Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục giao dịch trong tháng 7


Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong tháng 7 tăng so với tháng trước. Theo đó, khối lượng giao dịch bình quân đạt 212.623 hợp đồng, tăng 18,59% so với tháng trước.

Bất chấp dịch COVID-19 bùng phát trở lại, TTCK phái sinh Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới cả về khối lượng giao dịch và hợp đồng mở.
Bất chấp dịch COVID-19 bùng phát trở lại, TTCK phái sinh Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới cả về khối lượng giao dịch và hợp đồng mở.

Phiên có khối lượng giao dịch cao nhất đạt 356.033 hợp đồng vào ngày 29/7, tăng 16,7% so với mức cao nhất trong tháng 6. Đây cũng là mức cao nhất kể từ khi khai trương thị trường, vượt qua kỷ lục trước đó về khối lượng giao dịch trong phiên.

Tháng 7, khối lượng hợp đồng mở (OI) tiếp tục tăng mạnh 40,43% so với tháng trước và tại ngày giao dịch cuối cùng của tháng, OI đạt 38.001 hợp đồng. Đây cũng là mức OI cao nhất từ trước đến nay. 

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng lên. Tại thời điểm cuối tháng 7, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 132.274 tài khoản, tăng 4,86% so với tháng trước.

Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục giao dịch trong tháng 7 - Ảnh 1

Như vậy, bất chấp dịch COVID-19 bùng phát trở lại đe dọa đến triển vọng tăng trưởng của thị trường, trong tháng 7, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới cả về khối lượng giao dịch và hợp đồng mở.

Về giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, trong tháng 7 có 9 hợp đồng được giao dịch. Các giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ đều do các tổ chức trong nước thực hiện.

Tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước duy trì ở mức tương tự tháng trước, chiếm 85,94% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng giữ ở mức gần tương đương, chiếm 13,47% toàn thị trường. Tỉ trọng giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán giảm mạnh so với tháng trước, chỉ chiếm 0,66%. Phần còn lại là của các tổ chức khác.

Khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 7 giảm so với tháng trước, chiếm 0,59% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.