Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo Vân Ly/sgtiepthi.vn

Sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa có tính đồng bộ, thiếu tính minh bạch và thiếu bền vững nên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối.

Theo Bộ Xây dựng, có tình trạng mất cân đối cung cầu tại nhiều phân khúc của thị trường.  Ảnh: Vân Ly
Theo Bộ Xây dựng, có tình trạng mất cân đối cung cầu tại nhiều phân khúc của thị trường. Ảnh: Vân Ly

Lời nhận định trên được ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra tại diễn đàn bất động sản Việt Nam diễn ra vào ngày 15-11 tại Hà Nội.

Có cùng quan điểm với ông Hà, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro của nền kinh tế. Có tình trạng mất cân đối cung cầu tại nhiều phân khúc của thị trường. Phân khúc nhà ở cao cấp và biệt thự có dấu hiệu dư thừa nguồn cung, trong khi nhà ở xã hội và giá rẻ bị thiếu hụt.

Người đứng đầu ngành xây dựng đưa ra lời nhận định trên dựa trên những biểu hiện trong thực tế của thị trường. Ví dụ, nguồn vốn đầu tư chưa đa dạng, chủ yếu được huy động từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng và từ khách mua nhà, nguồn vốn sở hữu của chủ đầu tư còn thấp. Một số nhà đầu tư lớn sử dụng vốn vay ngân hàng thông qua các công ty con, công ty liên kết dẫn đến việc kiểm soát tín dụng đầu tư bất động sản còn nhiều khó khăn.

Thêm nữa, cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng chưa hợp lý và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Có tình trạng dư nguồn cung ở một số sản phẩm cao cấp nhưng nguồn nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp lại không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp tập trung đầu tư vào phân khúc nhà ở cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng mà chưa quan tâm đến phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà cho thuê, nhà ở xã hội…

Ông Hà cho rằng tính minh bạch, công khai của thị trường cũng yếu. Việc triển khai nghị định của chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản còn rất chậm.

Ngoài ra, năng lực của một số chủ thể tham gia vào thị trường còn hạn chế. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời ban hành, hoàn thiện thể chế về thị trường. Nhà nước còn thiếu một số công cụ thuế, tín dụng, đất đai để điều tiết các nguồn lực phát triển bất động sản… Một số doanh nghiệp triển khai dự án chưa phù hợp với yêu cầu thị trường, năng lực quản lý yếu kém dẫn đến chậm tiến độ, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai…

Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu và dự báo, ông Hà cho rằng trong năm 2018, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu biến động lớn.

Cùng với việc đưa ra những lời phân tích, vị bộ trưởng cũng đề cập đến những điểm nghẽn cản trở sự phát triển lành mạnh của thị trường. Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ ngành và địa phương, các chuyên gia và nhà khoa học xây dựng đề án đánh giá thị trường, dự báo xu hướng trung hạn và đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách, nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Đề án này sẽ được trình Chính phủ trong thời gian tới.