỷ đồng đến 50.000 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng cuối năm, thành lập mới 1.837 doanh nghiệp; cả năm thành lập mới 3.500 doanh nghiệp, vượt kế hoạch thành lập mới 3.000 doanh nghiệp.

Bên cạnh sự quyết tâm về chỉ tiêu kinh tế ở khắp các lĩnh vực thì tỉnh Thanh Hóa thể hiện cao độ phương châm, mục tiêu là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trọng tâm là thực hiện tốt công tác GPMB các dự án; Quyết liệt giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2022; Tăng cường phòng chống thiên tai 6 tháng cuối năm, vì thiên tai sẽ tập trung vào giai đoạn này; Đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, khai thác tốt ngành du lịch, nhất là du lịch biển.

Ngoài ra, tập trung chỉ đạo khắc phục các yếu kém để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện các chỉ số thành phần. Thực hiện tốt thu ngân sách năm 2022; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, kịp thời giải quyết các vấn đề nóng, phát sinh trên địa bàn để giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để vượt cấp, kéo dài.

Tránh diễn ra tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, dự án treo như hiện nay, làm minh bạch thị trường, phát triển lĩnh vực xây dựng - bất động sản theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng doanh nghiệp thu hút đầu tư. Tỉnh Thanh Hóa thể hiện rõ quan điểm trong việc lựa chọn những nhà đầu tư bảo đảm năng lực tài chính, có khả năng triển khai dự án và quyết tâm thực hiện dự án... Không chấp nhận nhà đầu tư không bảo đảm nguồn vốn và năng lực hoàn thành đầu tư dự án, có dấu hiệu đầu cơ, găm giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời bất hợp pháp, không có ý định đầu tư.

Tín hiệu tiếp theo cho sự hồi phục trở lại của thị trường bất động sản Thanh Hóa cũng được thể hiện qua các yếu tố như: Các dự án bất động sản mới đã và đang triển khai mạnh mẽ, chất lượng và số lượng sản phẩm tốt, có tính bền vững và khả năng sinh lời cao như dự án đô thị quảng trường biển, khu biệt thự Hùng Sơn (Sầm Sơn), Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen (huyện Quảng Xương),… các dự án đấu giá đất nền mới đang được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Cuối cùng là kể từ khi mở cửa đón khách du lịch trở lại, chỉ trong gần 2 tháng trở lại đây, Sầm Sơn đã đón được hơn 5 triệu lượt khách, gấp 2,59 lần cùng kì năm 2021, vượt 17,88% kế hoạch năm; phục vụ được 8.431.444 ngày khách, gấp 2,35 lần cùng kì năm 2021, vượt 2,2% kế hoạch. Doanh thu đạt 3.450 tỷ đồng, gấp 2,47 lần cùng kì năm 2021, vượt 9% kế hoạch năm 2022 là một trong những yếu tố then chốt giúp thị trường bất động sản du lịch quay lại đà tăng trưởng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn.

Ông Nguyễn Hữu Huy, Chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Phục Hưng cho biết: “Nhìn chung thị trường bất động sản Thanh Hóa thời gian gần đây chững lại sau đợt sốt đất cục bộ hồi đầu năm. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực về chính sách của tỉnh, các số liệu thống kê mang tính đột phá ở các chỉ tiêu kinh tế, xã hội được nêu tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua cùng với việc một số dự án bất động sản lớn như Sungroup, Văn phú, TNR, Vingroup,… đồng loạt xây dựng và bung hàng đang là điểm sáng thu hút lượng lớn nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh về Thanh Hóa.

Ngoài ra, theo khảo sát thị trường bất động sản Thanh Hóa mà Phục Hưng Group thực hiện cho thấy lượng giao dịch trong vài tháng trở lại đây tăng đột biến, dư địa giao địch tăng so với 3 tháng trước từ 20 - 30%, bất kể tác động bởi yếu tố khách quan lẫn chủ quan khác.

Tuy nhiên, dù lượng giao dịch bất động sản tại Thanh Hóa có tăng nhưng thị trường tỉnh này vẫn còn nhiều yếu tố hạn chế như số lượng dự án mới giảm mạnh do các khó khăn như thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư, số lượng dự án đủ điều kiện triển khai bán hàng còn hạn chế. Cùng với đó, tâm lý khách hàng có nhiều e ngại khi nhiều ngân hàng siết chặt chặt tín dụng, chậm giải ngân, các chính sách sửa đổi về pháp luật đất đai cũng là một yếu tố khiến thị trường bất động sản Thanh Hóa chưa thực sự hồi phục mạnh mẽ như thời gian trước”.

Vẫn cần chính sách lành mạnh hóa thị trường

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, bất động sản có vai trò mạnh mẽ trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế, lĩnh vực khác cùng phát triển... Đặc biệt, trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã cơ bản được hoàn thiện, tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, thị trường bất động sản hiện đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh như: Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập về hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; về xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng; về thời hạn, chế độ sử dụng đất đối với các loại hình kinh doanh bất động sản,…

Từ những bất cập mà Bộ Xây dựng đã nêu ở trên, Thạc sĩ Kinh tế Nguyễn Văn Thiện nêu một số giải pháp tháo gỡ cơ bản như: Quốc hội cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ các Luật, trong đó chủ yếu là Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản… nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về khung pháp lý. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về kiểm tra, thanh tra thị trường bất động sản, quản lý chặt chẽ hoạt động của các sàn giao dịch, hoạt động môi giới bất động sản. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm, tạo các chính sách tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch và xây dựng…

Nhà nước cần quan tâm phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà thương mại theo đúng quy định pháp luật, tạo khung pháp lý để nhà đầu tư tiếp tục được vay mua hoặc triển khai xây dựng các dự án đầy đủ pháp lý đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cần kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Cơ quan chức năng cấp tỉnh cần nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.

Cần tiến hành khẩn trương các công tác thẩm định quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương. Công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản lớn, thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Xử lý các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng bất động sản.