Thị trường chứng khoán: "Trong nguy có cơ"

Theo Tả Phù/nhadautu.vn

Những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine được VnDirect coi là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho tầm nhìn 3 – 12 tháng tới.

Ảnh: Trọng Hiếu.
Ảnh: Trọng Hiếu.

Ngày 24/2, chỉ số VN-Index giảm xuống mức thấp nhất trong tháng (1.472 điểm) do căng thẳng địa chính trị ở Ukraine. Dù vậy, ở phiên giao dịch cuối tháng, VN-Index đã hồi phục và đóng cửa ở mức 1.490 điểm, tương đương tăng 0,8% so với thời điểm đầu tháng. Thanh khoản suy yếu sau kỳ nghỉ Tết với khối lượng giao dịch bình quân trên 3 sàn là 25.956 tỷ đồng/phiên (giảm 22,4% so với tháng trước).

Trong khi đó, HNX-Index và UPCOM-Index tăng lần lượt 4,2% và 3% so với đầu tháng. Kể từ đầu năm 2022, HNX-Index giảm 8,3% trong khi UPCOM-Index tăng 0,3%.

CTCP Chứng khoán VnDirect nhìn nhận, ảnh hưởng từ chiến sự tại Ukraine là một trong những yếu tố ảnh hưởng với thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, công ty này cũng chỉ ra rằng chiến tranh và căng thẳng địa chính trị phần lớn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, khoảng 2-3 tuần sau khi sự kiện diễn ra. Thị trường Việt Nam, cùng với thị trường chứng khoán ASEAN dường như ít bị ảnh hưởng trong những thời điểm diễn ra chiến sự và xung đột địa chính trị. Do đó, VnDirect nhìn nhận bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng có thể tạo ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt.

NDT - TTCK phan ung tieu cuc

Ảnh: VnDirect.

Yếu tố thứ hai VnDirect cho rằng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán là việc FED bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo khảo sát của CME Group, thị trường kỳ vọng FED có thể nâng lãi suất điều hành ít nhất 125 điểm cơ bản vào năm 2022, từ tháng 3/2022.

VnDirect nhìn nhận vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể tiếp tục bị hút ròng trong nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng của “taper tantrum” - hiện tượng xảy ra năm 2013 khi FED mới chỉ phát tín hiệu về thu hẹp các biện pháp kích thích đã tung ra để đối phó với khủng hoảng tài chính từ 5 năm trước nhưng lại khiến thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển, các tài sản ồ ạt bị bán tháo.

Tuy vậy, VnDirect đánh giá ảnh hưởng từ việc FED thắt chặt khó có thể gây ra sự điều chỉnh đáng kể đến chứng khoán Việt Nam, do thị trường trong nước được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, như: Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế; đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vì Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với nhiều nhà sản xuất trên thế giới khi theo đuổi chiến lược Trung Quốc+1; và dòng vốn trong nước đổ mạnh vào thị trường chứng khoán.

"Trong nguy có cơ”, VnDirect cũng chỉ ra nhiều yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán.

Trước hết, Việt Nam tăng cường mở lại các chuyến bay và du lịch quốc tế. Đây sẽ trở thành động lực cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của ngành dịch vụ nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung. Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 65 triệu khách du lịch vào năm 2022, trong đó du khách quốc tế là 5 triệu (từ mức gần bằng 0 trong năm 2021) và du khách nội địa là 60 triệu (tăng 50% so với cùng kỳ). Theo Tổng cục Du lịch, tổng nguồn thu từ du khách năm 2022 ước tính đạt 400.000 tỷ đồng (tăng 122,2% so với cùng kỳ). Đây là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành hàng không và bán lẻ.

Thứ hai, mùa ĐHĐCĐ thường niên bắt đầu với kế hoạch kinh doanh năm 2022 dần được hé lộ. VnDirect kỳ vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE trong năm nay sẽ tăng trưởng 23% so với năm ngoái. 

Trong năm 2021, lãi ròng các công ty niêm yết trên 3 sàn chứng khoán tăng 41,9% so với năm 2020 (số liệu lấy trên BCTC quý IV/2021). Tính riêng sàn HoSE, lợi nhuận các công ty niêm yết tăng 38,7%.

Cuối cùng, VnDirect cho rằng định giá thị trường Việt Nam hấp dẫn với tầm nhìn dài hạn. Cụ thể, tại thời điểm 22/2/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 17,1 lần, tương đương với P/E trung bình một năm là 17,2 lần. VN-Index duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận năm tài chính 2022/2023 ở mức lần lượt là 23% và 19% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các lĩnh vực định hướng xuất khẩu và sự phục hồi trở lại của dầu khí và bất động sản.

Do đó, theo quan điểm của VnDirect, định giá thị trường vẫn ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt được ước tính là 13,9 lần và 11,8 lần (thấp hơn P/E trung bình 3 năm gần nhất là 16,2 lần).

Nên đầu tư nhóm ngành nào?

VnDirect kỳ vọng rằng VN-Index có thể giao dịch trong khoảng 1.460-1.560 điểm trong tháng 3/2022. công ty này cũng nhận xét, thị trường điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ trung hạn trong vòng 3-12 tháng tới.

Với ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine, VnDirect nhận định lĩnh vực dầu khí sẽ hưởng lợi nhất, do việc giá dầu dự kiến tăng mạnh sẽ không chỉ thúc đẩy tâm lý giá cổ phiếu trong ngắn hạn mà còn cải thiện triển vọng của ngành trong dài hạn vì nó có thể thúc đẩy các hoạt động thăm dò & khai thác (E&P), củng cố nền tảng của ngành.

Ngành thép cũng được VnDirect xướng tên. Theo đó, các nhà xuất khẩu thép hàng đầu Việt Nam có cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ tại EU trong thời gian tới. Số liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), Nga và Ukraine đã sản xuất 97,4 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép vào năm 2021. Đặc biệt tại EU, Nga-Ukraine lần lượt là các nhà xuất khẩu thép lớn thứ 2 - 4 sang khu vực này trong năm qua, với khoảng 21% tổng lượng nhập khẩu, theo Eurofer. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam vào năm 2021.

Một số lĩnh vực khác được đánh giá hưởng lợi là phân bón, thủy sản.

Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực là dầu ăn, thức ăn chăn nuôi, hàng không, điện khí, nhiệt điện.