Thị trường chứng khoán tháng 3/2017: Tiếp tục chu kỳ tích lũy

Theo Tạp chí Chứng khoán số T4/2017

Bức tranh thị trường chứng khoán (TTCK) quý I/2017 vốn đã được tô điểm bởi những gam sáng màu trong hai tháng 1 và 2, lại càng sáng hơn trong tháng 3 khi chỉ số VN Index liên tiếp chuyển mình chinh phục những đỉnh mới (kể từ năm 2008) ở các mốc 710 điểm, 715 điểm, 720 điểm và đạt 722,31 điểm ngày 31/3, tăng 8,66% so với đầu năm 2017. Trước sự tăng điểm bền bỉ và chắc chắn của thị trường trong suốt 3 tháng đầu năm nay, kể cả khi thị trường có những thông tin bất lợi từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản lên thêm 0,25%, cộng hưởng với niềm tin vào môi trường đầu tư ở Việt Nam đang dần tốt lên, giới phân tích cho rằng nhà đầu tư có thể kỳ vọng về một đợt sóng tích lũy trong quý II/2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Diễn biến chung của thị trường tháng 3

Thị trường bước vào những phiên giao dịch của tháng 3 đã xuất hiện hai thông tin bất lợi, trước hết là kỳ tái cơ cấu danh mục đầu tiên của hai quỹ ETF ngoại trong năm 2017 được dự báo sẽ làm xáo trộn đáng kể đến TTCK; tiếp đó, thông tin về FED sẽ tiếp tục họp vào giữa tháng 3 để đưa ra quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, từ mức 0,75% lên 1% cũng lại là một yếu tố bất lợi đối với các TTCK mới nổi như thị trường Việt Nam bởi các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có thể rút vốn để quay về đầu tư ở nước sở tại.

Giới phân tích cho rằng, với việc FED tăng dần lãi suất và hoạt động tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF, chỉ số VN Index dự kiến sẽ có diễn biến sôi động và ít nhiều gặp thử thách trong các phiên giao dịch của tháng 3.

Trên thực tế, thị trường đã bị điều chỉnh giảm trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của tháng trước sự rung lắc bởi nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn và các mã Blue chips. Theo đó, chỉ số VN Index đã đánh mất mốc 710 điểm được thiết lập từ giữa tháng 2, xuống còn 707,5 điểm tại phiên 2/3.

Các phiên giao dịch tiếp sau đó, thị trường không có nhiều chuyển biến mới khi vẫn đi ngang trong xu thế giằng co kéo dài đến hết tuần thứ 2 của tháng 3, đồng thời thanh khoản theo đó cũng bị sụt giảm so với tháng 2. Nhưng điều dễ dàng nhận thấy là chỉ số VN Index vẫn âm thầm nhích nhẹ để tịnh tiến lên mốc 720 điểm.

Theo giới quan sát, trong cung đoạn này, thị trường dường như chịu sự chi phối trực tiếp của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các mã Blue-chips. Sự phân hóa của các nhóm cổ phiếu này đã tác động nhiều đến xu hướng tăng/giảm điểm của VN Index và HNX Index.

Còn việc FED tăng lãi suất, đối với thị TTCK Mỹ, có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều do tâm lý nhà đầu tư tại Mỹ đang được hậu thuẫn bởi những tin tức kinh tế tích cực và diễn biến chỉ số DJ có thể cũng đã phản ánh phần lớn kỳ vọng trên.

Tuy nhiên, đối với các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam, thì tác động từ quyết định của FED có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực nhưng sẽ có độ trễ, đặc biệt ở khía cạnh nhà ĐTNN rút vốn do biến động của lãi suất và tỷ giá. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần có sự thận trọng nhất định trước khả năng FED tăng lãi suất trong thời điểm hiện tại.          

Bên cạnh đó, TTCK trong nước trong các phiên đầu tháng được dự báo sẽ phải chịu tác động mạnh từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF. Tuy nhiên, qua quan sát diễn biến TTCK trong tháng 3 có thể thấy, chỉ số VN Index ngày càng ít chịu ảnh hưởng bởi hoạt động mua bán của hai quỹ trên.

Một là do nhà đầu tư trong nước cũng đã dự báo được phần lớn các cổ phiếu được thêm vào hay bớt ra. Hai là khối lượng mua/bán của quỹ ETF tại từng cổ phiếu cũng không thật sự quá lớn, lực cầu từ nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đủ sức “cân” lại nên khó có khả năng cổ phiếu sẽ tăng trần hoặc giảm sàn hàng loạt.

Chính vì vậy, bắt đầu từ phiên giao dịch ngày 20 - 27/3 (ngoại trừ phiên 22/3 thị trường bị điều chỉnh giảm), thị trường đã ghi nhận một đợt sóng ngắn với sự bứt phá mạnh của các chỉ số chứng khoán. Đáng chú ý, tác động tới thị trường trong thời điểm này là sự “hé mở” về kết quả kinh doanh của quý I/2017 khá khả quan của những “ông lớn” trên thị trường như bất động sản, cao su, vật liệu xây dựng… tạo thành một chất xúc tác khá mạnh cuốn dòng tiền vào thị trường, nhờ đó sắc xanh đã tiếp tục lan tỏa trên diện rộng với hầu hết các nhóm cổ phiếu.

Mặt khác, tại thời điểm này, một lượng tiền khá lớn cũng được đổ về thị trường để đón nhận sự gia nhập hoặc chuẩn bị gia nhập TTCK của các doanh nghiệp lớn như: VJC (Vietjet Air), FOX (FPT Telecom), VIB (VIBank), hay PLX (Petrolimex)… Sự tham gia của các mã cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp lớn này không chỉ giúp số lượng và chất lượng hàng hóa trên TTCK được gia tăng đáng kể, mà còn tạo nên sự thay đổi không nhỏ trong cơ cấu vốn hóa TTCK, cũng như chỉ số chung.

Và thành quả ghi nhận được là rất ấn tượng sau hơn 2 tháng miệt mài leo dốc, cuối cùng tại phiên giao dịch ngày 24/3, lần đầu tiên sau 9 năm chờ đợi, chỉ số VN Index đã phá vỡ hoàn toàn ngưỡng kháng cự cứng 720 điểm, đóng cửa phiên này ở mức 722,14 điểm.

Đặc biệt tại phiên 27/3, VN Index lại tiếp tục ghi mốc mới ở 732,52 điểm. Mặc dù trong 3 phiên cuối tháng 3, thị trường có vẻ như chững lại trước thông tin không mấy khả quan về tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng, chỉ ở mức 5,1% trong quý I/2017, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây (quý I/2015 là 6,12%; quý I/2016 là 5,48%).

Cùng với đó là áp lực lạm phát tăng khi CPI quý I/2017 lại tăng cao nhất trong 3 năm qua: CPI bình quân quý I/2017 tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức của cùng kỳ 3 năm gần đây. Trong khi mục tiêu cả năm nay là kiềm chế lạm phát bình quân ở mức 4%. Tuy nhiên, VN Index kết thúc phiên cuối tháng 3 vẫn đạt mức tăng nhẹ 0,02% so với phiên trước đó, đóng cửa thị trường ở mức 722,31 điểm.

Còn tại HNX, chỉ số HNX Index đã vượt mức 90 điểm tại phiên giao dịch ngày 21/3 và thiết lập đỉnh của tháng 3 ở mức 91,38 điểm tại phiên giao dịch ngày 27/3. Thanh khoản thị trường trong các phiên cuối tháng 3 vẫn khá dồi dào, tính riêng trong tổng 10 phiên giao dịch cuối tháng (tính từ ngày 20 - 31/3), giá trị giao dịch (GTGD) bình quân mỗi phiên trên 2 sàn HOSE và HNX đạt trên 4.187 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ).

Như vậy, TTCK tháng 3 kết thúc 23 phiên giao dịch, trong đó, tại HOSE có 15 phiên tăng điểm và 8 phiên giảm điểm. Chỉ số VN Index tăng 1,6% so với tháng 2; Còn tại HNX, chỉ số HNX Index chỉ có 4 phiên giảm trong khi số phiên tăng là 19 phiên.

HNX Index đóng cửa tháng 3 ở mức 90,82 điểm, tăng 4,5% so với cuối tháng 2. GTGD bình quân toàn thị trường trên 2 sàn HOSE và HNX đạt 4.399 tỷ đồng/phiên, trong khi GTGD bình quân mỗi phiên của tháng 1 đạt trên 2.000 tỷ đồng/phiên và tháng 2 đạt trên 3.000 tỷ đồng/phiên.

Điều đáng chú ý trong tháng là biên độ tăng điểm thị trường được chia đều trong các phiên giao dịch chứ không tăng một cách đột ngột mặc dù dòng tiền chảy vào thị trường khá mạnh, thêm vào đó, dòng tiền cũng có sự luân chuyển đều đặn giữa các nhóm ngành lớn như ngân hàng, bất động sản, cao su… tạo nên sự ổn định cho thị trường.

Trong tháng 3, nhà ĐTNN đã mua ròng khá mạnh mẽ trên 2 sàn HOSE và HNX, giá trị mua ròng lên tới gần 2.181,2 tỷ đồng (trong khi cả tháng 1 và 2 chỉ mua ròng 1.358,7 tỷ đồng). Tính chung trong quý I/2017, các nhà ĐTNN đã mua ròng trên TTCK Việt Nam đến gần 3.576,9 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán tăng nhờ chính sách vĩ mô

Kể từ đầu năm 2017 đến nay, VN Index đã tăng 8,66%. Một điều khá bất ngờ nữa là trong cả sóng tăng 4 tháng tính từ tháng 12/2016 đến nay, thị trường chưa hề có một nhịp điều chỉnh sâu nào, các nhịp điều chỉnh đều diễn ra rất ngắn và nhẹ. Cụ thể, cuối tháng 12/2016, VN Index điều chỉnh lần đầu tiên trong 6 phiên và giảm 1,88%.

Lần điều chỉnh thứ hai diễn ra trong tháng 1 chỉ với 3 phiên giao dịch, chỉ số VN Index giảm 1,31%. Lần điều chỉnh thứ 3 diễn ra vào cuối tháng 2 trong 7 phiên giao dịch, chỉ số VN Index giảm 1,36%. Ngoài ra, thị trường chỉ có các phiên tăng giảm xen kẽ, không thành một xu thế rõ rệt.

Theo các chuyên gia phân tích, việc thị trường tăng liên tục và không có điều chỉnh thật sự đã phản ánh tâm lý kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư. Có thể thấy rất rõ không chỉ ở đà tăng, mà còn ở thanh khoản thị trường được duy trì với quy mô rất lớn kể đầu năm 2017 đến nay.

Thị trường trong tháng 3 đã ghi nhận những ngày giao dịch như ngày 20 - 22/3 với tổng GTGD bình quân đạt trên 5.181 tỷ đồng/phiên, riêng phiên giao dịch ngày 22/3, tổng GTGD trên 2 sàn đạt tới 5.680 tỷ đồng.

Sự lạc quan này, theo các nhà phân tích, chủ yếu xuất phát từ sự ổn định của kinh tế vĩ mô cũng như sự ổn định của tỷ giá USD/VND. Hiện TTCK Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn đối với dòng vốn ĐTNN, nếu tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định, thị trường có thể có sức bật mạnh nhờ đòn bẩy từ dòng tiền của nhà ĐTNN.

Theo giới chuyên môn, năm 2017 là năm đặc biệt của Việt Nam khi vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được quyết liệt đẩy mạnh. Nhất là chủ trương tiếp tục đẩy mạnh chương trình CPH gắn với đăng ký giao dịch/niêm yết trên TTCK, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình “chây ỳ” lên sàn.

Điển hình như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định chắc chắn sẽ siết chặt thời gian CPH, nếu không thực hiện được thì không chỉ xử lý hành chính mà sẽ xử lý quyết liệt đối với người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp thiếu trách nhiệm để kéo dài quá trình CPH.

Theo đó, lượng hàng hóa cung cấp trên TTCK sẽ đa dạng hơn những năm trước đây. Các yếu tố này cộng với mục tiêu điều hành tỷ giá ổn định sẽ giúp nền kinh tế đón chờ thêm dòng tiền mới từ nước ngoài chảy vào Việt Nam.

Ẩn số thị trường chứng khoán tháng 4

TTCK trong 4 phiên giao dịch đầu tháng 4 vẫn đang trong xu hướng tăng điểm, VN Index đang biến động trên ngưỡng 720 điểm và thanh khoản đang duy trì ổn định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, sự tăng giá cổ phiếu từ đầu năm đến nay phần nào đã phản ánh tình hình hoạt động kinh doanh khả quan của doanh nghiệp niêm yết.

Không thể phủ nhận được là thị trường đang trong một xu thế tăng vững chắc và mạnh mẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, với tính chu kỳ của TTCK thì chưa có một xu thế nào tăng mãi mà không có điều chỉnh.

Mặt khác, mặc dù TTCK toàn cầu cũng như Việt Nam phản ứng khá tích cực sau động thái nâng lãi suất của FED trong tháng 3 vừa qua, nhưng không thể phủ nhận việc tăng lãi suất cơ bản tại Mỹ sẽ tạo nên tác động tiêu cực trong trung và dài hạn, ảnh hưởng đến dòng vốn ĐTNN đang hoạt động tại các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, tác động này có thể không đến ngay trong tháng 4 hay quý II tới, bởi việc tăng lãi suất của FED thường được cân nhắc cẩn trọng và thực thi theo lộ trình.

Hiện nay, có hai nhóm thông tin quan trọng nhất có thể ảnh hưởng tới thị trường trong tháng 4 là kết quả kinh doanh quý I/2017 và mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).

Theo đó, những thông tin tại ĐHĐCĐ như mục tiêu kinh doanh, dự kiến tỷ lệ chia cổ tức, kế hoạch tăng vốn, huy động vốn... của doanh nghiệp sẽ rất đáng được chú ý. Với những thông tin này, nhà đầu tư có thể phần nào ước lượng được triển vọng của doanh nghiệp trong cả năm để đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn.