Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển

ThS. NGUYỄN DUY LONG - Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

Sau gần 30 năm triển khai, chương trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tính chung, cả nước đã thực hiện cổ phần hoá được khoảng 4.200 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, đây là nguồn cung quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hình thành, phát triển phù hợp theo định hướng, chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

chính sách tạo hàng cho thị trường

Quá trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được triển khai qua nhiều giai đoạn, từ thí điểm tại một vài DN cho đến áp dụng toàn bộ đối với các DNNN không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn, bao gồm cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐKT, TCT) lớn. Quá trình CPH DNNN đã được tổng kết, đánh giá cụ thể trong từng giai đoạn. Trong đó, CPH được xác định là yếu tố then chốt thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển.

Ngược lại, một TTCK phát triển cũng góp phần giúp đẩy nhanh tiến trình CPH. Quá trình CPH DNNN giai đoạn trước năm 2000 đã tạo điều kiện hình thành nguồn hàng cung cấp cho TTCK Việt Nam dưới hình thức các DNNN sau CPH niêm yết trên TTCK và chỉ mới thực hiện dưới hình thức giao dịch chủ yếu tại thị trường thứ cấp.

Giai đoạn 2000-2005 là những bước đi đầu tiên cho sự phát triển của TTCK Việt Nam. Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TP. Hồ Chí Minh chính thức khai trương với chức năng chủ yếu là tổ chức giao dịch cổ phiếu, trái phiếu đủ điều kiện niêm yết giao dịch với 6 công ty chứng khoán và 4 DN niêm yết cùng vài trăm nhà đầu tư. Ba năm sau khi TTGDCK TP. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, Bộ Tài chính, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục chuẩn bị về cơ sở vật chất, để TTGDCK Hà Nội chính thức được ra đời vào ngày 8/3/2005.

Nhằm từng bước kiện toàn và hoàn thiện cấu trúc hạ tầng của TTCK, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg về việc thành lập Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

Nhận thức vai trò quan trọng của TTCK là một kênh huy động vốn dài hạn có hiệu quả cho các DN nói riêng và cho nền kinh tế nói chung, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy và phát triển thị trường này gắn với quá trình cổ phần hóa DNNN. Từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX (năm 2001) đến nay, quá trình CPH DNNN đã hình thành nguồn cung ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp cho TTCK. Để đạt mục tiêu quá trình CPH công khai, minh bạch, gắn với thị trường và thúc đầy TTCK Việt Nam phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 hướng dẫn công tác CPH. Theo đó, quá trình CPH đã góp phần tạo kênh huy động vốn cho các DNNN CPH trên thị trường sơ cấp.

Trên cơ sở quy định tại Nghị định 187/2004/ NĐ-CP và quyết định chuyển UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính để tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán (tại Nghị định số 66/2004/NĐ-CP ngày 19/2/2004), Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1074/QĐ-BTC ngày 05/04/2005 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển TTCK. Theo đó, Ban Chỉ đạo phát triển TTCK của Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn công tác làm việc trực tiếp với các bộ, địa phương có số lượng DNNN CPH lớn để thu thập số liệu, tình hình hoạt động của DN, giới thiệu quy trình niêm yết và xây dựng Đề án về một số giải pháp “tạo hàng” cho thị trường.

Trên cơ sở kết quả tổng hợp, Bộ Tài chính (Cục Tài chính DN) đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về một số giải pháp “tạo hàng” cho TTCK và đã được thể chế hóa tại Quyết định số 528/QĐ-TTg ngày 14/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt danh sách các công ty CPH thực hiện bán đấu giá cổ phần, niêm yết, đăng ký giao dịch tại các TTGDCK Việt Nam.

Cùng với hai văn bản quan trọng trên (Nghị định 187/2004/NĐ-CP và Quyết định 528/ QĐ-TTg), một hệ thống các văn bản liên quan đến quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, CPH DNNN gắn với sự phát triển TTCK đã được Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành như: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg ngày 29/09/2005 mở rộng tỷ lệ tham gia của người nước ngoài vào TTCK Việt Nam lên mức 49% tổng số cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch của một tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTGDCK. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một loạt văn bản liên quan nhằm đơn giản hoá các thủ tục hành chính và tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy các DN tham gia TTCK được thuận lợi.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính cũng đã triển khai nhiều lớp tập huấn, phổ biến và tuyên truyền sâu rộng Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ và các văn bản liên quan đến chứng khoán và TTCK cho các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước và DN thuộc đối tượng triển khai Quyết định 528/QĐ-TTg có đầy đủ thông tin khi chỉ đạo và triển khai tham gia TTCK.

Sau khi có Quyết định số 528/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã thành lập các đoàn công tác xuống từng DN tiềm năng tìm hiểu, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để DN sớm tham gia TTCK (trong năm 2005 đã làm việc với 43 DN, trong đó xác định có 27 DN có có kế hoạch niêm yết/đăng ký giao dịch vào năm 2006 và năm 2007); Đồng thời, tập trung chỉ đạo hướng dẫn các TTGDCK hoàn thiện các chính sách, quy chế liên quan, mở rộng cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu đấu giá bán cổ phần của các DN CPH.

Mặt khác, để tăng lượng hàng hoá cho TTCK Bộ Tài chính đã chỉ đạo tổng công ty Cổ phần Bảo Minh thực hiện đăng ký giao dịch; bán bớt vốn nhà nước tại tổng công ty Cổ phần tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, đồng thời kết hợp thực hiện đăng ký giao dịch tại TTGDCK Hà Nội; Phối hợp với Bộ Công nghiệp chỉ đạo, quyết định bán bớt phần vốn nhà nước tại DN gắn với giao dịch, niêm yết trên TTCK của một số công ty như: Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần Nhựa Tân Tiến, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông…

Tạo sự gắn kết giữa cổ phần hóa với thị trường chứng khoán

Quá trình CPH DNNN giai đoạn này cùng với những chính sách “tạo hàng” đợt đầu cho TTCK Việt Nam có ý nghĩa lớn là tạo ra sự gắn kết giữa CPH và TTCK:

Thứ nhất, TTCK đã trở nên sôi động hơn, khối lượng cổ phiếu bán ra tăng, qua đó có tác động tích cực đến giá trị giao dịch của các cổ phiếu niêm yết tại các TTGDCK và đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Điển hình, trong năm 2005 đã có thêm 78 DN thực hiện đăng ký niêm yết, giao dịch, bán đấu giá tại hai TTGDCK, đưa số lượng DN đã tham gia TTCK lên 104 DN. Kết quả này đã tạo đà cho TTCK phát triển trong các năm sau.

Thứ hai, thúc đẩy công tác CPH có hiệu quả, việc đấu giá bán cổ phần được tiến hành công khai; giá bán cổ phần được hình thành theo cơ chế thị trường; tăng thu cho ngân sách nhà nước và DN. Việc gắn CPH với niêm yết, đăng ký giao dịch tạo điều kiện cho các DN sau khi CPH có được nơi giao dịch, chuyển nhượng cổ phiếu thuận lợi, đảm bảo an toàn.

Giai đoạn 2006-2010 đánh dấu sự kết hợp phát triển TTCK theo chiều rộng và chiều sâu. Trong giai đoạn này, các tiêu chuẩn của thị trường từng bước được nâng cao trên các mặt niêm yết, phát hành, công bố thông tin, quản trị công ty. Các TTGDCK TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được chuyển đổi mô hình hoạt động thành Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX). Năm 2009, thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt và thị trường giao dịch chứng khoán các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chính thức đi vào hoạt động, bước đầu phân định các khu vực thị trường giữa HNX và HOSE, góp phần tăng cung hàng hóa và tăng tính thanh khoản cho TTCK, thu hẹp thị trường tự do và phát triển thị trường trái phiếu.

Quá trình CPH DNNN trong giai đoạn này tiếp tục được thúc đẩy và tạo nguồn cung hàng lớn cho TTCK Việt Nam với những cơ chế bán cổ phần lần đầu trên HOSE và HNX, thu hút được đông đảo nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, trở thành cổ đông trong các DNNN CPH. Việc đưa các DNNN đã CPH lên niêm yết và đăng ký giao dịch trên UPCoM cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế và hiệu quả hoạt động, tạo kênh huy động vốn thuận lợi cho các DNNN sau CPH.

Giai đoạn 2010-2015 đánh dấu sự phát triển thị trường theo chiều sâu và từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Ngày 24/11/2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011- 2020. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN hoàn thiện và bổ sung các văn bản pháp lý, đồng thời quyết liệt triển khai công tác tái cấu trúc TTCK và phát triển sản phẩm mới. Đến nay, công tác tái cấu trúc TTCK về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra theo lộ trình. TTCK phái sinh đã tích cực chuẩn bị để có thể đưa vào vận hành trong năm 2016.

Quá trình tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn này, trọng tâm là CPH DNNN trong đó có những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn như: Dệt may, hàng không, viễn thông… tiếp tục thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển, tạo nguồn cung hàng có quy mô và chất lượng cho các Sở GDCK và đặc biệt với giải pháp yêu cầu toàn bộ DNNN phải đăng ký giao dịch trên TTCK, nếu đủ điều kiện thì phải niêm yết trên các Sở GDCK tại Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg và sau này là quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán.

Với việc gắn kết quá trình CPH với sự hình thành và phát triển TTCK trong thời gian qua, trải qua 15 năm hình thành và phát triển đến nay, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đảm bảo các mục tiêu, vai trò và yêu cầu đặt ra.

Tính riêng giai đoạn từ 2011 đến cuối năm 2014, quy mô huy động vốn qua TTCK đạt khoảng 806 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với giai đoạn 2006- 2010. Bình quân mỗi năm huy động hơn 201 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 26% tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội. Tính đến cuối năm 2014, toàn thị trường đã có 672 DN niêm yết và 02 chứng chỉ quỹ với tổng giá trị niêm yết khoảng 426 nghìn tỷ đồng (tăng 60% so với năm 2011); 167 cổ phiếu của công ty đại chúng đang giao dịch trên thị trường UpCom với tổng giá trị đăng ký giao dịch khoảng 23.000 tỷ đồng. Trên thị trường có 567 mã trái phiếu đang niêm yết với tổng giá trị niêm yết lên tới 656 nghìn tỷ đồng (tăng 139% so với năm 2011). Hơn 50% DN niêm yết hình thành từ CPH DNNN.

Quy mô vốn hóa thị trường tính đến cuối năm 2014 đạt khoảng 31% GDP, tương đương 52 tỷ USD (tăng gấp đôi so với cuối năm 2011 và tăng 17% so với cuối năm 2013). Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 5.500 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với mức giao dịch bình quân năm 2011 (ở mức 1.500 tỷ đồng). Quy mô giao dịch bình quân tăng qua các năm (năm sau tăng so với năm trước): Năm 2012 tăng 33%, năm 2013 tăng 38%, năm 2014 tăng 105%.

Tóm lại, quá trình CPH DNNN là tiền đề cho việc hình thành TTCK ở Việt Nam. Khi TTCK ra đời và phát triển đã hỗ trợ trở lại, thúc đẩy công tác CPH và là kênh huy động vốn có hiệu quả hơn. Việc CPH các tổng công tý và DN quy mô lớn với phương thức đấu giá công khai trên Sở GDCK, TTGDCK đã cung cấp cho TTCK một lượng hàng hoá chất lượng cao, góp phần mở rộng quy mô thị trường, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia; tạo sự ổn định cho thị trường (chất lượng cổ phiếu niêm yết tăng lên), hạn chế tình trạng đầu cơ, chi phối giá cả chứng khoán trên thị trường (do số lượng lớn DN nhiều, quy mô lớn).

Quy mô của các DN này tăng chủyếu từnhu cầu vốn đầu tư ngày càng tăng và khả năng huy động vốn trên TTCK thông qua hình thức phát hành thêm rất tốt. Hầu hết các DNNN sau CPH thực hiện niêm yết đều có những lợi thế nhất định do được thừa hưởng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; đồng thời, cơ chế hoạt động theo mô hình mới cũng năng động hơn nên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh có những chuyển biến tích cực. Nhờđó, hầu hết các DN đều cónguồn giữ lại để tăng vốn điều lệ, hoặc đáp ứng đủ điều kiện cũng như có đủ uy tín để huy động vốn từ các nhà đầu tư thông qua việc phát hành thêm.

Tình hình kết quả kinh doanh của các DN niêm yết sau CPH có chiều hướng tăng qua các năm. Hầu hết các DNNN CPH niêm yết hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận. Tỷtrọng doanh thu vàlợi nhuận của các DNNN CPH niêm yết chiếm khá lớn so với toàn thị trường niêm yết nói chung. Tỷ trọng doanh thu chiếm khoảng 75-80% toàn thị trường, tỷ trọng lợi nhuận sau thuế chiếm từ 77-82% so với toàn thị trường.