Thị trường cà phê Việt: Doanh nghiệp ngoại lấn lướt
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm một nửa trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân của nước ta và áp đảo ở mảng xuất khẩu cà phê chế biến sâu.
Lép vế
Từ nhiều năm qua, thị trường cà phê Việt Nam đã chứng kiến “cuộc chiến” giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Và dù doanh nghiệp nội có số lượng áp đảo nhưng phần thắng luôn nghiêng về doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI đang chiếm một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân của nước ta và áp đảo ở mảng xuất khẩu cà phê chế biến sâu.
“Chỉ 4 - 5 doanh nghiệp FDI nhưng lại gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường xuất khẩu của cà phê chế biến sâu khi mỗi nhà máy của họ có công suất lên tới 10.000 tấn/năm, thậm chí có nơi đạt 15.000 tấn/năm” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vifoca) Nguyễn Nam Hải cho biết.
Thực tế, hiện có sự chênh lệch về thế và lực giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Ngoài tiềm lực tài chính mạnh, vay vốn ngoại tệ từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các tổ chức tín dụng quốc tế với lãi suất thấp, doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam còn được ưu đãi về thuế…
Theo Vicofa, trong khi lãi suất tối đa của các doanh nghiệp FDI chỉ 3%/năm thì doanh nghiệp nội dù được ưu đãi cũng phải chịu lãi suất bằng tiền Việt Nam từ 6,5 - 7%/năm. Như vậy các doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà và bị các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần xuất khẩu chi phối.
Hơn nữa, các quy định về hoạt động mua bán cà phê ở nước ta khá “thoáng” so với nước ngoài. Như Indonesia quy định, doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư chế biến cà phê xuất khẩu phải chứng minh đã đầu tư vùng nguyên liệu, thực hành sản xuất cà phê tốt, mới được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận mua nguyên liệu. Nếu trong 3 năm doanh nghiệp không đầu tư được vùng nguyên liệu và không có sản phẩm xuất khẩu sẽ bị thu hồi giấy phép thu mua.
Lực bất tòng tâm
Giá trị một đơn vị cà phê qua chế biến cao hơn cà phê nhân tới 3 lần, vì vậy, cả doanh nghiệp nội và ngoại đều quan tâm tới phân khúc này. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước đang đối diện với rất nhiều khó khăn trong cuộc đua này.
Đã có trong tay 10 nhà máy sản xuất cà phê, giờ đây Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex rất muốn đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến. Nhưng Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex Đỗ Hà Nam cho biết, rất khó tập trung được diện tích đất đai đủ đáp ứng nhu cầu.
Các nông trường đã giao khoán đất cho nông dân, doanh nghiệp đàm phán với nông dân thành công thì nhiều khi lại gặp khó khăn từ phía chính quyền. Hơn nữa, để đầu tư một hệ thống chế biến cà phê hòa tan mới hoàn toàn, công suất 3.000 tấn/năm, chi phí bỏ ra khoảng 30 triệu USD (tương đương 600 tỷ đồng).
Số tiền này khá lớn, khiến không ít doanh nghiệp chấp nhận “khoanh tay”. Nếu mạnh dạn vay vốn đầu tư, việc kiếm tìm và xây dựng được chỗ đứng tại các thị trường xuất khẩu cũng không phải điều đơn giản đối với doanh nghiệp trong nước.
Thị trường cà phê hòa tan thế giới tăng trưởng nhanh trong những năm qua và được các tổ chức thị trường dự báo tiếp tục sẽ tăng mạnh; nhu cầu tiêu dùng cà phê hòa tan chiếm khoảng 14%, tăng trưởng mỗi năm khoảng 3%, trong khi Việt Nam có lợi thế là quốc gia sản xuất hạt cà phê Robusta lớn nhất thế giới, đây là nguyên liệu chính để chế biến cà phê hòa tan.
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia cũng mang đến cơ hội cho ngành cà phê chế biến sâu khi thuế suất xuất khẩu tại nhiều thị trường sẽ về 0% trong tương lai gần. Để tận dụng cơ hội này, nếu chưa đủ mạnh, trước tiên các doanh nghiệp trong nước cần chủ động bắt tay hợp tác đầu tư, cân đối năng lực, xây dựng nhà máy chế biến cho phù hợp.
Ngoài sự nỗ lực tự thân vận động của doanh nghiệp, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn nữa trong thời gian tới về vốn, đất đai.