Thị trường chứng khoán Việt Nam 2016: Nhiều kỳ vọng tăng trưởng
Tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2016 mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư với trụ đỡ vững chắc đó là kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng bền vững, đổi mới mạnh mẽ hơn về kinh tế và nhiều chính sách ưu đãi sẽ thu hút dòng tiền trong thời gian tới.
Trụ cột vững chắc cho thị trường chứng khoán phát triển
Theo dự báo của Công ty chứng khoán BSC, kinh tế Việt Nam tiếp tục bước vào chu kỳ tăng trưởng tốt, tạo nền tảng cho TTCK tăng điểm trong năm 2016. Việt Nam có thể trở thành điểm sáng thu hút đầu tư hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, các cam kết cải cách mạnh mẽ trong năm 2016, cũng như những đổi mới trong mô hình tăng trưởng. Đây là những nhân tố sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán phát triển trong thời gian tới.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, kinh tế vĩ mô Việt Nam có thể là điểm sáng, khi GDP dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt, với mức 6,7% - 6,9% trong năm 2016. Ngoại trừ 2 yếu tố có thể biến động tiêu cực là tỷ giá và lãi suất có thể tăng, các chỉ báo khác như chỉ số giá tiêu dùng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng tín dụng... đều duy trì ổn định. Hoạt động sản xuất kinh doanh được dự báo sẽ mở rộng, kết quả kinh doanh cải thiện, sẽ giúp thị trường ổn định, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới.
Nghiên cứu của BSC cho thấy, thị trường dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngành và nhóm cổ phiếu. Những ngành được đánh giá cao trong năm 2016 nhờ yếu tố chu kỳ, chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài và có lợi thế cạnh tranh tốt nhờ các hiệp định thương mại như: bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm, xây dựng và hạ tầng, cảng biển, công nghệ thông tin, dệt may.
Ngoài ra, những cổ phiếu hết room và được mở room cùng với hoạt động thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cũng được kỳ vọng là trụ cột dẫn dắt thị trường trong năm 2016.
Đặc biệt là, năm 2016 cánh cửa hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở với nhiều Hiệp đinh thương mại mà Việt Nam đã và đang ký kết sẽ là nhân tố thu hút dòng vốn ngoại tăng trưởng mạnh mẽ trên TTCK. Nhờ đó, dòng tiền từ khối ngoại, số liệu cho thấy rõ xu hướng NĐT nước ngoài đang giao dịch tích cực ở Việt Nam khi vẫn duy trì mua ròng trong điều kiện TTCK toàn cầu khá xấu.
Về chính sách TTCK và khả năng thực thi, nối tiếp những đột phá về chính sách trong năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)sẽ tiếp tục triển khai tái cấu trúc TTCK, phát triển các sản phẩm mới, kích cầu, khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước, chuẩn bị đưa vào vận hành TTCK phái sinh. Đây là những tiền đề quan trọng để nâng hạng TTCK, là yếu tố ảnh hưởng lớn đến diễn biến thị trường năm 2016.
Những giải pháp mang tính đột phá để phát triển thị trường
Thời gian qua, TTCK đã thể hiện vai trò đắc lực trong việc trong việc thu hút vốn trong và ngoài nước. Cùng với dòng vốn ngân hàng, TTCK đã tạo ra kênh dẫn vốn ngắn hạn và dài hạn cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, năm 2015, Việt Nam huy động được gần 290 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 28% tổng vốn đầu tư toàn xã hội- đây là một mức rất cao. Riêng cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu tăng khoảng 6,6%, huy động trái phiếu đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, quy mô huy động trái phiếu cũng đạt kết hoạch đề ra.
Để tiếp tục phát huy vai trò kênh dẫn vốn của TTCK trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đã chỉ ra những giải pháp căn bản và đồng bộ để phát triển TTCK.
Một là: Cần tiếp tục tái cấu trúc TTCK vì nhìn vào những kết quả tái cấu trúc thị trường trong 3 năm qua đã đạt các kết quả tích cực trên cả 4 trụ cột, góp phần hỗ trợ thị trường phát triển bền vững.
Năm 2016, UBCKNN tiếp tục thúc đẩy và tái cấu trúc trụ cột thị trường để hoạt động lành mạnh và hiệu quả hơn, huy động nguồn vốn tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thực hiện các giải pháp nhằm tăng quy mô thị trường để các tổ chức nước ngoài tham gia, tạo nguồn vốn tốt cho nhà đầu tư.
Nhưng để tăng quy mô thị trường, chúng ta tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa gắn niêm yết đăng ký giao dịch trên thị trường. Áp dụng các chế tài bắt buộc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải lên niêm yết, đăng ký giao dịch.
Hai là: Cải cách thị trường UpCom để tạo sân ban đầu cho các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp mới chưa đủ điều kiện lên niêm yết thì phải lên UpCOm.
UPCoM được ra đời với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư.
Nhờ có thị trường UPCOM, nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp qua hệ thống công bố thông tin của HNX và của doanh nghiệp. Việc giao dịch tập trung cổ phiếu qua hệ thống giao dịch của HNX cũng được thực hiện dễ dàng và an toàn hơn cho cả người mua và người bán.
Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN của Chính phủ, hai văn bản quan trọng và tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường UPCoM cũng đã được ban hành là Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2015/TT-BTC ngày 5/1/2015 của Bộ Tài chính.
Sự đồng bộ trong các quy định của Chính phủ và cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy các công ty đại chúng tham gia thị trường chứng khoán đã giúp UPCoM mở rộng nguồn hàng, góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa trên thị trường. sáu tháng đầu năm nay, UPCoM đã đón nhận 33 doanh nghiệp đăng ký giao dịch mới, và kể từ khi quyết định 51/2014/QĐ-TTg có hiệu lực, đến nay đã có 8 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.
Ba là: Tập trung phát huy biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp như: Nâng hạng thị trường; Cải cách thủ tục hành chính đối vớinhà đầu tư nước ngoài; Triển khai thị trường chứng khoán phái sinh…
Tiếp tục đưa ra những văn bản hướng dẫn để Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đi vào thực tiễn.