Thị trường cho vay tiêu dùng sẽ sớm bùng nổ!
Thị trường cho vay tín chấp, nhất là cho vay tiêu dùng cá nhân hứa hẹn sẽ bùng nổ khi gần đây hàng loạt công ty tài chính thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được mua lại bởi các ngân hàng thương mại trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Thưa ông, gần đây một số ngân hàng thương mại mua lại các công ty tài chính của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Ông bình luận thế nào về động thái này?
Việc các ngân hàng thương mại mua lại các công ty tài chính thuộc các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước là có 3 mục đích.
Thứ nhất, là nhằm thực hiện Nghị quyết 15 của Chính phủ ban hành ngày 15/03/2014. Qua đó, yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là phải thoái vốn từ các định chế tài chính. Nghi quyết 15 yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty ưu tiên bán phần thoái vốn từ các định chế tài chính cho các ngân hàng thương mại. Trong trường hợp các ngân hàng thương mại không mua hết thì mới bán lại cho Ngân hàng Nhà nước hoặc SCIC.
Thứ hai, các ngân hàng thương mại hiện nay đều đang hướng đến việc phát triển thị trường bán lẻ, trong khi đó các công ty tài chính là kênh cho vay tiêu dùng rất tốt. Bản thân các công ty tài chính sẽ chuyên nghiệp hơn so với các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Tất nhiên họ vẫn phải tận dụng hệ thống mạng lưới của các ngân hàng thương mại khi được sáp nhập.
Thứ ba, việc mua lại cũng sẽ giúp các ngân hàng thương mại phát huy nền tảng khách hàng mà công ty tài chính đã gây dựng.
Với những lý do trên, chắc chắn các công ty tài chính sẽ có sự gắn kết chặt chẽ với các ngân hàng sau khi được sáp nhập vào ngân hàng thương mại.
Với việc mở rộng kênh cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi như thế nào, thưa ông?
Lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng chính là họ sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn của hệ thống tài chính, bởi vì công ty tài chính chủ yếu cho vay tiêu dùng và họ cho vay tín chấp là chính. Khi đó, người tiêu dùng sẽ không cần tài sản đảm bảo.
Tất nhiên với hình thức này rủi ro cho các công ty tài chính sẽ cao hơn, do đó có thể lãi suất cũng sẽ cao hơn. Chính vì thế người tiêu dùng cũng phải hết sức tỉnh táo trong việc tiếp cận với từng khoản vay cũng như với công ty tài chính mà họ lựa chọn.
Tôi cho rằng trong cuộc chạy đua khốc liệt như hiện nay công ty tài chính nào đưa ra mức lãi suất tốt nhất sẽ có lợi thế nhất.
Theo ông, để giúp thúc đẩy tốt hơn cho thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian tới, hành lang pháp lý sẽ phải hoàn thiện theo hướng nào?
Hành lang pháp lý lĩnh vực tín dụng nói chung hiện đã khá kiện toàn, nhất là trong việc kiểm soát rủi ro. Tuy nhiên, với riêng dịch vụ cho vay tiêu dùng, có lẽ cũng cần phải tiếp tục hoàn thiện một số cơ chế chính sách. Ví dụ như, hiện nay nhận thức về luật pháp của chúng ta về người đi vay và bên cho vay có sự khác biệt so với thông lệ quốc tế.
Về cơ bản luật pháp của Việt Nam bảo vệ những người đi vay, kể cả trường hợp những người đi vay đó vi phạm pháp luật. Trong khi đó, ở các nước phát triển, luật pháp luôn bảo vệ bên bị hại, mà bên bị hại có thể là người đi vay, cũng có thể là bên cho vay, nghĩa là các công ty tài chính. Chính vì vậy, hướng đi tiếp theo là chúng ta cần hoàn thiện thêm về hành lang pháp lý đối với cho vay nói chung. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn cụ thể hơn để phân biệt giữa cho vay thương mại và cho vay tiêu dùng, bởi hai lĩnh vực này có đặc thù rất khác nhau.
Quan trọng nhất, là cần có hướng dẫn chi tiết hơn về tính minh bạch thông tin trong quá trình cho vay tiêu dùng. Khách hàng có thể chấp nhận mức lãi suất mà công ty tài chính đưa ra; công ty tài chính cũng cần làm rõ mức phí là bao nhiêu, tiền phạt là bao nhiêu, việc cho vay tín chấp lãi suất cao hơn thực tế là bao nhiêu… Đó là những thông tin khách hàng cần minh bạch ngay từ đầu đối với công ty tài chính. Đặc biệt, các công ty tài chính cần có sự tư vấn cho khách hàng về khoản vay của họ.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước có nên áp dụng lãi suất trần đối với lĩnh vực vay tiêu dùng?
Tôi nghĩ hoàn toàn không nên. Lãi suất là phải tuân theo cơ chế thị trường. Lãi suất được ví như giá cả của một loại hàng hóa. Nếu như rủi ro cao thì đương nhiên lãi suất phải cao.
Nếu áp trần lãi suất thì lập tức chúng ta đã làm méo mó thị trường và đi ngược lại với tinh thần hội nhập của Hiệp định TPP. Đối với các điều khoản của TPP, Nhà nước sẽ phải hạn chế can thiệp thị trường. Thứ hai, việc định giá lãi suất bao nhiêu nên để cho công ty tài chính và khách hàng tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, khách hàng cũng cần thông minh hơn hoặc có thông tin minh bạch hơn để có thể đàm phán lãi suất, có thể hiểu về lãi suất; đặc biệt hiểu thế nào về lãi suất quá cao theo kiểu lãi suất tín dụng đen để mà phòng tránh. Nếu như các công ty tài chính cho vay lãi suất quá cao thì cơ quan quản lý cũng cần phải vào cuộc.
PV: Xin cảm ơn ông!