Thị trường chứng khoán còn nhiều tiềm năng phát triển bền vững

Theo Anh Minh/baochinhphu.vn

Nhìn lại những vụ việc trên thị trường chứng khoán cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, thị trường cần nhất là sự trong sạch, minh bạch. Bên cạnh đó, các biện pháp chấn chỉnh thị trường cần phải đi đôi với việc hoàn thiện chính sách, khôi phục niềm tin vào một thị trường bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là ý kiến được các chuyên gia trao đổi tại các buổi toạ đàm về thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa qua.

Thị trường chứng khoán gặp lỗi, nhưng nền tảng vĩ mô vẫn ổn định

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định TTCK Việt Nam đã phát triển "nóng" giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, điều này cũng không phải quá mới vì tình hình này đã diễn ra cả ở Việt Nam và thế giới gian đoạn trước đây.

Trước diễn biến thị trường hiện nay, ông Lê Xuân Nghĩa vẫn tin tưởng TTCK Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phát triển cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới.

Một trong những căn cứ vị chuyên gia này nhận định như vậy là về kinh tế vĩ mô Việt Nam phục hồi nhanh, ổn định. Đây là điểm tựa vô cùng quan trọng với TTCK, bởi thị trường vẫn sẽ rất tiềm năng nếu kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh và mạnh, nhất là ở các ngành dịch công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng nhà đầu tư không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt. Hiện thị trường bức xúc khi các nhóm "thổi giá" hoạt động mạnh mẽ mà không có động thái giám sát, cảnh báo vì những động thái này sẽ giúp tránh được hiện tượng mất niềm tin thị trường.

"Điểm yếu lớn nhất thị trường hiện nay là chưa thực sự minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính khi phát hành thì trong tương lai, số người tham gia thị trường sẽ còn nhiều hơn", ông Lê Xuân Nghĩa nói.

Về tiềm năng, vị chuyên gia này cho rằng, hiện mới chỉ có khoảng 3% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán. Trong khi con số này tại một số nước trong khu vực như Thái Lan hay trên thế giới như Mỹ… cao hơn hàng chục lần.

Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo nhà đầu tư song song với hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch định hướng phát triển.

Xây dựng cơ chế cho "cá sạch"

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC phân tích: có câu nói "nước trong thì không có cá". Nhưng với riêng TTCK, làm xanh sạch thị trường là ưu tiên hàng đầu.

"Trong sạch không làm mất con cá nào mà có cá sạch, cá an toàn và cá ngon hơn, đây cũng là một bài toán không dễ", ông Trương Thanh Đức nói.

Để quản lý tốt hơn, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ chứ không nên để thuộc Bộ Tài chính như lâu nay. Vì TTCK dù sao cũng có tính rủi ro cao hơn không thể để cùng sự quản lý với một bên là ngân sách vốn có rủi ro thấp nhất, an toàn nhất.

"Trong tương lai, nếu UBCKNN được độc lập, có đủ tài lực, nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể tạo được nền tảng TTCK minh bạch", ông Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Về thị trường TPDN, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải hoàn chỉnh các thể chế, chính sách, nhất là Nghị định 153 sửa đổi, quy định điều kiện được phát hành trái phiếu, do ở ta hầu hết là DN nhỏ và vừa. Đồng thời, cần phải quy định vốn vay/vốn chủ sở hữu, cân đối giữa vốn vay ngân hàng và vốn chủ sở hữu ở mức hợp lý.

Rồi quá trình DN thành lập bao nhiêu năm hay các vấn đề liên quan như DN có lãi hay không có lãi… Ngoài ra, nếu có xếp hạng tín nhiệm đầy đủ sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn DN phát hành.

Trước mắt, cần quy định các DN phát hành trái phiếu cần xếp hạng tín nhiệm trong khoảng thời gian ngắn, đi cùng với các chính sách khuyến khích phát triển các DN xếp hạng tín nhiệm.

Cần phải chú trọng phát triển TTCK chưa chính thức (OTC), quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các DN niêm yết. Đây là những vấn đề rất quan trọng nhằm tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát.

Nhấn mạnh yêu cầu bắt buộc DN phát hành trái phiếu phải có đánh giá tín dụng, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital cho rằng thị trường TPDN là kênh chia lửa cho thị trường ngân hàng.

"Tôi cho rằng khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hay quá lỏng mà cần có cơ chế thị trường để họ tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu. Ở điều kiện tối thiểu nhất của phát hành TPDN thì cần đánh giá tín dụng. Thậm chí bắt buộc tất cả những DN phát hành trái phiếu đều bắt buộc phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này", ông Lê Anh Tuấn bày tỏ ý kiến.

Còn ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đông Á cho rằng thời gian qua, DN phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư là phát hành. Điều này cho thấy hình thức phát hành này quá dễ dàng. Còn khi phát hành đại chúng phải thông qua UBCKNN, phải được phê duyệt phương án phát hành thì sẽ khó khăn hơn nhiều.

Đó là nguyên nhân hầu hết DN bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân… Chưa kể, chất lượng hậu kiểm là DN phát hành có sử dụng nguồn tiền đúng mục đích không.

Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng ngay quy định về các nhà đầu tư chuyên nghiệp là cần vốn khoảng 2 tỷ đồng trở lên thì các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối cũng có thể dễ dàng lách luật giúp chuyển thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

"Thực tế, dù có mác "chuyên nghiệp" nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính, không hiểu biết về DN mà chỉ thông qua kênh môi giới. Chưa kể, các tập đoàn lớn không đứng ra phát hành TPDN thông qua công ty con, không có thương hiệu, còn người mua trái phiếu chỉ nhìn tập đoàn lớn là rất rủi ro...

Do đó, cần quy định để kiểm soát được điều kiện phát hành trái phiếu, nếu không các tập đoàn đều không đứng ra phát hành mà chỉ sử dụng công ty con, là hình thức mượn kẽ hở của pháp luật", ông Huỳnh Anh Tuấn góp ý.