Thị trường chứng khoán Việt Nam: 20 năm phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng
Sau 20 năm từ ngày đi vào vận hành, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lớn mạnh cả quy mô và chất lượng
Ngày 26/11/1996, Ủy ban Chứng khoán nhà nước được thành lập với nhiệm vụ ban đầu là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hình thành thị trường chứng khoán. Thực hiện chủ trương về xây dựng Thị trường chứng khoán trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 thông qua vào năm 1996, sau một thời gian tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở pháp lý và cơ sở vật chất, ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã được chính thức khai trương, đánh dấu sự ra đời chính thức của thị trường chứng khoán ở Việt Nam.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán đã không ngừng lớn mạnh. Từ một Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cách đây 20 năm, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và một Trung tâm Lưu ký Chứng khoán vận hành các hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán một cách thông suốt, an toàn, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hiệu quả của thị trường.
Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán và các thành viên thị trường tiếp tục đổi mới, xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, an toàn, minh bạch, hiệu quả, ngày càng trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho nền kinh tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Cơ cấu của thị trường cũng từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu lúc ban đầu, đến nay đã có thêm các thị trường mới giao dịch trái phiếu chính phủ và thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh với quy mô tăng trưởng vượt bậc đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và Chính phủ.
Trong đó, thị trường cổ phiếu đến nay đã có trên 1600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP. Thị trường trái phiếu Chính phủ mới chính thức ra đời được hơn 10 năm nhưng đã nhanh chóng khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ, hỗ trợ cho việc huy động trái phiếu Chính phủ được nhiều hơn, chủ động hơn. Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới ra đời được hơn 3 năm nhưng đã phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng giao dịch bình quân đạt 3,3 lần/năm, cung cấp thêm các công cụ đầu tư và quản lý rủi ro hữu hiệu.
Thị trường chứng khoán cũng góp phần quan trọng vào thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thị trường đã thu hút ngày càng đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, từ mức 3000 tài khoản năm 2000 lên mức 2,5 triệu tài khoản trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có khoảng 33.000 tài khoản của các tổ chức và cá nhân nước ngoài với tổng giá trị chứng khoán nắm giữ tương đương gần 35 tỷ USD tính đến 30/6/2020.
Cùng với đó, hệ thống các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán ngày càng hoàn thiện, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp. Công nghệ giao dịch, thanh toán phục vụ cho giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư đã được cải tiến không ngừng. Công tác quản lý thanh tra, giám sát thị trường đã được củng cố, tăng cường theo nhu cầu phát triển của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vươn xa hơn nữa
Nhìn lại chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định, 20 năm giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ một thị trường sơ khai, non trẻ đã trở thành một thị trường có quy mô đáng kể (so với GDP) trong khu vực với những bước tiến vượt bậc và tin tưởng rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa.
Về phía doanh nghiệp niêm yết, ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HÐQT CTCP Tập đoàn Ðầu tư Thăng Long (TIG) cho rằng, 20 năm qua đã chứng kiến hành trình phát triển mạnh mẽ và những đóng góp to lớn của thị trường chứng khoán cho nền kinh tế đất nước. thị trường chứng khoán đã giúp TIG nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung cải thiện chất lượng quản trị công ty, cũng như gia tăng quy mô vốn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của TIG được lan tỏa rộng đến cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế...
"Sau chặng đường 20 năm phát triển, chúng tôi kỳ vọng, bước sang giai đoạn mới, với hệ thống quy định pháp lý mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có bước phát triển mới cả về lượng và chất." - Ông Nguyễn Phúc Long kỳ vọng.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (20/7/2000-20/7/2020) sáng ngày 20/7/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán và các thành viên thị trường tiếp tục đổi mới, xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, an toàn, minh bạch, hiệu quả, ngày càng trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho nền kinh tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội.