Thị trường chứng khoán Việt Nam: Chủ động hội nhập để phát triển

PV.

Năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ các biến động của nền kinh tế thế giới nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn được đánh giá tương đối ổn định và tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành Chứng khoán ngày càng tích cực và chủ động hội nhập để đưa TTCK Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

TPP – Động lực cho thị trường chứng khoán phát triển

Ngày 4/2 vừa qua, Việt Nam đã chính thức tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế nói chung mà còn đối với riêng ngành chứng khoán, việc ký kết hiệp định quan trọng này đã đánh dấu một bước tiến mới của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế từ sau giai đoạn WTO với các cam kết mở cửa thị trường ở mức cao.

Đối với ngành tài chính nói chung và ngành chứng khoán nói riêng, tham gia vào TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng giúp đẩy mạnh sự phát triển và hội nhập của thị trường dịch vụ tài chính, thông qua các cam kết mở cửa thị trường ở mức cao đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt là, khi tham gia TPP, với cơ chế bảo hộ đầu tư cũng được thiết lập với các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà nước, nhà đầu tư và Nhà nước, nguyên tắc đối xử tối thiểu… được quy định một cách cụ thể, bảo đảm tính minh bạch, môi trường cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Đáng lưu ý là cam kết về cung cấp dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới sẽ giúp các công ty quản lý quỹ huy động thêm vốn từ các đối tác TPP, mặt khác thúc đẩy các công ty quản lý quỹ trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ quản lý tài sản.

Bên cạnh đó, cam kết cho phép cung cấp qua biên giới một số dịch vụ chứng khoán giúp tăng chuẩn mực về quản trị công ty, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán tại thị trường Việt Nam. Nhìn một cách tổng quan, TPP và EVFTA tạo ra cơ hội để Việt Nam phân bổ lại nguồn lực trong nước theo hướng hiệu quả hơn, hỗ trợ cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nhận diện thách thức trong hội nhập đối với thị trường chứng khoán

Hiện nay, với việc tham gia hai Hiệp định TPP và EVFTA, TTCK Việt Nam kỳ vọng thu hút hơn nữa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài và nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK nhưng bên cạnh đó, TTCK cũng phải thẳng thắn nhận diện những khó khăn, để biến thách thức thành cơ hội phát triển trong xu thế chung của quốc tế.

Khi tham gia sân chơi chung với các đối tác đã rất phát triển về thị trường dịch vụ tài chính, Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt trong thời gian tới. Thách thức đầu tiên, cũng là một yêu cầu cấp bách đặt ra đối với Việt Nam, là cần rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hiện hành để xác định những nội dung chưa tương thích với các nghĩa vụ của các hiệp định vừa kết thúc đàm phán, từ đó xây dựng lộ trình triển khai ngay khi các hiệp định có hiệu lực.

Bên cạnh những thuận lợi mà các FTA thế hệ mới mang lại đó là những hoạt động trên thị trường chứng khoán liên quan việc cung cấp các dịch vụ mang tính chất xuyên biên giới bao gồm các dịch vụ cung cấp thông tin, chuyển thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới và cam kết về các dịch vụ tài chính mới chưa xuất hiện trên thị trường. Theo đó, cũng đặt ra yêu cầu phải xây dựng các biện pháp quản lý thận trọng, cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm phát triển bền vững thị trường tài chính. Giao dịch xuyên biên giới cũng đòi hỏi sự tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý nước ngoài trong lĩnh vực giám sát tài chính.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế - tài chính ngày càng sâu rộng, hoạt động phối hợp, hợp tác giữa các quốc gia nhằm giám sát, quản lý tài chính càng có ý nghĩa quan trọng, đã trở thành thông lệ quốc tế và phù hợp điều kiện hội nhập sâu rộng của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Các hoạt động này nhằm tăng cường năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường. Ngoài ra, việc gia tăng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu về tăng cường năng lực của cơ quan quản lý trong việc giám sát dòng vốn ra vào, tránh nguy cơ bong bóng hoặc rút vốn ồ ạt, để nền kinh tế có thể hấp thụ lượng vốn một cách có hiệu quả.

Ngay như việc mở cửa thị trường ở mức độ cao đồng nghĩa với sự xuất hiện và tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài, sẽ cần có ý thức hơn về quản trị rủi ro, mức độ tuân thủ pháp luật cũng như dịch vụ cung cấp cho khách hàng ngày càng tốt hơn. Và mặc dù hoạt động tái cấu trúc vẫn đang được tiếp tục thực hiện theo lộ trình, với những bước đi thận trọng để không làm xáo trộn thị trường, nhưng bản thân các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán trong nước cần phải tự hoàn thiện mình để không bị thụt lùi trong quá trình mở cửa thị trường.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến các thành viên thị trường về nội hàm của các cam kết trong hiệp định, để họ chủ động hiểu và nắm được những lợi ích mà hiệp định mang lại.

Chính những thách thức nêu trên, khi nhìn nhận theo nghĩa tích cực, sẽ tạo ra một “cú huých” lớn cải thiện môi trường đầu tư, môi trường pháp lý, thể chế, giúp cho cả cơ quan quản lý lẫn các thành viên tham gia thị trường tự hoàn thiện mình để đáp ứng được yêu cầu cao của quá trình hội nhập và phát triển.